Những tấm gương giáo viên tận tâm với nghề
Đã đăng vào 21/11/2014 lúc 16:16Hơn 25 năm đứng trên bục giảng là chừng ấy thời gian thầy Lê Hoàng Tuấn, giáo viên Trường tiểu học Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi không ngừng phấn đấu, không ngừng tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học. Mỗi giờ học do thầy đứng lớp đều tạo cho học sinh sự say mê, hào hứng, bởi thầy Tuấn luôn sáng tạo ra những cách dạy mới, giúp học sinh tiếp thu bài nhanh hơn. Với bộ thước kẻ toán học do thầy Lê Hoàng Tuấn sáng kiến và thực hiện đã giúp cho mỗi bài toán từ lớp 1 đến lớp 5 phong phú hơn, học sinh thực hành đạt hiệu quả cao hơn. Giải pháp thước kẻ hết sức đơn giản gọn nhẹ, không tốn kém nhưng lại có tính đa năng, có thể chuyển đổi thước kẻ thành nhiều hình khác nhau, như: Cấu tạo về các góc, đường gấp khúc, các loại hình tam giác, hình vuông, hình bình hành, hình chữ nhật. Từ đó, giúp học sinh tiếp thu nhanh và có nhiều thời gian thực hành trên lớp.
Tại Hội thi sáng tạo đồ dùng dạy học do Sở giáo dục – đào tạo tổ chức lần thứ III năm học 2012 – 2013, bộ thước kẻ toán học lớp 4 do thầy giáo Lê Hoàng Tuấn sáng kiến đã đạt giải nhất. Không dừng lại đó, tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ V tỉnh Bạc Liêu năm 2013 – 2014, đồ dùng dạy học của thầy Tuấn tiếp tục đạt giải nhất tại cuộc thi này. Quan trọng hơn là đồ dùng dạy học của thầy Tuấn không chỉ được thầy cô trong khối của trường ứng dụng mà nhiều thầy cô khác cũng đã sử dụng bộ thước kẻ này vào các tiết dạy toán.
Là giáo viên phụ trách dạy Toán, Tin học của trường THCS Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình, thầy giáo Lê Phước Thiện luôn trăn trở, tìm biện pháp giảng dạy để học sinh tiếp thu bài nhanh, nắm chắc kiến thức đã học. Qua những bài giảng thực tế, suốt thời gian đứng lớp thầy Thiện đã ấp ủ, mày mò và sáng tạo thành công phần mềm mô phỏng các thao tác vẽ hình, dựng hình, gấp giấy trong môn hình học trung học cơ sở. Phần mềm này đã mô phỏng hầu hết các thao tác vẽ hình của khối lớp 6 đến khối lớp 8, giúp cho học sinh dễ quan sát, dễ hiểu bài ngay tại lớp. Sáng kiến này đã được ghi nhận qua Hội thi sáng tạo đồ dùng dạy học do Sở GD – ĐT tổ chức vào năm 2010. Sau đó, được sự đóng góp của Ban giám hiệu nhà trường, thầy Lê Phước Thiện chỉnh sửa, bổ sung một số chi tiết, tham gia dự thi tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh và đạt được giải cao.
Qua đúc kết từ thực tế, thầy Thiện nhận thấy việc áp dụng ứng dụng mô phỏng hình học vào soạn giảng sẽ giúp cho giáo viên thiết kế bài giảng có hiệu quả cao hơn, học sinh tiếp thu kiến thức trực quan sinh động tạo cho các em tự giác tích cực hơn trong học tập, từ đó giúp học sinh hình thành kiến thức, rèn luyện kĩ năng và phát triển tư duy.
Luôn bền bỉ, tận tâm với sự nghiệp trồng người. Những tấm gương trong ngành giáo dục như thầy Tuấn, Thầy Thiện xuất hiện ngày càng nhiều hơn là một trong những điển hình cho phong trào “mỗi thầy cô giáo là tấm gương tự học tự sáng tạo”./.
Thùy Dung – Anh Tuấn