Những mô hình hiệu quả của nông dân

Đã đăng vào 14/10/2014 lúc 10:48

Siêng năng, cần cù, sáng tạo, nắm bắt kịp thời nhu cầu của thị trường để có hướng đi phù hợp trong sản xuất kinh doanh là những điều mà chúng tôi dễ nhận thấy nhất khi tìm hiểu, tiếp xúc với những nông dân ở Bạc Liêu trong những năm gần đây.

Là một trong những hộ áp dụng mô hình nuôi cá kèo theo hình thức thâm canh đầu tiên của xã Phong Thạnh, huyện Giá rai, ông Võ Văn Út chia sẻ: Khoảng những năm 2009, 2010, thấy mô hình nuôi tôm quảng canh và tôm công nghiệp không đem lại hiệu quả kinh tế như mong muốn nên ông đã đi tham quan một số mô hình nuôi thủy sản ở một số địa phương trong và ngoài tỉnh, với hi vọng sẽ tìm được mô hình thích hợp áp dụng cho gia đình. Sau khi tham quan, tìm hiểu, ông Út thấy mô hình nuôi cá kèo phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương, nhất là nguồn nước trong vuông của ông có độ mặn thích hợp cho con cá kèo phát triển nên ông bắt đầu nuôi thử nghiệm con cá kèo trên diện tích mặt nước 1 ngàn mét vuông. Lần nuôi đầu đã đem lại hiệu quả khá cao. Với 3 kg cá kèo giống, sau 4 tháng rưỡi nuôi, ông thu về 120 triệu đồng, trừ chi phí xong ông có lời trên 50 triệu đồng. Vừa nuôi vừa tích lũy kinh nghiệm, những lần nuôi kế tiếp hiệu quả và lợi nhuận càng cao hơn. Không dừng lại ở con cá kèo, ông Út còn học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè và ương tôm lỡ thành công để  phục vụ nhu cầu nuôi tôm của nông dân địa phương. Ngoài ao cá kèo, ao tôm, ông Út cũng đầu tư nuôi thêm 1 chuồng cá sấu để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Với 3 mô hình nuôi trên, mỗi năm ông Út thu về cho gia đình lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng.  

Đến thăm mô hình nuôi dê và heo rừng của anh Giang Văn Gin, ấp 20, xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai chúng tôi được anh cho biết: Gia đình anh có 8 công đất vuông nuôi tôm quảng canh không đảm bảo chi tiêu trong gia đình và thời gian rảnh của hai vợ chồng anh khá nhiều. Vì thế, anh đã đi tham quan, tìm hiểu những mô hình sản xuất có quy mô nhỏ, ít vốn để có thể về áp dụng trong gia đình. Sau một thời gian tìm tòi, học hỏi, anh Gin quyết định đầu tư nuôi dê và nuôi heo rừng. Anh cho rằng mô hình nuôi này phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình vì vốn đầu tư tương đối thấp, kỹ thuật chăm sóc đơn giản, có thể tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên. Qua 1 thời gian nuôi đã phát huy hiệu quả, cả heo rừng, dê đều phát triển tốt và khi xuất bán đều có lãi khá.

Cả hai mô hình nuôi cá kèo, ương tôm lỡ của ông Võ Văn Út và mô hình nuôi heo rừng, nuôi dê của anh Giang Văn Gin đã được Hội nông dân huyện Giá Rai khuyến khích nhân rộng, đồng thời được nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu, áp dụng và đã mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Không riêng ông Út, anh Gin, trong những năm qua, thông qua các phong trào thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh giỏi với sự tham gia tích cực của nông dân nên ở nhiều địa phương trong tỉnh đã xuất hiện những mô hình sản xuất, kinh doanh chẳng những đem lại hiệu quả kinh tế, lợi nhuận cho gia đình họ mà còn nhân rộng áp dụng trong nhiều hộ nông dân khác./.

Văn Sĩ – Ngọc Quyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Tổng biên tập: Đoàn Út Bảy
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: thblwebsite@gmail.com
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo