Giải Nobel Hòa bình và nhiệm kỳ tổng thống thứ nhì

Đã đăng vào 16/10/2011 lúc 7:00

Việc tổng thống Liberia, bà Ellen Johnson Sirleaf, cùng hai phụ nữ khác nhận giải Nobel hòa bình 2011 hôm thứ sáu tuần trước bị các đối thủ chính trị chê trách là “vận động tranh cử” trá hình cũng có phần có lý: hôm thứ ba 11-10 vừa qua, ở Liberia bầu tổng thống và bà Sirleaf ra ứng cử nhiệm kỳ hai.

 

Những người ủng hộ bà Ellen Johnson Sirleaf trong chiến dịch bầu cử tổng thống Liberia ở Monrovia ngày 9-10, hai ngày sau khi bà nhận giải Nobel hòa bình cùng hai phụ nữ khác – Ảnh: Reuters

Đúng là việc xướng danh giải Nobel hòa bình này quá sát ngày bầu cử. Song câu hỏi đặt ra là: liệu bà Sirleaf có thật sự xứng đáng hay không hay đây chỉ là một sự “hà hơi tiếp sức” từ bên ngoài? Trả lời câu hỏi này tức nói đến ý nghĩa và giá trị công việc bà đã làm.

Nội chiến tranh giành quyền lực

Ngày 12-4-1980, một hạ sĩ quan quân đội Liberia tên Samuel Doe cầm đầu cuộc đảo chính và nhanh chóng thiết lập một chế độ độc tài dưới lớp vỏ tổng thống. Đến năm 1989, Mặt trận yêu nước Liberia (NPFL) ra đời do Charles Taylor từ Bờ Biển Ngà về nước lãnh đạo.

Mặt trận này nhanh chóng chiếm gần hết lãnh thổ Liberia, song bị chặn lại trước thủ đô Monrovia, một phần nhờ sự có mặt của một lực lượng “trái độn” gồm 4.000 quân của các nước thuộc Cộng đồng kinh tế các quốc gia miền Tây châu Phi (ECOWAS), phần khác do nội bộ mặt trận chia rẽ với việc tướng quân Prince Johnson ly khai thành lập một mặt trận khác lấy tên Mặt trận dân tộc yêu nước Liberia (INPFL). Phe này tổ chức thành công vụ ám sát tổng thống Samuel Doe ngay khi ông này đến duyệt một đơn vị “gìn giữ hòa bình”.

Cuộc nội chiến tay ba nay trở thành tay đôi giữa hai phe nổi dậy tranh giành quyền lực vừa lật đổ, bất chấp các nỗ lực giảng hòa của ECOWAS. Cuộc nội chiến bảy năm từ 1989-1996 ở một đất nước chưa đầy 4 triệu dân đã cướp đi sinh mạng của hơn 200.000 người, hầu hết bằng mã tấu, khiến 1 triệu người phải di cư sang các nước láng giềng lánh nạn!

Cựu nô lệ trở thành thượng lưu

Đằng sau các cuộc đảo chính và nội chiến này là cả một “đại bi kịch” chính trị. Trong nửa đầu thế kỷ 19, các nô lệ da đen vừa được giải phóng ở Mỹ rủ nhau quay trở lại châu Phi, tìm đến đất nước này sinh sống rồi thành lập nước Cộng hòa Liberia vào ngày 26-7-1847. Sự hiện diện trong ưu thế của những người gốc Mỹ này khiến người dân sở tại bực dọc khi mãi đến năm 1904 họ mới được quyền công dân ngay trong xứ sở của mình!

Các công dân Liberia gốc Mỹ vẫn luôn chiếm thế thượng phong trong bộ máy chính trị của đất nước này, trong hàng ngũ Đảng TWP độc nhất cầm quyền. Nếu tổng thống đầu tiên Joseph Jenkins Roberts là người Liberia gốc Mỹ thì tổng thống cuối cùng trước cuộc đảo chính năm 1980 là William R. Tolbert cũng là người thuộc dòng dõi thượng đẳng này. Ông này bị thượng sĩ nhất Samuel Doe hành quyết trong cuộc đảo chính kết liễu bi kịch sự thống trị của người da đen gốc Mỹ trên người da đen sở tại!

Vừa kết thúc bi kịch này, bi kịch tiếp theo đã mở màn cho cuộc chém giết lẫn nhau giữa các bộ tộc. Người hùng đảo chính Samuel Doe lên ngôi, bộ tộc Krahn cũng thừa thắng xông lên cho dù là một trong những bộ tộc ít người nhất.

Bi kịch lần này do bộ tộc Krahn thủ “vai chính” chiếm lĩnh hầu như toàn bộ bộ máy chính trị quân sự ở nước này, bất chấp sự bất mãn của các bộ tộc khác. Cao điểm của sự bất mãn là một cuộc đảo chính thất bại ngày 12-11-1985 do tư lệnh lục quân Thomas Quiwonkpa cầm đầu.

Sau vụ đảo chính hụt này, phe người Krahn của tổng thống Doe nổi đóa trừng phạt các bộ tộc Mano và Gio bị xem là theo phe đảo chính. Samuel Doe tồn tại trong chục năm cho đến khi bị phe của Prince Johnson bắt và hạ sát ngày 9-9-1990.

Ông Charles Taylor và bà Sirleaf

Nhờ sự hiện diện của quân đội các nước Tây Phi, Liberia cũng dần trở lại yên ổn, sứ quân Charles Taylor đắc cử tổng thống vào ngày 19-7-1997. Trong sáu năm cầm quyền của Charles Taylor, đời sống dân Liberia chẳng khá hơn trước, tỉ lệ thất nghiệp và mù chữ cùng trên 75%!

Thay vì lo cải thiện dân sinh, tổng thống Taylor lo trợ giúp làm “cách mạng” ở Sierra Leone kế cận, khiến sau này vào ngày 7-3-2003, một tòa án của Sierra Leone đưa ra cáo trạng về những tội ác ông gây ra ở nước này. Tám tháng trước sức ép của Liên Hiệp Quốc (LHQ), ông này phải từ chức, lưu vong sang Nigeria, song bị bắt ở đó rồi bị giải giao cho Sierra Leone.

Có những ý kiến nay khui ra rằng bà Sirleaf từng ủng hộ ông Charles Taylor trong thời gian đầu khi ông này bắt đầu làm loạn chống lại chế độ của Samuel Doe (năm 1989) (1). Song cáo giác như thế vẫn chưa đủ: năm 1980, bà Sirleaf từng giữ chức chủ tịch Ngân hàng Phát triển và đầu tư Liberia (LBDI) trước khi bỏ ra nước ngoài cùng năm đó. Chẳng qua trong thân phận một trí thức, tốt nghiệp cao học hành chính công Harvard (Mỹ) năm 1971, bà đành phải tham chính, như giữ chức bộ trưởng tài chính năm 1979 dưới trào William R. Tolbert.

Những liên quan đến Charles Taylor càng bị “tẩy rửa” bởi việc bà dám ra tranh cử tổng thống vào năm 1997 đối đầu với chính Charles Taylor lúc đó, một lần nữa lưu vong chạy trốn sự trả thù. Mãi đến khi Charles Taylor phải chấp nhận lưu vong, bà Sirleaf mới về lại Liberia nhận chức chủ tịch Ủy ban cải cách đặc trách chống tham nhũng và ra tranh cử tổng thống năm 2005.

Một tổng thống kỹ trị

Trong thời gian lưu vong, bà Sirleaf đã làm việc cho Ngân hàng Thế giới (WB), rồi Chương trình phát triển LHQ (UNDP), thậm chí giữ chức trợ lý tổng thư ký LHQ. Đây là một lộ trình tương tự lộ trình của đương kim Tổng thống Bờ Biển Ngà Alassane Dramane Ouattara, tiến sĩ kinh tế Đại học Philadelphia (Mỹ), vụ trưởng Vụ châu Phi của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)…

Đây là hai nước liền kề nhau, “môi hở răng lạnh” đến độ Charles Taylor năm xưa đã từng từ Bờ Biển Ngà về nước cầm đầu nổi loạn đòi lật đổ Samuel Doe.

Cuộc bầu cử năm 2005 đã diễn ra trong sự bảo vệ của lực lượng LHQ đông đến 12.000 binh sĩ và 1.148 sĩ quan cảnh sát (2). Lần này, cùng với 8.200 binh sĩ LHQ của lực lượng UNMIL, còn có 140 hiến binh Burkinabe và 140 hiến binh Bờ Biển Ngà cùng 540 cảnh sát Ghana và Nigeria (3) sang đảm bảo an ninh bầu cử.

Điều này cho thấy chưa hẳn những ký ức về cuộc nội chiến đã được quên đi, cho dù bà Sirleaf đã lồng ghép vào trong chương trình giảm nghèo một chương trình giải ngũ 100.000 cựu binh sĩ các phe phái.

Cho dù là một nước tài nguyên kinh tế rất khiêm tốn, dưới trào bà Sirleaf Liberia cũng đã trả xong món nợ trễ hạn từ trước lên đến 1,6 tỉ USD cho WB, IMF, Ngân hàng Phát triển châu Phi năm 2009, sau đó thanh toán xong số nợ Câu lạc bộ Paris 1,4 tỉ USD vào năm 2010.

Trên một bình diện khác, Liberia là nước thứ nhì thế giới cam kết công khai việc khai thác khoáng sản (EITI) và là nước Tây Phi đầu tiên thông qua đạo luật Quyền tự do thông tin (FOIA).

(HỮU NGHỊ/TTCT)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Lâm Hồ Sỹ
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo