Hộ nghèo dân tộc thiểu số vươn lên từ chính sách hỗ trợ
Đã đăng vào 18/09/2014 lúc 10:12Do đông con, không có đất sản xuất nên những năm trước đây gia đình bà Trần Thị Đẹt ấp 4, thị trấn Giá Rai, huyện Giá Rai luôn chịu cảnh thiếu trước hụt sau. Xét thấy hoàn cảnh nghèo khó của gia đình, từ các chương trình, chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo dân tộc thiểu số, các tổ chức, đoàn thể và chính quyền địa phương đã 4 lần hỗ trợ vốn cho gia đình bà phát triển sản xuất. Nhờ chịu khó lao động, nguồn vốn hỗ trợ đã phát huy tác dụng nên sau một thời gian nỗ lực lao động, gia đình bà Đẹt đã có cuộc sống ổn định hơn và được thoát nghèo. Năm 2012, hộ bà Đẹt còn được hỗ trợ 30 triệu đồng cất nhà theo chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo dân tộc thiểu số. Có được căn nhà vững chắc, gia đình bà Đẹt càng vững niềm tin và quyết tâm vươn lên trong cuộc sống.
Năm 2009, hộ ông Danh Bal, ấp Giồng Giữa A, xã Vĩnh Trạch Đông, TPBL được hỗ trợ 5 triệu đồng để phát triển sản xuất. Có vốn, ông Danh Bal cải tạo vườn trồng màu và cuộc sống gia đình dần được cải thiện. Năm 2010, gia đình ông được Nhà nước hỗ trợ 18 triệu đồng xây nhà theo chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo dân tộc thiểu số. Yên tâm vì được ở trong ngôi nhà kiên cố ấm cúng, lại có vốn đầu tư cho vườn rau nên thu nhập của gia đình ông ngày một khấm khá hơn.
Từ 2009 đến cuối năm 2013, tỉnh BL đã xây tặng trên 1.000 căn nhà cho hộ nghèo dân tộc thiểu số; hỗ trợ, cho vay vốn phát triển sản xuất hơn 4 ngàn lượt hộ dân tộc thiểu số nghèo, với tổng số tiền hàng trăm tỷ đồng. Nhờ đó, mỗi năm tỉnh có trên 400 hộ nghèo dân tộc thiểu số thoát nghèo. Hầu hết những hộ sau khi thoát nghèo đều có công ăn, việc làm và có thu nhập ổn định.
Hỗ trợ vốn, phương tiện sản xuất, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo nói chung, hộ nghèo dân tộc thiểu số nói riêng, không chỉ tạo điều kiện để họ phát triển sản xuất, đem lại thu nhập cho gia đình mà quan trọng và ý nghĩa hơn, đó là từ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã khơi dậy tinh thần hăng say lao động, ý chí tự lực tự cường của hộ nghèo để họ vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, qua đó giúp cho người nghèo ý thức được rằng: Đảng và Nhà nước chỉ có thể giúp cho gia đình mình có điều kiện sản xuất, còn yếu tố quyết định cho gia đình thoát được cái nghèo, cái khó chính là xuất phát từ ý chí và tinh thần lao động của mỗi thành viên trong gia đình. Và như vậy, hộ nghèo mới có thể thoát nghèo bền vững./.
Văn Sĩ – Ngọc Quyên