Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp các nhà thơ quốc tế dự Liên hoan thơ châu Á – Thái Bình Dương lần thứ nhất
Đã đăng vào 06/02/2012 lúc 9:39Ngày thơ Việt Nam lần thứ X
Chiều 5-2, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp các nhà thơ quốc tế đang dự liên hoan thơ châu Á – Thái Bình Dương lần thứ nhất. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cùng các nhà thơ quốc tế báo cáo Chủ tịch nước kết quả Liên hoan thơ châu Á – Thái Bình Dương. Liên hoan do Ủy ban toàn quố các hội VHNT Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức nhằm giới thiệu tinh hoa thơ Việt Nam đến bạn bè quốc tế, đã thu hút sự tham gia của 81 nhà thơ đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong thời gian một tuần, các hoạt động tại Liên hoan bao gồm: hội thảo, đọc thơ, trình diễn thơ, giao lưu với công chúng đều tập trung vào chủ đề: "Vì một châu Á hòa bình, hợp tác, hữu nghị, phát triển". Với gần 30 tham luận phát biểu tại Hội thảo, các nhà thơ đề cập đến trách nhiệm của thơ văn với cộng đồng, với dân tộc, vì sự phát triển lành mạnh của đời sống tinh thần xã hội, con người.
Các đại biểu đánh giá cao công tác tổ chức Liên hoan của Việt Nam, và kiến nghị những thành công của Liên hoan lần thứ nhất cần được kế thừa để tổ chức các lần tiếp theo tại nhiều quốc gia trong khu vực. Các đại biểu cảm ơn sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, đồng thời khẳng định qua thơ ca, bạn bè quốc tế hiểu thêm về tâm hồn, nhân cách Việt Nam với tình yêu thơ ca, tư tưởng nhân văn, khát vọng hòa bình, hạnh phúc.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ vui mừng chào đón 81 nhà thơ đến từ nhiều nước và vùng lãnh thổ để cùng các nhà thơ Việt Nam tổ chức Liên hoan thơ châu Á – Thái Bình Dương, một Liên hoan giàu ý nghĩa không chỉ với nghệ thuật thơ ca, mà cả với cộng đồng khu vực, quốc tế. Khẳng định tổ chức Liên hoan thơ là vinh dự và trách nhiệm của Việt Nam, Chủ tịch nước cho rằng, nhân dân Việt Nam có truyền thống yêu thơ ca. Thơ ca vừa là sự riêng tư của đời sống nội tâm mỗi con người, đồng thời là sức mạnh tinh thần to lớn khích lệ toàn thể dân tộc trước những thử thách khắc nghiệt của lịch sử. Chính vì ý thức sâu sắc này, nhân dân Việt Nam luôn yêu mến, mong mỏi được hiểu biết thấu đáo, học tập tinh hoa từ nhiều nền thơ của các đất nước, dân tộc khác. Chủ tịch nước nhấn mạnh, giao lưu văn học luôn có ý nghĩa nhân văn nhằm tôn vinh các giá trị toàn nhân loại. Thay mặt Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước chúc mừng thành công của một Liên hoan thơ đầy ý nghĩa; khẳng định Việt Nam luôn tạo điều kiện để các nhà thơ quốc tế trở lại Việt Nam tham dự các hoạt động văn hóa.
Sáng 5-2, tức 14 tháng Giêng năm Nhâm Thìn, Ngày thơ Việt Nam lần thứ X do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã khai mạc trọng thể tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội. Ðến dự, có các đồng chí: Phạm Vũ Luận, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo; Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật T.Ư; đông đảo nhà văn, nhà thơ ở Hà Nội và các tỉnh lân cận, 67 nhà thơ thuộc 26 quốc gia và vùng lãnh thổ tới tham dự Liên hoan thơ châu Á – Thái Bình Dương tổ chức tại Quảng Ninh cùng có mặt.
Năm nay là năm thứ mười Ngày thơ Việt Nam được tổ chức. Với những cố gắng cải tiến, bổ sung, nâng cao các hình thức hoạt động, qua mỗi năm Ngày thơ Việt Nam càng trở nên sôi động hấp dẫn, trở thành một ngày hội văn hóa có sức hút đối với công chúng yêu nghệ thuật. Một sự kiện đáng chú ý của Hội thơ Việt Nam lần thứ X tổ chức Triển lãm 80 năm Thơ Mới tại Thiên Quang Tỉnh với 38 gương mặt tiêu biểu của Thơ Mới được lựa chọn để tôn vinh, cùng 19 áp-phích giới thiệu 19 cặp thi sĩ với tiểu sử và trích bài thơ nổi bật, như: Thế Lữ với Tiếng sáo Thiên Thai, Lưu Trọng Lư với Tiếng thu, cùng các nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh… với những trích đoạn thơ nổi tiếng.
Khác với mọi năm, Ngày thơ năm nay tập trung vào hai sân thơ truyền thống và quốc tế. Sân Thái Miếu diễn ra Dạ hội thơ mang chủ đề Mùa xuân đất nước, là nơi hội tụ những sáng tác thơ truyền thống với sự có mặt của một số nhà thơ nổi tiếng thuộc các thế hệ, cùng các tiết mục nghệ thuật truyền thống đặc sắc như biểu diễn cồng chiêng của đồng bào Mường ở Hòa Bình, hát xoan của Phú Thọ…
Bên cạnh đó, Sân thơ trăm miền trước Nhà Thái Học trở thành cuộc gặp gỡ của các thi sĩ đến từ khắp mọi miền đất nước, trong đó có nhiều gương mặt trẻ như Vi Thùy Linh, Ðỗ Doãn Phương, Nguyễn Phan Quế Mai…
Ðiểm mới của Ngày thơ năm nay là sự góp mặt của các nhà thơ quốc tế qua các phần trình bày thơ song ngữ Việt – Anh. Không chỉ thuyết minh bằng tiếng Anh về nguồn gốc ngày thơ, xuất xứ các tiết mục nghệ thuật đặc sắc trong chương trình, Ban Tổ chức còn đẩy mạnh tính giao lưu quốc tế qua phần kết hợp đọc, dịch thơ giữa các tác giả Việt Nam và thế giới.
Ở cả hai sân thơ truyền thống và quốc tế, các nhà thơ đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ cũng tham gia đọc, hát, diễn xướng những vần thơ xuất sắc qua bản dịch của các dịch giả Thúy Toàn, Hữu Việt, Nguyễn Phan Quế Mai… Các hoạt động này được kết hợp các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc đã đem đến một không khí nghệ thuật cởi mở, thân tình. Góp mặt vào không khí sôi động của Ngày thơ còn có đại diện của 10 Hội Văn học – Nghệ thuật của tỉnh, thành phố, cùng 16 câu lạc bộ thơ hoạt động tại địa bàn thành phố Hà Nội với những "quán thơ" mang phong cách độc đáo, thu hút đông đảo du khách quốc tế và công chúng yêu thơ nước nhà.
Buổi chiều cùng ngày, tại sân Nhà Thái Học diễn ra lễ trao Giải thưởng Văn học 2010, 2011 và Lễ kết nạp hội viên mới của Hội Nhà văn Việt Nam.
Sáng 5-2, Hội Văn học – Nghệ thuật Quảng Ngãi phối hợp Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Ðài PTTH Quảng Ngãi tổ chức khai mạc Ngày thơ Việt Nam với chủ đề Trường Lũy Biển Ðông, một chủ đề có ý nghĩa hết sức sâu sắc nhằm biểu dương, kết nối sức mạnh lòng yêu nước của người dân Quảng Ngãi nói chung, của ngư dân Quảng Ngãi nói riêng trong suốt hành trình bảo vệ và giữ yên từng tấc đất biển đảo của Tổ quốc.
Tại lễ khai mạc đã diễn ra chương trình thơ, nhạc do các hội viên Hội Văn học – Nghệ thuật Quảng Ngãi thể hiện, với những bài thơ, nhạc ca ngợi quê hương đất nước. Ðặc biệt là những bài thơ về biển đảo và những bài thơ ca ngợi những hùng binh Hoàng Sa thuở trước. Nhân Ngày thơ Việt Nam, Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn đã trao tặng Hội Văn học – Nghệ thuật Quảng Ngãi số tiền 100 triệu đồng để hỗ trợ những tác phẩm sáng tác của anh em văn nghệ sĩ trong tỉnh.
Tối 5-2, tại cổng Trường Trưng Nữ Vương, TP Long Xuyên (An Giang), Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật An Giang tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu xuân Nhâm Thìn 2012 và ra mắt Tao Ðàn An Giang với 25 thành viên Ban Chủ nhiệm do nhà thơ Nguyễn Lập Em, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Phân Hội trưởng Văn học An giang làm Chủ nhiệm.
Ðêm thơ quy tụ tất cả các nhà thơ, nhà văn chuyên, không chuyên đã, đang sáng tác văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh và nhân dân TP Long Xuyên tham dự với các hoạt động giao lưu văn thơ. Cũng tại đêm thơ, Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật tỉnh An Giang, Hội Nhà văn tỉnh đã công bố quyết định thành lập Tao Ðàn An Giang quy tụ những người có tâm huyết với văn thơ nhằm phát triển phong trào sáng tác, quảng bá, phát hành các tác phẩm văn thơ của các cây bút trên địa bàn.
Ngày 5-2, tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh, Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn tổ chức Ngày thơ Việt Nam, với chủ đề: "Lạng Sơn với biển đảo Tổ quốc". Ngày thơ Việt Nam tại Xứ Lạng năm nay thu hút 30 nhà thơ của tỉnh, cùng đông đảo công chúng yêu thơ đến tham dự. Tại Ngày thơ đã có 14 tác phẩm thơ được các nhà thơ thể hiện với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, Bác Hồ kính yêu và biển đảo Việt Nam thân thương, đem lại cho công chúng yêu thơ và những người tham dự nhiều ấn tượng sâu sắc.
(Báo nhân dân)