MUỐI BẠC LIÊU: Sẵn sàng “vươn ra biển lớn”
Đã đăng vào 11/06/2014 lúc 14:54Với bờ biển dài 56km – một ngư trường rộng lớn dồi dào các giống loài thủy sản có giá trị; hàng ngàn héc-ta rừng phòng hộ không chỉ thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái biển, Bạc Liêu còn có diện tích và sản lượng muối lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long…
Muối Bạc Liêu có màu trắng, trắng hồng, ánh xám, không mùi, vị mặn, không vị đắng và hạt khô, chắc. Trong đó, muối không có vị đắng là một yếu tố đặc thù tạo nên sự khác biệt của muối Bạc Liêu so với muối của các tỉnh khác. |
Thương hiệu quốc gia
Nếu Cà Mau từng nổi danh với nghề dệt chiếu thì Bạc Liêu cũng được nhiều người biết đến bởi nghề làm muối. Chưa có một nguồn tài liệu chính thống nào ghi chép lại thời điểm ra đời, chỉ biết rằng hạt muối Bạc Liêu đã nổi tiếng ở Nam bộ từ rất xa xưa và gắn liền với những người đi khai phá vùng đất mới ven biển cách nay trên 100 năm. Không ít diêm dân ở Bạc Liêu thuộc thế hệ thứ 3 đang sản xuất trên ruộng muối do thế hệ trước để lại với quan niệm “Nghề muối là nghề của ông bà để lại, nên dù có vất vả đến mấy mình cũng phải giữ gìn”. Vì vậy, nói đến muối Bạc Liêu là người ta nhớ ngay đến một nghề truyền thống, một thương hiệu dân gian nổi tiếng từ lâu đời với những tính chất, chất lượng rất đặc thù và dễ nhận biết mà muối sản xuất ở những nơi khác không có được.
Về kỹ thuật phơi nước biển theo các cấp “xa kề, nhì kề, xắp chuối”, để kết tinh được hạt muối từ nước biển là một kỹ thuật sản xuất truyền thống và rất riêng của Bạc Liêu, có điểm khác biệt cơ bản với kỹ thuật sản xuất muối ở miền Trung và miền Bắc. Nét mới trong nghề làm muối ở Bạc Liêu hiện nay là việc bà con thấy được hiệu quả của mô hình sản xuất muối trải bạt, nên thời gian qua nhiều hộ dân đã áp dụng mô hình này. Muối trải bạt không chỉ làm tăng năng suất, mà còn nâng cao chất lượng, giá thương phẩm so với cách sản xuất muối truyền thống của bà con bấy lâu nay. Từ rất lâu hạt muối Bạc Liêu còn được sử dụng như một vị thuốc.
Nghề muối truyền thống góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Trong ảnh: Diêm dân huyện Đông Hải thu hoạch muối. Ảnh: Kim Trung |
Thời thuộc Pháp và Mỹ, hoạt động kinh doanh muối Bạc Liêu rất rộng lớn, chiếm cứ toàn vùng Nam bộ, ra tới tận Phan Thiết và đặc biệt giao lưu xuất khẩu theo đường sông Mê Kông qua Campuchia để ướp muối cá linh vào mùa nước nổi hàng năm. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, hạt muối Bạc Liêu cũng đã có mặt trên các siêu thị ở Nhật, và trở thành món hàng chính hiệu của Nhật Bản. Ngoài ra, muối Bạc Liêu cũng được người Hàn Quốc sử dụng chế biến món kim chi.
Có thể nói, muối Bạc Liêu là sản phẩm nổi tiếng rất lâu đời, là một sản phẩm nông nghiệp đặc thù chỉ có ở Bạc Liêu, với bề dày lịch sử phát triển trên 100 năm và tích lũy kinh nghiệm qua nhiều thế hệ của người dân trong vùng. Ngoài lợi thế tự nhiên, chất lượng sản phẩm còn tích tụ tinh hoa của truyền thống cần cù, lao động sáng tạo của con người. Ngày 12/12/2013 sản phẩm muối ăn Bạc Liêu đã được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ KH-CN cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) số 00038 theo Quyết định 3322/QĐ-SHTT. Điều này đồng nghĩa với việc muối ăn Bạc Liêu đã chính thức trở thành thương hiệu quốc gia và sản phẩm này sẽ có cơ hội vươn xa hơn nữa ở các thị trường trong nước và thế giới. Có được kết quả trên là sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của ngành quản lý trong việc chuyển giao những mô hình sản xuất muối, giúp năng suất, chất lượng muối ngày càng nâng cao, nhất là lòng yêu nghề của bà con diêm dân vốn gắn bó máu thịt với hạt muối.
Muối Bạc Liêu được chế biến thành nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Ảnh: Kim Trung |
“Vươn ra biển lớn”
Để CDĐL muối Bạc Liêu thật sự trở thành một công cụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm và tăng thu nhập cho diêm dân thì vấn đề then chốt là cần coi việc bảo hộ và phát triển sản phẩm CDĐL này như việc quản trị thương hiệu của một doanh nghiệp. Đi cùng với nó, các vấn đề về thể chế và chính sách công cũng cần được đồng bộ hóa.
Bên cạnh đó, cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp như: Tổ chức Hội đồng tư vấn quản lý CDĐL để thực hiện chức năng điều hành, chỉ đạo chung đối với các hoạt động quản lý; Tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ về chuyên môn cho cơ quan quản lý CDĐL và Hội sản xuất chế biến kinh doanh muối trong quá trình triển khai thực hiện các quy trình quản lý; Thành lập cơ quan quản lý CDĐL, cơ quan kiểm soát chất lượng với chức năng, nhiệm vụ: Tổ chức xây dựng các phương tiện, điều kiện để thực hiện việc kiểm soát; Thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng CDĐL; Xác định và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm đủ điều kiện mang CDĐL; Tiến hành các biện pháp nhằm phát triển uy tín, danh tiếng, giá trị CDĐL cũng như chống lại các hành vi xâm phạm quyền đối với CDĐL; Cấp, quản lý và kiểm soát việc sử dụng nhãn xác nhận chất lượng… Thành lập Hội (Hiệp hội) sản xuất, chế biến và kinh doanh nhằm xây dựng các phương tiện, điều kiện để thực hiện việc kiểm soát; Lập và quản lý vùng canh tác, cơ sở chế biến (phơi, sấy); Hướng dẫn, quản lý việc tuân thủ các quy trình canh tác, thu hoạch, chế biến, bảo quản, kiểm tra chất lượng, sử dụng tem, nhãn và đóng gói sản phẩm; Xử lý các vi phạm của hội viên; Bảo vệ lợi ích chính đáng và hợp pháp của Hội và các hội viên; Quan hệ hợp tác với các tổ chức, cá nhân khác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của muối Bạc Liêu; Không ngừng mở rộng thị trường, đa đạng hóa các sản phẩm được chế biến từ muối…
Với các nhóm giải pháp trên, tin rằng hạt muối Bạc Liêu sẽ có đủ điều kiện “vươn ra biển lớn” và người làm nghề muối ở Bạc Liêu sẽ nếm trải được hương vị “ngọt ngào” từ sản phẩm do mình làm ra.
(Baobaclieu)