Trực tuyến: Thủ tướng đối thoại với đại biểu thanh niên

Đã đăng vào 14/12/2012 lúc 10:19

Từ 8 giờ 5 phút sáng 14-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu cuộc đối thoại với các đại biểu đại diện cho hơn 7 triệu đoàn viên thanh niên từ mọi miền Tổ quốc dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X.

 

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi đối thoại với thanh niên sáng 14-12  – Ảnh: Nguyễn Khánh

 

Đúng 8g10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu bước vào hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội).

Ngoài thủ tướng, đoàn đại biểu của chính phủ tham dự buổi đối thoại gồm có Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ  GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ khoa học và công nghệ Nguyễn Quân.

8g15, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Thị Hà trình bày dự thảo nội dung ban hành nghị quyết liên tịch, quy chế phối hợp công tác của Chính phủ và Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS HCM. Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng Bí thư Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh cùng tham gia lễ ký kết. Nội dung nghị quyết và quy chế phối hợp sẽ bắt đầu có hiệu lực trong năm 2013.

8g25, Đoàn chủ trì đối thoại gồm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh, cùng thư ký buổi đối thoại là Bí thư Trung ương Đoàn Phan Văn Mãi và Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Thị Hà, bắt đầu vào bàn làm việc điều hành buổi đối thoại.

Thủ tướng phát biểu "Hôm nay tôi cùng phó thủ tướng cùng các bộ trưởng rất vui mừng trao đổi ý kiến với các bạn đoàn viên thanh niên đại diện, lực lượng rường cột của dân tộc, đất nước ta đã về thủ đô Hà Nội dự đại hội X. Đây là đại hội của thế hệ trẻ xây hoài bão lớn, rèn đức luyện tài, đoàn kết sáng tạo, xung kích và bảo vệ Tổ quốc. Thay mặt chính phủ kính chúc các bạn thanh niên hạnh phúc, thành công."

"Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói "một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời người khởi đầu từ tuổi trẻ". Bác đã căn dặn bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho đời sau là điều rất quan trọng, cần thiết. Đảng phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, đào tạo thanh niên trở thành người kế tục sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng CNXH vừa hồng vừa chuyên của chúng ta. Những lời căn dặn của Bác Hồ đã khẳng định niềm tin mãnh liệt về tuổi trẻ của dân tộc."

"Với tinh thần đó, Đảng ta luôn xác định công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc. Đảng, Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương chính sách, đào tạo thành niên kế tục sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta."

"Trong những năm qua, sự suy thoái kinh tế toàn cầu tác động kinh tế tiêu cực tới nước ta. Chúng ta đã cơ bản giữ được ổn định nền kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng, tiếp tục cải thiện đời sống của nhân dân, giữ vững an ninh, ổn định xã hội, độc lập chủ quyền quốc gia và tiếp tục nâng cao vị thế của VN trên trường quốc tế. Trong đó có vai trò của tuổi trẻ."

"Tuy nhiên đối mặt với thách thức, hạn chế yếu kém không nhỏ, phải nỗ lực đoàn kết vượt qua. Chính phủ phải làm gì và làm thế nào để thế hệ trẻ phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn, để Đoàn TNCS HCM hoạt động tốt hơn, thiết thực, hiệu quả hơn. Thanh niên phải thế nào để thực sự là rường cột của đất nước, là đội hậu bị tin cậy của Đảng, để tuổi trẻ mãi mãi xứng đáng với dân tộc."

"Với tinh thần đó tôi và các thành viên chính phủ sẵn sàng đối thoại với tất cả các bạn."

8g30. Mở đầu buổi đối thoại đại biểu Đào Xuân Yên (Thanh Hóa) phát biểu về tình trạng đào tạo ĐH tràn lan, chưa gắn kết với xã hội, dẫn đến thừa thầy thiếu thợ, siên viên ra trường xin việc khó khăn, gây nên những tiêu cực trong tuyển dụng.

Về vấn đề này, thủ tướng chia sẻ: "Trước hết tôi xin khẳng định, nền kinh tế chúng ta nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta, đất nước chúng ta đang thiếu cả thầy cả thợ, chứ không phải thừa thầy thiếu thợ. VN chúng ta đến hôm nay (2012), có 88 triệu dân, trong đó dân số trong độ tuổi lao động là 60 triệu, chiếm 66% dân số. Đất nước ta đang trong giai đoạn dân số vàng, 2 người trong độ tuổi lao động gắn một người phụ thuộc. Giai đoạn này kéo dài 30-33 năm."

"Đến năm 2012, số lao động được qua đào tạo các cấp chỉ 46%. Tuy nhiên tổng số này chỉ có 8% có trình độ cao đẳng, ĐH. Trong khi đó các nước phát triển, hầu hết những lao động trong độ tuổi đều được đào tạo, đào tạo lại, trong số này tỷ lệ có trình độ cao đẳng, ĐH cao hơn nhiều. Ví dụ: Malaysia 20,1%, Thái Lan 14,2%, Hàn Quốc 33,6%. nếu tính số SV trên 1 vạn dân, đến cuối 2011, 1 vạn dân có 250 SV, trong lúc Thái Lan 374, Hàn Quốc 674, Anh 380…"

"Tôi nói cái này ý là việc đào tạo nghề và trình độ cao cuả chúng ta còn quá thấp. Thứ hai cơ cấu đào tạo nước ta vẫn còn bất cập, chưa hợp lý. Ví dụ bình quân thế giới 1 đại học, 4 trung cấp, 10 công nhân kỹ thuật; còn chúng ta 1 ĐH, 1,3 trung cấp, 0,9 là công nhân kỹ thuật."

"Chính phủ đã ban hành chiến luợc về dạy nghề, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, mới đây hội nghị Trung ương cũng đã quan tâm đề cập đến vấn đề này, làm thế nào để nâng cao nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đào tạo."

Vấn đề đặt ra cho các bạn trẻ chúng ta con đường lập thân, lập nghiệp, để khẳng định, tiến lên  trong cuộc sống rất rộng mở. Chính phủ rất hoan nghênh, đánh giá cao các bạn đã có khả năng, điều kiện thi đỗ, vào học vào cao đẳng, ĐH, trên ĐH. Chúng tôi rất vui mừng, cả nước hiện có 2,2 triệu sinh viên cao đẳng, ĐH trở nên, lực lượng rất cần có công cuộc phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Chính phủ đã tạo điều kiện tối đa cho công tác học tập, ví dụ "không để một em SV nào thi đỗ mà phải bỏ học vì điều kiện khó khăn". Đảng, Chính phủ nhận thức đất nước ta đang rất thiếu đội ngũ này cho công cuộc phát triển đất nước.

"Ngược lại đất nước ta cũng rất thiếu đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề. Vì vậy những bạn chưa có điều kiện học cao đẳng, đại học thì học nghề là con đường tốt. Con đường vẫn tạo điều kiện cho các bạn trẻ lập thân, lập nghiệp, thành công trong cuộc sống."

"Thực tế thế giới và ở nước ta nhiều người thành đạt, trưởng thành từ con đường này. Do đó con đường học tập của chúng ta rất rộng mở. Vấn đề đặt ra là phải thực chất, học thật, tài năng thật, năng lực thật. Dù con đường nào, mỗi người một điều kiện hoàn cảnh, học cao hay thấp hay học nghề, nhân tố quyết định sự thành công của mỗi bạn trẻ là phải có hoài bão, quyết tâm, ý chí, bản lĩnh, phải sống có nghĩa tình, trách nhiệm với gia đình, xã hội, với dân tộc."

Để khắc phục những vấn đề này cần phải kết hợp nhiều giải pháp.

Đại biểu Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn cơ quan Trung ương Đoàn) phát biểu: "Trong thời gian qua Chính phủ phối hợp với ngành lao động thương binh xã hội triển khai đề án 103 về nghề nghiệp việc làm đã đạt được một số kết quả khích lệ. Tuy nhiên khó khăn phát sinh đó là nguồn vốn cung cấp chưa kịp thời. Thứ hai định hướng cho trung tâm tập trung vào tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề hay giải quyết việc làm chưa định hình rõ. Xin báo cáo Thủ tướng để có chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm."

Thủ tướng trả lời: Đúng là kế hoạch đã phê duyệt rồi, kinh phí đã bố trí rồi nhưng do suy thoái kinh tế nên nguồn vốn còn khó khăn. Sẽ xét lại để bố trí đủ kinh phí ngân sách cho Trung ương Đoàn hoàn thành xây dựng các trung tâm này. Đề nghị các đồng chí phải quản lý tốt.

"Trước hết Đoàn TN nên tập trung và hướng nghiệp và giới thiệu việc làm. Còn việc dạy nghề ở góc độ chừng mực. Việc dạy nghề đã giao cho Bộ LĐTB&XH và một số ngành khác, đồng thời khuyến khích xã hội hóa, phát triển các trường nghề."

 

(Tuoitre)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Cao Xuân Thu Ngọc 
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo