Cần trên 50 tỷ USD để bảo vệ môi trường Việt Nam

Đã đăng vào 13/12/2012 lúc 10:45

50,88 tỷ USD là con số tổng kinh phí cần để thực hiện Chiến lược Bảo vệ Môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố chiều 12/12/2012.

 

Ảnh minh họa

Cần khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên

 

 

Phát biểu tại Lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết: Ô nhiễm môi trường đang có xu hướng gia tăng nhiều nơi ở nước ta, tài nguyên thiên nhiên cũng đang bị khai thác quá mức, sử dụng kém hiệu quả và thiếu bền vững dẫn đến suy thoái, cạn kiệt nhanh. Số loài hoang dã bị đe dọa tuyệt chủng ngày càng nhiều, nhiều nguồn gen bị thất thoát, suy thoái. Tác động của biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường, gây ra nhiều thiệt hại đối với môi trường và con người. Đây là những tồn tại lớn cần được tập trung giải quyết trong thời gian tới.

 

Để định hướng công tác bảo vệ môi trường trong bối cảnh xu thế mới, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Bảo vệ Môi trường quốc gia năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 1216 ngày 5/9/2012.

 

Mục tiêu của Chiến lược là kiểm soát, hạn chế về cơ bản vào năm 2020, ngăn chặn và đẩy lùi vào năm 2030 xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái, cạn kiệt tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học, kết hợp với nâng cao chất lượng sống, nâng cao khả năng chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nhằm đảm bảo nguồn tài nguyên thiên nhiên, chất lượng môi trường phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững đất nước.

 

Giới thiệu nội dung chính của Chiến lược Bảo vệ Môi trường quốc gia năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và nhu cầu vốn thực hiện, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường Nguyễn Văn Tài nêu rõ: Chiến lược đã đưa ra những định hướng lớn cho công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2020 là: Phòng ngừa và kiểm soát các nguồn ô nhiễm môi trường; Cải tạo và phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái, đồng thời đẩy mạnh cung cấp nước sạch và dịch vụ vệ sinh môi trường; Khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; Xây dựng năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

 Con số khổng lồ: trên 50 tỷ đô la

 

Để đạt được những mục tiêu mà Chiến lược đề ra, theo Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường Nguyễn Văn Tài, tổng kinh phí ước tính lên tới… 50,88 tỷ USD.

 

Lý giải cho nhu cầu về số tiền khổng lồ này, ông Tài cho rằng, vì môi trường ở Việt Nam hiện đang bị suy thoái nghiêm trọng, trong khi đó, vừa phải đầu tư hạ tầng từ đầu, vừa phải có kinh phí để vận hành. “Điều này khác với các nước phát triển vì họ đã có cơ sở hạ tầng tốt, chỉ cần vận hành. Còn Việt Nam bắt đầu từ đầu, vừa đầu tư hạ tầng, vừa vận hành nên sẽ phải tốn kém nhiều hơn các nước khác” – ông Tài giải thích và nhấn mạnh thêm rằng, dù phải chi rất nhiều tiền, nhưng trong xu thế ô nhiễm ngày càng gia tăng, nếu không đặt ra mục tiêu thì đến lúc “không còn gì để bảo vệ nữa”.

 

Giải thích về nguồn tiền để thực hiện Chiến lược, ông Tài cho rằng, không phải nhà nước bỏ ra hoàn toàn, mà tiền này phải từ nhiều nguồn, trong đó có quan điểm ai dùng người đó phải trả tiền, từ doanh nghiệp cho đến người dân.

 

“Đây phải là nguồn đầu tư của toàn xã hội, trong đó có cả ngân sách nhà nước. Đã đến lúc xác định ai gây ô nhiễm thì người đó phải có trách nhiệm. Người dân xả thải phải trả phí, doanh nghiệp xả thải thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm. Phải có giải pháp, có cơ chế để tạo ra nguồn thu, không thể nhìn vào ngân sách được.” – ông Tài giải thích thêm.

 

Tuy nhiên, nhiều đại biểu tham dự hội nghị vẫn tiếp tục bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của Chiến lược bởi trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhu cầu về kinh phí quá lớn nhưng chưa xác định được nguồn tiền

 

 

Quan điểm của Chiến lược Bảo vệ Môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

 

Phát triển phải tôn trọng các quy luật tự nhiên, hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường;

 

Ưu tiên phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm; coi trọng tính hiệu quả, bền vững trong khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên

 

Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, là nghĩa vụ của mọi người dân

 

Tăng cường áp dụng các biện pháp hành chính, từng bước áp dụng các chế tài hình sự;

 

Tổ chức cá, nhân hưởng lợi từ tài nguyên và các giá trị của môi trường phải trả tiền; gây ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và đa dạng sinh học phải trả chi phí khắc phục, cải tạo, phục hồi và bồi thường thiệt hại.

 

 

 

(Vnmedia)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Tổng biên tập: Đoàn Út Bảy
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: thblwebsite@gmail.com
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo