Triều Tiên về đâu sau sự ra đi của Chủ tịch Kim?

Đã đăng vào 20/12/2011 lúc 14:33

Sự qua đời bất ngờ của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il gây ra mối quan ngại ở khắp Thái Bình Dương. Bạn bè và cả những bên thù địch của quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đều đặt ra câu hỏi, liệu Triều Tiên giờ đây có đang đối mặt với cuộc tranh giành quyền lực không thể đoán trước – thậm chí báo chí chính thống nước này đã tuyên bố, con trai út của ông Kim là người kế nhiệm ông.

 

Ảnh: AP

Con trai ông Kim, Kim Jong-un là nhân vật mà cả thế giới không hề biết rõ hình dáng thế nào mãi cho tới năm ngoái. Được tin là ở độ tuổi 20, con trai vị Chủ tịch quá cố sẽ phải đối mặt với với sự bất ổn rất lớn về khả năng duy trì quyền lực ở một trong những quốc gia nổi tiếng cứng rắn. Và thậm chí nếu anh có thể đảm nhận sứ mệnh ấy, thì vẫn còn rất nhiều câu hỏi xung quanh khả năng của Jong-un trong việc quản lý nền kinh tế của đất nước.

Triều Tiên tuyên bố, ông Kim Jong-Il, 69 tuổi, đã chết vì đau tim trên một chuyến tàu hoả khi đi thị sát vào hôm thứ bảy. Thông tin này khiến nước láng giềng là Hàn Quốc phải vội vã triệu tập họp an ninh khẩn cấp và đặt quân đội trong tình trạng báo động cao. Giá cổ phiếu của Hàn Quốc giảm 3,4%. Các nhà lãnh đạo từ Hàn Quốc, Nhật Bản tới Mỹ đều khẩn trương điện đàm trao đổi, bất ngờ trước cái chết của ông Kim và dự đoán về khả năng hành xử của Bình Nhưỡng sau đó.

Ổn định trước nhất

Tại Washington, chính quyền Obama nhấn mạnh, cần đảm bảo sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên, trì hoãn mọi quyết định liên quan tới việc nối lại viện trợ lương thực hay một vòng đàm phán song phương mới với Bình Nhưỡng. Victoria Nuland, người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ nói với báo giới: “Chúng tôi cần biết nơi họ ở, điểm họ đến khi họ đi qua giai đoạn chuyển tiếp của mình".

Thậm chí cả Trung Quốc, đồng minh quan trọng nhất của Triều Tiên cũng rất thận trọng trước các diễn biến mới tại Bình Nhưỡng. Vài giờ sau khi Chủ tịch Kim qua đời, đảng cầm quyền của Triều Tiên ra tuyên bố kêu gọi cả nước đoàn kết "dưới sự lãnh đạo của đồng chí Kim Jong-un”. "Kim trẻ" cũng đứng đầu ủy ban tổ chức tang lễ của cha từ ngày 28/12 – động thái mà một số nhà phân tích giải thích như là bằng chứng của sự chuyển giao quyền lực tới người con trai đã được tiến hành suôn sẻ một cách êm xuôi cho tới thời điểm này. Theo giới phân tích, tang lễ sẽ là sự thể hiện công khai được chuẩn bị kỹ lưỡng không chỉ với nhà lãnh đạo quá cố, mà còn nêu rõ tinh thần đoàn kết quốc gia phía sau một nhân vật mới.

Phép thử đầu tiên với tầng lớp lãnh đạo mới sẽ là cách họ 'trình diễn' trong tang lễ", John Delury, một giáo sư nghiên cứu quốc tế Đại học Yonsei tại Seoul bình luận. Một số nhà phân tích cho rằng, ông Kim Jong-il đã sử dụng ba năm kể từ sau cơn đột quỵ 2008 để xây dựng sự ủng hộ cho cậu con trai trẻ tuổi chưa có nhiều trải nghiệm". Họ cũng nhấn mạnh, các thành viên trong tầng lớp cầm quyền của Triều Tiên có thể phải công nhận rằng, ít nhất tới thời điểm này, họ không còn chọn lựa nào khác ngoài việc chấp nhận người kế nhiệm: hai con trai lớn của ông Kim có vẻ không thích hợp, trong khi bất kỳ động thái nào loại bỏ sự lãnh đạo trong gia đình của ông Kim có thể làm suy yếu tính hợp pháp của toàn bộ tầng lớp lãnh đạo.

Kim Jong-il dùng những năm sau đột quỵ để xây dựng sự nhất trí trong tầng lớp và đảm bảo rằng, con trai ông sẽ là bộ mặt của Triều Tiên sau khi ông ra đi", Kim Yeon-su, giáo sư nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Quốc phòng ở Seoul nói. Ông nhấn mạnh rằng, Kim Jong-un khá giống ông nội, Kim Nhật Thành, nhà sáng lập ra Triều Tiên và vẫn được tôn sùng như một vị thánh.

Tuy nhiên, những gì xảy ra sau đám tang, vẫn là sự không chắc chắn. Không ai bên ngoài Triều Tiên biết liệu quân đội sẽ chấp nhận sự kế nhiệm của "Kim trẻ" hay không.

Với cái chết của ông Kim Jong-il, hầu hết nhà phân tích cho rằng, người con trai được ông chỉ định sẽ trải qua một giai đoạn tương tự như cha mình thời kỳ chuyển giao quyền lực từ người ông. Và người con trai ấy sẽ cố gắng nhanh chóng củng cố quyền lực của anh ta. Nhưng trong khi người cha mất hơn một thập niên để xây dựng sự ủng hộ giữa cái tên kế nhiệm và người nắm quyền lực thực sự, thì Kim Jong-un đã được công khai "định danh" là người kế nhiệm trong năm 2010 tại buổi diễu binh xuất hiện bên cạnh cha.

Masao Okonogi, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Keio ở Tokyo nói, trong vài năm đầu dưới sự lãnh đạo mới, Triều Tiên hầu như sẽ tranh đối đầu với Mỹ và các đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc. Điều đó giống như lộ trình mà ông Kim Jong-il đã đi sau cái chết của người cha, Okonogi nói, và ông Kim dường như đã dùng "nhành ô liu" bằng việc theo đuổi thoả thuận năm 1994 của người cha quá cố khi ngừng công việc xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân. Cuối cùng, Triều Tiên đã đình chỉ thoả thuận này vào năm 2003, ba năm trước vụ thử vũ khí hạt nhân đầu tiên của họ.

Kim Jong-un có thể hướng tới vài đề xuất, giống như khởi động đàm phán sáu bên", Okonogi đề cập tới hội đàm đa phương về giải trừ hạt nhân của Triều Tiên. "Kim Jong-un cần giảm bớt căng thẳng với Mỹ để tranh thủ thời gian".

Trọng trách kinh tế

Theo một số nhà phân tích, vị lãnh đạo mới có lẽ sẽ dùng thời gian này để cố gắng thực hiện lời hứa của cha là đưa Triều Tiên trở thành quốc gia "hùng mạnh và thịnh vượng" vào năm 2012. Để làm được điều này, anh ta phải hồi sinh một nền kinh tế có GDP bình quân theo đầu người là 1.800 USD/năm so với 30.000 USD từ quốc gia công nghệ Hàn Quốc. Triều Tiên không muốn từ bỏ hệ thống kinh tế kế hoạch, sự cô lập và trông chờ vào viện trợ đã làm các khó khăn tăng lên gấp bội.

Thậm chí nếu con trai ông Kim quản lý và ổn định nền kinh tế, mở cửa Triều Tiên với thế giới bên ngoài, thì nước này sẽ cần hàng chục tỉ USD đầu tư mới nhằm nâng cao mức sống người dân vào thời điểm phần lớn thế giới còn phải chịu đựng suy thoái.

Nhìn nhận vị trí trong nước tương đối yếu của Kim Jong-un, nhà phân tích Okonogi và một số nhà phân tích khác nói rằng, có thể có vài gương mặt nổi trội, ví dụ như Jang Song Taek – em rể của ông Kim – người được coi là cánh tay phải của ông kể từ khi sức khỏe ông Kim suy giảm sau cơn đột quỵ năm 2008. Cách đây vài năm, có thông tin cho rằng, ông Jang Song Taek muốn cải cách kinh tế Triều Tiên theo mô hình của Trung Quốc. Tuy nhiên, giới phân tích không nhìn thấy dấu hiệu nào chứng tỏ điều này trên báo chí chính thống Triều Tiên sau cái chết của ông Kim tuyên bố hôm qua.

Xa hơn thế, giới phân tích cho rằng, có những dấu hiệu cho thấy Kim Jong-un sẽ đi theo mô hình của cha bằng cách bắt đầu xây dựng nền tảng sức mạnh và quyền lực từ trong quân đội. Năm ngoái, "Kim trẻ" đã được tăng hàm tướng bốn sao, và còn được bổ nhiệm chức vụ phó chủ tịch quân uỷ.

Và, ông Chang cũng như một số nhà phân tích khác lại kỳ vọng vào sự thay đổi thế hệ, có thể đánh giá lại sự cô lập của Bình Nhưỡng. Họ kỳ vọng vào nhân vật kế nhiệm, từng theo học ở Thụy Sĩ, cùng danh tiếng về khả năng nói tiếng Anh và tiếng Đức. “Nhà lãnh đạo mới biết sẽ phải chứng tỏ dũng khí trong những năm đầu tiên", ông Delury – người tới Bình Nhưỡng hồi tháng 9 nói. "Cải cách kinh tế sẽ là thách thức lớn nhất họ đối mặt".

(Vietnamnet)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Cao Xuân Thu Ngọc 
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo