Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012 và Chương trình mục tiêu giai đoạn 2011 – 2015

Đã đăng vào 01/11/2011 lúc 8:40

Sáng 31/10/2011, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012.

 

 

Ông Huỳnh Minh Hoàng, đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại buổi họp tổ. Ảnh: Tín Nghĩa

Về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra 3 chuyên đề giám sát để Quốc hội chọn 2 chuyên đề gồm: Giám sát đầu tư công, trọng tâm là đầu tư công trong lĩnh vực nông nghiệp – nông dân – nông thôn; giám sát về đất đai liên quan đến khiếu nại – tố cáo, đền bù giải tỏa; giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và thực hiện Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Một số đại biểu cho rằng, chỉ giám sát về quản lý và sử dụng quỹ của 2 loại hình bảo hiểm là quá hẹp. Năm 2012, trước hết cần giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, trong đó đặc biệt là bảo hiểm hưu trí. Còn bảo hiểm y tế sẽ thực hiện vào năm 2013 để phù hợp với lộ trình tăng viện phí.

Nhiều đại biểu thống nhất cần giám sát tối cao ở lĩnh vực đầu tư công bởi đây là vấn đề đang nổi lên, liên quan đến tình hình lạm phát hiện nay. Đầu tư công đang là vấn đề bức xúc, nhưng đầu tư công có phạm vi rất rộng, chỉ nên tập trung một số vấn đề quan trọng nhưng sát thực nhất như đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chẳng hạn. Tuy nhiên, cũng có đại biểu nêu ý kiến, đây là lĩnh vực có quan hệ chặt chẽ với sự lành mạnh của nền tài chính và đời sống dân sinh nên cần có sự giám sát toàn diện chứ không chỉ ở từng lĩnh vực.

Một số ý kiến cho rằng, giám sát việc giải quyết khiếu nại – tố cáo về tranh chấp đất đai là chưa đủ, đề nghị nâng lên thành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, gắn với lộ trình sửa đổi Luật Đất đai trong chương trình làm luật của Quốc hội. Bên cạnh đó, các vấn đề như: đối tượng chịu sự giám sát, công tác hậu giám sát cũng được nhiều đại biểu đề cập. Về vấn đề này, bà Võ Thị Hồng Thoại, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu cho rằng, thời gian qua, tính hiệu quả của giám sát chuyên đề chưa cao; các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát thường cử người ít am hiểu pháp luật để làm việc với các đoàn giám sát; chuẩn bị nội dung không chu đáo, việc báo cáo lại với thủ trưởng cũng không đầy đủ, từ đó làm giảm hiệu quả của chương trình giám sát. Yêu cầu giám sát thường được gửi trước nhưng các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát báo cáo lại chung chung, không bám sát nội dung, yêu cầu của đoàn giám sát. Những kiến nghị sau giám sát cũng không được giải quyết kịp thời.

Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012 sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 11/11 tới.

Buổi chiều, các đại biểu thảo luận tại tổ về Chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm (giai đoạn 2011 – 2015) và Chương trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ 5 năm (giai đoạn 2011 – 2015). Đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu) cho rằng, một số chương trình mục tiêu trong thời gian qua chưa hoàn thành như: chương trình dạy nghề còn nhiều bất cập, cơ sở đào tạo hạn chế, đội ngũ cán bộ giảng dạy vừa yếu, vừa thiếu, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu xã hội. Việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia trong 5 năm tới cần loại bỏ một số dự án chưa thật sự cấp bách; tập trung ưu tiên cho chương trình ô nhiễm làng nghề, sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; hóa chất sử dụng trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản là rất lớn, nếu không có các chương trình mục tiêu để khắc phục tình trạng ô nhiễm thì hậu quả sau này rất nặng nề. Đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới, cần tăng thêm vốn đầu tư, bởi thời gian qua, các địa phương chưa nhận được nhiều nguồn vốn từ chương trình này để triển khai xây dựng các hạng mục, công trình nông thôn mới.

Theo một số đại biểu, việc phát hành trái phiếu Chính phủ trong 5 năm tới nên có những tính toán hợp lý; các dự án, chương trình mục tiêu phải xây dựng thật cụ thể; cơ cấu lại nguồn vốn phân bổ trong thời gian 5 năm. Hiện nay, cả nước có nhiều công trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dở dang do thiếu vốn, nguyên nhân là có quá nhiều dự án sử dụng vốn trái phiếu mà không nằm trong danh mục ban đầu. Nhiều đại biểu nhất trí với Chính phủ là cắt giảm một số công trình có sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ.

(Baobaclieu)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Cao Xuân Thu Ngọc 
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo