Trả lời phỏng vấn báo giới, thư ký báo chí Lầu Năm Góc George Little khẳng định, việc đưa tàu sân bay USS John C. Stennis cùng các tàu chiến và tàu hộ tống khác qua eo biển chiến lược Hormuz là một phần trong những cam kết an ninh lâu dài của Mỹ, hậu thuẫn cho những chiến dịch quân sự của Mỹ ở khu vực như việc đưa tàu chiến tới vùng biển Syria. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng có trả lời chính thức trước tuyên bố của giới chức quân sự Iran, nhấn mạnh rằng những lời đe dọa như vậy chỉ làm tăng thêm áp lực quốc tế nhằm vào quốc gia này.
Chưa hết, "đổ thêm dầu vào lửa" những căng thẳng này là quan điểm của Pháp xung quanh việc Iran vẫn tiếp tục chương trình hạt nhân. Hôm 3/1, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe đã kêu gọi những lệnh trừng phạt cứng rắn hơn với Tehran. Cụ thể, Pháp sẽ đóng băng các tài khoản của ngân hàng trung ương Iran, cũng như cấm quốc gia Hồi giáo xuất khẩu dầu mỏ. Ông Alian Juppe cho biết thêm, từ nay đến 30/1, Pháp sẽ thuyết phục các quốc gia khác trong Liên minh châu Âu (EU) thực hiện biện pháp trừng phạt mới này.
|
Trong 10 ngày tập trận ở eo biển Hormuz, Iran đã phô diễn sức mạnh quân sự với những màn "chiến đấu" quyết liệt và các cuộc thử nghiệm tên lửa. |
Nhiều nhà phân tích đã lý giải rằng, những tuyên bố mà Bộ Ngoại giao Pháp, Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc đưa ra có thể được coi như phát ngôn về nỗ lực của Mỹ và phương Tây nhằm đẩy Iran tới nguy cơ càng ngày càng bị cô lập trong khu vực và trên trường quốc tế. Song, chính quyền Tehran cũng không phải là đối tượng dễ bị "bắt nạt".
Một mặt yêu cầu Cao ủy đối ngoại EU Catherine Ashton đề xuất thời gian và địa điểm để nối lại đàm phán hạt nhân (vốn bị đình trệ từ 1 năm qua) giữa nước này với các cường quốc thế giới (nhóm P5+1), mặt khác, ngay khi vừa kết thúc cuộc tập trận kéo dài 10 ngày nhằm phô diễn sức mạnh quân sự, Iran cũng không "ngán" khi đe dọa sẽ hành động nếu các tàu chiến của Mỹ trở lại vịnh Persia. Tư lệnh quân đội Iran, Tướng Ataollah Salehi nói: "Chúng tôi không có ý định nhắc lại cảnh báo. Chúng tôi chỉ cảnh báo một lần".
Trước đó, Iran cũng đưa ra các lời đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz, một tuyến đường xuất khẩu quan trọng cho các nước sản xuất dầu tại vịnh Ba Tư nếu bị trừng phạt kinh tế. Có thể thấy, cuộc "khẩu chiến" trong những ngày đầu năm mới đã khiến tình hình ở eo biển chiến lược Hormuz trở nên phức tạp hơn.
Đáng chú ý là kéo theo những phát ngôn này chính là sự tăng giá của mặt hàng dầu thô chiến lược trên thế giới. Và điều này cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ phát triển kinh tế thế giới trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu vẫn chưa có lối thoát, còn các nền kinh tế mới nổi thì đang phát triển "quá nóng", đe dọa tính bền vững của phát triển kinh tế