Đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc Khmer: Cách thoát nghèo bền vững
Đã đăng vào 11/04/2012 lúc 8:25Qua 2 năm (2010 – 2011) thực hiện Đề án đào tạo nghề theo Quyết định (QĐ) 1956 của Thủ tướng Chính phủ, Bạc Liêu đã mở hơn 240 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, thu hút 7.350 người tham gia học. Trong đó, có 811 học viên là người dân tộc Khmer. Đáng phấn khởi là 70% người lao động qua đào tạo nghề đã kiếm được việc làm và có thu nhập ổn định.
Thanh niên người dân tộc Khmer làm công nhân tại công trình xây dựng trường học xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.D |
Chị Thị Phía (ấp Trèm Trẹm, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân) là người sáng lập lớp dạy nghề may dân dụng tư nhân ngay trong phum sóc của người dân tộc Khmer. Lớp dạy nghề may của chị khóa nào cũng có gần 20 học viên là nữ thanh niên người dân tộc Khmer theo học. Sản phẩm tạo ra từ những người học các lớp này luôn có đầu ra ổn định dưới hình thức đơn đặt hàng của một công ty lớn. Những người học nghề ở đây đều có thu nhập không dưới 2 triệu đồng/tháng. Chị Phía đang làm thủ tục kiến nghị Trung tâm Dạy nghề huyện Hồng Dân đưa lớp học này vào diện hỗ trợ kinh phí đào tạo theo QĐ 1956 để người lao động là dân tộc Khmer có điều kiện thụ hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Ông Trương Quang Tiến, Trưởng phòng Quản lý dạy nghề thuộc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: “Bạc Liêu rất chú trọng thực hiện chính sách hỗ trợ cho các đối tượng thuộc gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, hộ người dân tộc Khmer, người tàn tật… Sau 2 năm (2010 – 2011) thực hiện QĐ 1956, kinh phí mà tỉnh đã chi hỗ trợ học nghề hơn 10,8 tỷ đồng. Từ đó, tạo điều kiện cho người lao động dân tộc Khmer lập thân, lập nghiệp, ổn định cuộc sống. Năm 2012, các huyện, thành phố trong tỉnh không xây dựng riêng kế hoạch dạy nghề dành cho người dân tộc Khmer, nhưng nếu họ theo học đều được hỗ trợ tiền ăn, tiền học và hỗ trợ giải quyết việc làm theo đúng chủ trương Nhà nước”.
Theo đánh giá từ các Trung tâm Dạy nghề trong tỉnh, các lớp nghề được mở có người dân tộc Khmer tham gia không đồng đều. Các nghề có người lao động Khmer tham gia nhiều nhất là trồng rau an toàn, chăn nuôi gà, kết chuỗi cườm và may dân dụng… Đa phần người dân tộc Khmer sau khi học nghề đều tự chăn nuôi, sản xuất tại gia đình, chưa mạnh dạn tham gia vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đước, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Hồng Dân, khẳng định: “Sau khi học, phần lớn người học nghề áp dụng có hiệu quả những tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, góp phần phát triển kinh tế gia đình”.
Còn ông Triệu Công Minh, Trưởng phòng Nghiệp vụ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh, cho rằng: “Mỗi người lao động Khmer sau học nghề nếu nằm trong hộ thuộc diện thụ hưởng QĐ 74 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và chuyển đổi ngành nghề thì được vay vốn 10 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để phát triển ngành nghề. Và nếu người lao động đó nằm trong diện hộ nghèo mà có phương án khả thi còn được vay thêm 20 triệu đồng phục vụ sản xuất, kinh doanh”.
Sở LĐ-TB&XH đề nghị Ngân hàng CSXH Trung ương cần có một cơ chế mở, tạo điều kiện cho lao động nông thôn nói chung và lao động dân tộc Khmer nói riêng sau học nghề được tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng để lập thân, lập nghiệp. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề cho người lao động nông thôn người dân tộc Khmer được cụ thể và rõ ràng hơn. Mặt khác, các xã, thị trấn cũng cần tăng cường cán bộ người dân tộc Khmer để việc tiếp xúc, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, vận động người dân tộc học nghề được thuận lợi.
(Baobaclieu)