Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự kỳ họp thứ 2 của Hội đồng Lý luận Trung ương
Đã đăng vào 02/02/2012 lúc 9:47
Ngày 1/2, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức kỳ họp thứ 2 nhằm tổng kết hoạt động năm 2011 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2012. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới dự kỳ họp. Dự kỳ họp có đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương; các thành viên hội đồng; các nhà khoa học tiêu biểu trong cả nước. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì kỳ họp.
Tại kỳ họp, thay mặt Hội đồng Lý luận Trung ương, đồng chí Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng đã báo cáo chi tiết kết quả công tác năm 2011. Theo đó, năm 2011 là năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ, nhưng với tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo của các thành viên trong Hội đồng, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tiếp tục làm tốt nhiệm vụ tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tích cực tham gia đấu tranh chống các quan điểm sai trái; triển khai chương trình nghiên cứu khoa học về lý luận chính trị giai đoạn 2011-2015; kiện toàn tổ chức nhân sự, xây dựng các quy chế, chương trình làm việc, chương trình nghiên cứu và tổ chức thành công các kỳ họp của Hội đồng năm 2011. Đặc biệt, năm 2011, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Kiên định mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”, “Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”; tổ chức thành công trao đổi lý luận lần thứ IV giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Nhật Bản với chủ đề “Chủ nghĩa tư bản và Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI”; tổ chức đối thoại lần thứ nhất giữa Đảng ta và Đảng xã hội dân chủ Đức về chủ đề “Phát triển bền vững”; tổ chức thành công Hội thảo lý luận giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc với chủ đề “Làm tốt công tác quần chúng trong tình hình mới – kinh nghiệm Trung Quốc, kinh nghiệm Việt Nam”; xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2011-2015; tham gia tích cực vào việc sửa đổi, bổi sung Hiến pháp năm 1992; đẩy mạnh hoạt động của Ban 609… Với tinh thần dân chủ, sáng tạo, cởi mở và nghiêm túc, tại kỳ họp, các thành viên Hội đồng đã thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng phương hướng hoạt động của Hội đồng năm 2012. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, sang năm 2012, Hội đồng cần đẩy mạnh hơn công tác đối ngoại và hoạt động của các tiểu ban; nghiên cứu phải gắn với lý luận; cần đẩy mạnh việc tổ chức, định hướng công tác nghiên cứu, lý luận cho các cơ quan, đơn vị… Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương những thành quả mà Hội đồng Lý luận Trung ương đã làm được trong năm qua; bày tỏ sự tin tưởng vào hoạt động của Hội đồng trong suốt nhiệm kỳ 2011-2015. Đồng chí hy vọng, với lực lượng ngày càng đông đảo và mở rộng, các thành viên Hội đồng sẽ ngày càng thực hiện tốt vai trò tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác lý luận; không ngừng đổi mới, cải cách phương thức làm việc để phát huy tối đa trí tuệ của các thành viên Hội đồng, làm sáng tỏ những vấn đề mà văn kiện đại hội XI đã đề ra; đóng góp nhiều ý kiến quý báu về lý luận và thực tiễn trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Đồng chí cũng mong muốn trong thời gian tới, Hội đồng sẽ chủ động hơn nữa trong công tác đối ngoại, giao lưu, hợp tác quốc tế…
Thay mặt Hội đồng Lý luận Trung ương, phát biểu kết luận tại kỳ họp, đồng chí Đinh Thế Huynh hứa sẽ nghiêm túc tiếp thu và triển khai hiệu quả những ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, nhất là vấn đề lý luận và thực tiễn trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Đồng chí nhấn mạnh, năm 2011, trong hoàn cảnh hoạt động nối tiếp, đan xen công việc giữa hai nhiệm kỳ nhưng Hội đồng đã làm được khối lượng công việc lớn, vừa giải quyết những công việc của nhiệm kỳ trước vừa chuẩn bị công việc cho nhiệm kỳ này. Bước sang năm thứ 2 của nhiệm kỳ 2011-2015, Hội đồng Lý luận Trung ương cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về phương thức hoạt động và lề lối làm việc sao cho thiết thực, hiệu quả. Mỗi thành viên Hội đồng, mỗi đồng chí làm việc trong cơ quan Hội đồng chủ động, tự giác hoàn thành công việc do mình đảm nhiệm, nâng cao chất lượng nghiên cứu lý luận và hiệu quả công tác; đẩy mạnh hoạt động của các tiểu ban theo hướng đề cao trách nhiệm trước Hội đồng về phần việc được giao; đẩy mạnh tổng kết thực tiễn theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí đặc biệt lưu ý, năm 2012, Hội đồng Lý luận Trung ương cần phải tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Hội đồng cần bám sát nội dung Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, phục vụ trực tiếp cho việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020; Báo cáo chính trị và các văn kiện khác đã được Đại hội XI thông qua; Kết luận Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI) về tình hình kinh tế – xã hội, tài chính, ngân sách nhà nước 5 năm 2006 -2010 và năm 2011, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, tài chính, ngân sách nhà nước 5 năm 2011-2015; các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), đặc biệt là Nghị quyết về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Theo chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, năm 2012 sẽ diễn ra Hội nghị Trung ương 5 và 6, Hội đồng cần bám sát chủ đề của các Hội nghị Trung ương để tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, góp phần xây dựng Nghị quyết cho đúng và trúng. Hội đồng Lý luận Trung ương triển khai tích cực Chương trình trọng điểm cấp nhà nước “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2011-2015”; nâng cao chất lượng trong nghiên cứu khoa học để các kết quả nghiên cứu thiết thực, sâu sắc, dễ hiểu, dễ tuyên truyền vận động, dễ thực hiện, dễ đi vào cuộc sống. Từ góc độ lý luận, Hội đồng cần tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận, bảo vệ chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, góp phần tạo nên sự nhất trí trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc hợp tác nghiên cứu, trao đổi lý luận với các đảng cộng sản, đảng chính trị và các tổ chức chính trị khác trên thế giới, cùng làm sáng tỏ những vấn đề đang đặt ra và cần giải quyết theo hướng có lợi cho chủ nghĩa xã hội…/. |
||||
(Báo điện tử ĐCSVN) |