Khẩn cấp chống hạn và xâm nhập mặn cho vụ lúa đông xuân
Đã đăng vào 22/01/2013 lúc 9:03Chưa năm nào vụ lúa đông xuân được dự báo gặp nhiều bất lợi như năm nay. Nắng hạn và xâm nhập mặn sẽ diễn ra gay gắt, đe dọa hàng triệu héc-ta đất lúa, trong đó, Bạc Liêu có 55.000ha. Trước tình trạng khẩn cấp, hội nghị cấp khu vực đã diễn ra tại Bạc Liêu quy tụ rất nhiều chuyên gia đầu ngành để cùng giải một bài toán: phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn một cách hiệu quả, quyết tâm bảo vệ thành công vụ lúa đông xuân.
Xâm nhập mặn diễn ra sớm và sâu hơn
Ở Bạc Liêu và cả ĐBSCL, đông xuân là vụ lúa chính, có năng suất cao, chất lượng tốt nhất trong năm. Diện tích gieo trồng khá ổn định từ 1,5 – 1,6 triệu héc-ta, sản lượng lúa đạt 10 triệu tấn. Do đó, đây là vụ lúa có vai trò đặc biệt quan trọng ở từng tỉnh, thành phố trong khu vực. Chuyên gia các viện, cục (thuộc Bộ NN&PTNT), Đài Khí tượng – Thủy văn khu vực Nam bộ đều có sự trùng hợp trong đánh giá: Xâm nhập mặn mùa khô năm 2013 cả ĐBSCL đến sớm và có khả năng rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt.
Nước mặn sẽ xâm nhập sâu từ 50 – 55km, có nơi cách cửa sông đến 60km. Mặn ở một số vùng lên cao bất thường (sớm hơn nhiều năm trước) như Vàm Cỏ, sông Hậu, sông Tiền. Các vùng cách biển 30 – 35km, trên các cửa sông lớn từ cuối tháng 2 trở đi độ mặn lớn nhất (xảy ra lúc đỉnh triều) đã vượt quá 4g nước mặn/lít nước (4g/l), gây khó khăn cho lấy nước ngọt. Tuy vậy, có thể lấy nước lúc triều thấp, đồng thời phải sử dụng bơm. Từ tháng 3/2013 trở đi, các vùng này gần như không có khả năng lấy nước ngọt từ cửa sông.
Các vùng cách biển 35 – 45km có khả năng bị mặn từ 4g/l xâm nhập vào tháng 3, 4 (kể cả tháng 5 nếu không có mưa) và sẽ thiếu nước ngọt trong các tháng này. Đáng chú ý, vào các tháng 3, 4 và 5, các vùng cách biển trong phạm vi từ 45 – 50km có thể thiếu nước sinh hoạt.
Cống ngăn mặn – giữ ngọt bảo vệ trà lúa đông xuân trên địa bàn huyện Giá Rai (do Bộ NN&PTNT đầu tư xây dựng). Ảnh: T.Đ |
Theo các chuyên gia, khác với nhiều tỉnh cùng hưởng lợi từ sông Hậu, Bạc Liêu có một đặc thù là tỉnh cuối nguồn nước ngọt nhưng lại đầu nguồn nước mặn. Không những thế, nơi đây còn bị tác động trực tiếp đến hai chế độ thủy triều là triều biển Đông (từ hướng TP. Bạc Liêu) và triều biển Tây (từ hướng Kiên Giang). Khi triều cường ở hai biển này diễn ra cùng lúc, các trà lúa đông xuân của tỉnh nằm lọt thỏm trong vùng nước mặn. Do đó, giải pháp phòng chống xâm nhập mặn cần được triển khai cấp thiết.
Theo Trung tâm Khí tượng – Thủy văn Bạc Liêu, diện tích lúa đông xuân của tỉnh sẽ thiếu nước ngọt do mặn xâm nhập sâu và lượng nước sông Hậu về Bạc Liêu ít hơn năm ngoái. Dự báo mùa khô 2013, Bạc Liêu sẽ có nhiều lần xâm nhập mặn, mức độ và phạm vi xâm nhập sẽ mạnh và lớn hơn vào thời điểm cuối tháng 2, 3, 4 và đầu tháng 5/2013.
Giải pháp bảo vệ lúa
Trung tuần tháng 1/2013, Ban chỉ đạo sản xuất tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất cho năm 2013. Nhu cầu nguồn vốn ngân sách mà tỉnh cần có để triển khai biện pháp công trình là 152 tỷ đồng, gồm các hoạt động: nạo vét kênh lớn tạo nguồn và trữ nước ngọt, hỗ trợ bơm tát chống hạn, đắp bờ bao phòng chống triều cường, nước biển dâng. Ngoài ra, tỉnh còn chỉ đạo huy động đóng góp từ các địa phương và nhân dân thêm 18 tỷ đồng dùng cho nạo vét kênh và phòng chống triều cường.
Với biện pháp phi công trình, Ban chỉ đạo sản xuất tỉnh xác định: quan trọng nhất là vận hành hệ thống cống điều tiết nước. Do đó, Ban chỉ đạo sản xuất đề nghị đơn vị quản lý chia các cống thành 3 cụm để điều tiết nước cho phù hợp, điều chỉnh kịp thời lịch vận hành các cống đầu mối tùy vào tình hình thực tế. Đặc biệt, trong những tháng mùa khô 2013, Sở NN&PTNT sẽ thành lập tổ công tác để theo dõi diễn biến nguồn nước ở vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A và trên kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp để có biện pháp phòng tránh bất lợi của nguồn nước. Ban chỉ đạo tỉnh cũng sẽ phối hợp hai tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng trong việc đo đạc quan trắc, thông tin qua lại tình hình nước mặn và lịch vận hành cống, hạn chế tác động xấu đến đồng lúa các tỉnh do điều tiết nước gây ra.
Đại diện các tỉnh tham dự hội nghị cũng đề nghị Bộ NN&PTNT củng cố Ban điều tiết nước cấp vùng để đảm bảo hài hòa lợi ích các tỉnh khi có tranh chấp mặn – ngọt xảy ra. Ngoài ra, một số chuyên gia còn đề nghị Bộ NN&PTNT thành lập Ban chỉ đạo phòng chống hạn cho mùa khô năm 2013 ở ĐBSCL.
( Baobaclieu)