Bão số 1 gây thiệt hại nặng nề

Đã đăng vào 02/04/2012 lúc 10:23

Chiều qua (1/4), sau khi đi vào vùng bờ biển các tỉnh Bình Thuận – Bà Rịa Vũng Tàu, bão số 1 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tối qua, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp. Trước đó, cơn bão số 1 đã gây thiệt hại nặng cho một số tỉnh miền Nam và Nam Trung bộ



Bà Rịa – Vũng Tàu: 3 người bị thương và 163 căn nhà bị sập, tốc mái



Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tính đến 16 giờ ngày 1/4, bão số 1 đổ bộ vào địa bàn đã làm bị thương 3 người ở Tp.Vũng Tàu, huyện Tân Thành và thị xã Bà Rịa; làm sập hoàn toàn 23 căn nhà, trong đó, chủ yếu là thị xã Bà Rịa với 12 căn. Ngoài ra, bão số 1 còn làm tốc mái 140 căn nhà, trong đó, thị xã Bà Rịa cũng là địa phương bị thiệt hại nặng nhất với 102 căn, huyện Long Điền 30 căn; 8 trụ điện bị đổ. Hiện các cơ quan chức năng tại địa phương đang tích cực dọn dẹp, giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại.





 

Chợ Vũng Tàu đóng cửa do bão số 1. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN.



Do được chuẩn bị chu đáo, tàu thuyền được bố trí hợp lý, neo buộc chắc chắn tại các khu neo đậu nên không có thiệt hại gì.



Theo Đồn biên phòng 540 huyện Côn Đảo cho biết, tại huyện đảo này do được chuẩn bị tốt nên đã không để xảy ra thiệt hại nào đáng kể. Từ khoảng 19 giờ, trên địa bàn toàn tỉnh đã dứt mưa nhưng hiện vẫn còn gió khá lớn. Tuy bão đã qua nhưng đề phòng mưa lớn sau bão có thể gây ngập lụt, lở đất, các các cơ quan chức năng của tỉnh vẫn được đặt trong tình trạng sẵn sàng để triển khai các biện pháp ứng cứu.



Bình Dương: Mưa lớn gây mất điện trên diện rộng và nhiều vườn cây ăn trái gãy đổ



Lúc 20h30 phút tối 1/4, trên địa bàn tỉnh Bình Dương, mưa lớn kèm theo gió giật mạnh do ảnh hưởng bão số 1 khiến nhiều khu vực bị mất điện. Tại thị xã Thủ Dầu Một, nhiều tuyến đường trung tâm nội ô không có điện, trong khi các khu vực vùng ven phường Hiệp An, xã Tương Bình Hiệp, Tân An…điện luôn trong tình trạng bị chập chờn.



Từ chiều 1/4, mưa lớn kèm theo gió mạnh ngày càng tăng lên tại khu phố Tân Lập, phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An khiến nhiều căn nhà cấp 4 bị tốc mái tôn.



Trong khi đó, theo ông Trương Công Thạch, Phó phòng Kinh tế, thị xã Thuận An cho biết, trên địa bàn 2 xã Bình Nhâm, An Sơn và thị trấn Lái Thiêu đã xảy ra gió mạnh làm gãy đổ nhiều vườn cây ăn trái đang vào mùa trổ bông, trong đó nhiều cây măng cụt cả trăm năm tuổi có giá trị bị hư hại. Hiện mọi thiệt hại đang được các xã, phường, thị trấn thống kê.



Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Giám, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thuỷ văn Khu vực Nam bộ cho hay, vào khoảng 15-16 giờ ngày 1/4, bão số 1 đã quét qua địa bàn Bình Dương, Đồng Nai, vào TPHCM và Bình Phước…, áp thấp nhiệt đới tiến về phía biên giới Campuchia.



Tuy đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng theo ông Giám, sức gió mạnh nhất vẫn đạt cấp 6 giật trên cấp 7, ở Bình Dương gió khoảng cấp 5 cấp 6, lượng mưa ước đạt khoảng 50-60mm.



Mưa lớn kéo dài suốt từ đêm 31/3 đến 20h30 phút tối 1/4 vẫn chưa ngớt, dự báo mưa còn kéo dài do hoàn lưu áp thấp nhiệt đới tiến sâu vào đất liền khiến địa phận Bình Dương bị ảnh hưởng. Trước tình hình trên, Trung tâm phòng chống lụt bão tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo khẩn các huyện, thị tăng cường đề phòng gió xoáy cục bộ trong đất liền, có nguy cơ gây hại cho hàng trăm ngàn ha cao su, hoa màu và nhà cửa của nhân dân.



Hoàn lưu bão số 1 gây thiệt hại ở TP. Hồ Chí Minh và Kiên Giang



*Đến 17 giờ 45 phút ngày 1/4, bão số 1 sau khi suy yếu thành áp thất nhiệt đới đã đi vào đất liền, gây ảnh ảnh hưởng trên địa bàn huyện Cần Giờ và một số quận trung tâm TP.Hồ Chí Minh, đã gây một số thiệt hại về tài sản của người dân trên địa bàn.





 

Thu dọn cây bị đổ trên các tuyến đường của thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) ngay trong lúc bão số 1 chuẩn bị đổ bộ vào. Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN.



Theo thống kê sơ bộ của huyện Cần Giờ, đến thời điểm này trên địa bàn huyện có 2 căn nhà bị sập, 13 căn nhà bị tốc mái, 7 chiếc ghe bị chìm và một chiếc ghe bị trôi. Ngoài ra, trên địa bàn cũng có hàng chục cây xanh dọc các tuyến đường bị gẫy đổ, ngã 1 trụ điện. Ngay sau khi lượng mưa và gió suy giảm, ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh cùng với Ban chi huy Phòng chống lụt bão vả Tìm kiếm cứu nạn TP.Hồ Chí Minh cũng lãnh đạo huyện Cần Giờ đã đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại.



Do ảnh hưởng của bão số 1, trong ngày 1/4 khu vực trung tâm TP.Hồ Chí Minh đã liên tục xuất hiện mưa lớn, nhất là lúc bão đi vào đất liền đã làm cho nhiều tuyến đường bị ngập cục bộ. Mua lớn kèm gió lốc cũng đã làm nhiều cây xanh trên các tuyến đường trong thành phố có cây xanh bị bật gốc như Lê Duẩn, Nguyễn Du, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Văn Thủ… Một vụ sập giàn giáo xây dựng tại số 11 Thái Văn Lung. Đặc biệt, trên tuyến đường Tỉnh lộ 25B, quận 2 do Bến phà Cát Lái (nối liền giữa quận 2 và huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) tạm ngưng hoạt động đã bị kẹt xe nghiêm trọng, kéo dài hàng km. Do ảnh hưởng của mưa bão, một số khu vực ở quận 2 cũng đã mất điện.



* Tại Kiên Giang: Do ảnh hưởng bão số 1, trên địa bàn tỉnh xuất hiện những cơn mưa lớn kéo dài nhiều giờ, vừa có lợi cho phòng chống cháy (PCCR) rừng mùa khô và xuống giống vụ hè thu sớm, vừa gây khó khăn cho thu hoạch lúa đông xuân muộn.



Mưa bão những ngày qua làm cho nhiều trà lúa đông xuân muộn trong tỉnh Kiên Giang bị ngã đổ, gây khó khăn trong thu hoạch lúa của nông dân. Nhiều trà lúa đã chín rục ngoài đồng, nhưng nông dân đang trong tình trạng thiếu máy gặt đập liên hợp và nhân công lao động thu hoạch sẽ ảnh hưởng đến chất lượng lúa hàng hóa và xay xát chế biến sản phẩm gạo xuất khẩu. Hiện nay, giá thuê lao động cắt lúa theo cách thủ công truyền thống từ 4 – 5 triệu đồng/ha và thu hoạch bằng cơ giới 3 – 4 triệu đồng/ha, cao gần gấp đôi so với đầu vụ thu hoạch. Việc phơi, sấy lúa cũng đang gặp nhiều trở ngại do đây là giai đoạn cao điểm của mùa khô nông dân không chuẩn bị trước lò sấy, nắng yếu xen lẫn với xuất hiện những cơn mưa bất thường đổ xuống, làm ảnh hưởng đến chất lượng hạt lúa, gạo. Ngoài ra, chi phí đầu tư sản xuất lúa tăng thêm và thất thoát sau thu hoạch 7 – 10%, những giá lúa đang sụt giảm trên thị trường, dao động ở mức 5.000 – 5.100 đồng/kg làm cho nông dân không có lãi cao.



Tuy nhiên, những cơn mưa lớn này cũng đã làm hạ nhiệt, giảm áp lực cháy rừng đang dự báo cháy cấp 3, cấp 4 và đang ở mức cấp cực kỳ nguy hiểm ở lâm phần rừng tràm vùng U Minh Thượng, Hòn Đất, Kiên Lương, rừng trên đảo Phú Quốc và đồng cỏ bàng Phú Mỹ (Giang Thành). Nguy cơ cháy rừng ở đây không còn ở cấp cực kỳ nguy hiểm và giảm đáng kể. Đồng thời, mưa bão đã cung cấp một lượng nước khá lớn tưới cho những trà lúa hè thu sớm vừa xuống giống ở các huyện Châu Thành, Giồng Riềng, khắc phục việc xâm nhập mặn vào đồng ruộng. Bà con nông dân tranh thủ cày cải tạo đất, vệ sinh đồng ruộng để tiếp tục gieo sạ lúa hè thu đúng lịch thời vụ, nhằm hạn chế sâu bệnh, rầy nâu gây hại và tránh lũ.



Hàng ngàn hécta lúa đông xuân ở Bình Định, Phú Yên bị đổ ngã



* Ban Chỉ huy Phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết: do ảnh hưởng của cơn bão số 1 nên từ ngày 31/3-1/4 trên địa bàn tỉnh Bình Định có mưa vừa và mưa to. Lượng mưa đo được ở Hoài Ân là 89,2 mm; An Hoà ( An Lão ) 147,2 mm; Hoài Nhưn 80,8 mm; Bình Nghị ( Tây Sơn ) 104,2 mm; Quy Nhơn 107,2 mm; An Nhơn 80,9 mm; Vân Canh 144 mm và Phù Cát 64,9 mm.



Mưa lớn đã làm cho nước ở các con sông xấp xỉ mức báo động 1 và nước ở một số cánh đồng thấp và ven sông suối bị ngập úng và hầu hết nhiều diện

tích lúa ở các huyện có mưa lớn bị ngập, đặc biệt ở 2 huyện Tuy Phước và Phù Cát có 4.000 ha lúa Đông Xuân chưa kịp thu hoạch bị ngã đổ nặng.



Tỉnh Bình Định đã kịp thời chỉ đạo cho các địa phương huy động lực lượng tranh thủ ra đồng thu hoạch lúa nhanh gọn. Nếu để thu hoạch kéo dài lúa sẽ lên mộng làm giảm năng suất và chất lượng gạo. Đối với tàu thuyền đến nay toàn tỉnh có 7.756 chiếc/ 42.546 lao động đã vào bờ trú nẩ an toàn và hiện chưa có trường hợp nào bị nạn xẩy ra.



* Do ảnh hưởng bão số 1, hàng ngàn hécta lúa vụ đông xuân ở Phú Yên đang giai đoạn trỗ, chắc xanh đến chín bị ngã đổ; nhiều nơi lúa ngã rạp, chìm trong nước. 



Hiện chưa có số liệu chính thức từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, nhưng bước đầu thống kê tại một số địa phương thuộc vùng trọng điểm lúa tỉnh Phú Yên cho thấy thiệt hại là đáng kể. Tại huyện Phú Hòa có ít nhất 700 hecta trong số 5.520 hecta bị ngã đổ, trong đó hơn 100 hecta bị ngập trong nước từ hai ngày qua. Tại huyện Đông Hòa có ít nhất 1.000 hecta lúa nằm ở vùng trũng chiếm gần 22% diện tích lúa đông xuân toàn huyện cũng bị ngã đổ. Thị xã Sông Cầu tuy không phải là vùng trọng điểm lúa tỉnh Phú Yên và nông dân đã thu hoạch một nửa trong số 1.080 hecta lúa đông xuân. Tuy nhiên, diện tích còn lại chưa thu hoạch đã bị mưa to ngã rạp…





 

Một nông dân ở xã Xuân Quang 3 (huyện miền núi Đồng Xuân) đang thu hoạch diện tích lúa bị ngã đổ và ngập nước do bão số 1. Ảnh: Thế Lập – TTXVN



Các cánh đồng lúa chín của Thành phố Tuy Hòa thuộc địa bàn các xã Bình Kiến, Hòa Kiến, An Phú chưa kịp thu hoạch đã bị ngã rạp, ngập trong nước. Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Bình Kiến 2 ông Nguyễn Đồng Minh cho biết: “Toàn HTX chỉ có 160 hecta lúa thì có đến 100 hecta bị đổ ngã, nặng nhất là cánh đồng trũng Lòng Bàu nước ngập trên lúa”. Nhiều lão nông cho biết đã nhiều năm qua chưa thấy cơn bão nào xuất hiện vào thời điểm tháng 4 – đây cũng là giai đoạn cây lúa đang chuẩn bị chín; Do vậy, vụ lúa đông xuân này chắc chắn năng suất không cao, tổn thất lớn; diện tích lúa bị ngã đổ cũng gây nhiều khó khăn trong khâu thu hoạch…

Vụ đông xuân năm nay, tỉnh Phú Yên gieo sạ 26.300 hecta, trong đó có 2250 hecta trà lúa sớm đã thu hoạch với năng suất bình quân 55 tạ/hecta.





 

(Tintuc)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Cao Xuân Thu Ngọc 
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo