Bạc Liêu quan tâm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn
Đã đăng vào 12/06/2014 lúc 15:29(BTV) – Hơn 3 năm qua, ngành nông nghiệp của tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh BL lần thứ XIV về phát triển nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, dễ nhận thấy nhất là tình hình sản xuất nông, lâm, ngư, diêm, nghiệp luôn chịu ảnh hưởng cực đoan của tình trạng biến đổi khi hậu và dịch bệnh; luôn bị tác động tiêu cực của các rào cản thương mại và rào cảng kỹ thuật của các nước nhập khẩu…Song, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng với sự nỗ lực của toàn ngành và các địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp và nông thôn, nên giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao. Các lĩnh vực sản xuất lương thực, thủy sản có bước phát triển khá; công tác xây dựng nông thôn mới có nhiều tiến bộ, đời sống của đại bộ phận nông dân trên địa bàn từng bước được cải thiện.
Mặc dù là một tỉnh nghèo, chưa đủ khả năng tự cân đối được ngân sách trong khi nhu cầu vốn đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn mới là rất lớn nhưng tỉnh đã quan tâm đầu tư một nguồn ngân sách đáng kể cho xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, phòng chống thiên tai. Trong 3 năm qua đã có hơn 1.300 tỷ đồng được tỉnh đầu tư cho các công trình nông nghiệp và thủy lợi. Được sự quan tâm của Nhà nước và với nỗ lực của nhân dân đã tạo nên hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, phục vụ tích cực cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bạc Liêu về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương ngày 26/4 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng BL là một tỉnh có điểm xuất phát thấp, song với sự phấn đấu nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, kinh tế-xã hội của Bạc Liêu thời gian qua tiếp tục có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả toàn diện trên các mặt. Nổi bật là kinh tế tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện…
Thật vậy, với sự quan tâm đầu tư của tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã tác đồng tích cực đến việc hoàn thành đạt và vượt một số chỉ tiêu cơ bản có tính chất chi phối tăng trưởng của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIV đã đề ra đến năm 2015. Cụ thể: trong giai đoạn 2011 – 2013, Tốc độ tăng trưởng GDP nông, lâm, thủy sản đạt 8,36%/năm; Lương thực bình quân đầu người năm 2013 đạt 1.156 kg (đạt trên 124% so với mục tiêu đến năm 2015), đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trên dịa bàn tỉnh và cung cấp cho thị trường trên 400.000 tấn lúa hàng hóa mỗi năm. Theo đó, diện mạo nhiều vùng nông thôn trong tỉnh từng bước được đổi mới. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở nông thôn không ngừng được nâng lên, công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả to lớn, điển hình như: Năm 2013, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 23,75 triệu đồng (đạt trên 112% so với mục tiêu đến năm 2015). Hiện trên địa bàn tỉnh có 54% hộ nông dân sử dụng nước sạch an toàn theo tiêu chuẩn Bộ y tế; mỗi năm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn khoảng 12.000 đến 13.000 lao động…Đến cuối 2013, tỉnh có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới đủ 19 tiêu chí, 4 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 12 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí.
Hoạch định cho bước phát triển KT-XH trong thời gian tiếp theo, Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Dũng khẳng định: Bạc Liêu sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, trong đó có tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành Dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu; tăng cường xúc tiến đầu tư, lựa chọn danh mục đầu tư phù hợp; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ 15.000ha nuôi tôm công nghiệp-bán công nghiệp; thúc đẩy xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, chú trọng và ưu tiên đầu tư các đường về trung tâm xã; tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội./.
Nguyên Du – Anh Tuấn