Đổi mới tư duy bảo vệ di sản

Đã đăng vào 19/04/2013 lúc 9:49

Ở Việt Nam, các hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể khởi đầu muộn hơn rất nhiều so với việc bảo vệ di sản vật thể. Vì vậy, làm thế nào để tiếp tục phát huy giá trị và bảo tồn di sản của nhân loại trong thời gian tới mới là vấn đề đáng quan tâm.

Sau khi thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ đã ban hành ngay văn bản pháp lý về bảo vệ di sản vật thể (Sắc lệnh 65 ngày 23/11/1945). Với Sắc lệnh này, 40.000 di tích, danh lam thắng cảnh và lịch sử – văn hóa đã được kiểm kê; 10 di tích đặc biệt quan trọng và hơn 3.000 di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh đã được xếp hạng.

 

 

Đoàn rước trong Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Hành trình được tiếp nối

Trong một thời gian dài chúng ta không có cơ sở pháp lý để bảo vệ các di sản phi vật thể – là linh hồn, là sự sống làm nên giá trị của các di tích đó.

Quá trình nhận thức muộn về bảo vệ di sản phi vật thể đã để lại một hệ quả không tốt và là sự thiệt thòi đối với một số di sản mà không còn cơ hội bù đắp. Do không nhận được đầy đủ giá trị của truyền thống, người dân đã không thực hành và không trao truyền nên dẫn đến việc không có người thừa kế.

Nhiều di sản truyền khẩu đã bị mai một. Sự thay đổi hình thái kinh tế xã hội đã làm biến đổi đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng. Lúc đó, một số loại hình di sản bị coi là lạc hậu, mê tín, là văn hóa của giai cấp phong kiến. Vì vậy, chủ thể tự chối bỏ hoặc là buộc phải chia tay với truyền thống. Có những phong tục tập quán, tri thức dân gian, kỹ năng, kỹ thuật đã vĩnh viễn chìm vào quá khứ mà không có cách gì phục hồi được. Có những di sản đã từng chịu số phận đó và ngày nay đã được hồi sinh (Hát Xoan ở Phú Thọ đang được bảo vệ khẩn cấp là một ví dụ). 

Cùng với sự muộn màng về thời gian, sự vận dụng một cách máy móc và cứng nhắc những khái niệm và biện pháp bảo vệ di sản vật thể đối với di sản phi vật thể làm cho quá trình bảo vệ di sản phi vật thể ở nước ta một thời gian dài bị hạn chế, thiếu hiệu quả, lúng túng và trì trệ.

Mặt khác, quan niệm về tính nguyên gốc và nguyên mẫu của phương pháp nghiên cứu di sản vật thể bị áp dụng một cách máy móc đối với di sản văn hóa phi vật thể đã khiến các nhà nghiên cứu mất rất nhiều thời gian, công sức, dẫn đến những ý kiến trái chiều và lúng túng khi xác định biện pháp bảo vệ di sản.

Điểm hạn chế nữa đó là việc làm “đóng băng” các dữ liệu về di sản, một khi cơ sở thông tin đó không được cập nhật và bị sử dụng một cách rập khuôn khi phục hồi và truyền dạy…

Mặc dầu vậy, sau khi tiếp cận với những quan điểm của quốc tế, của UNESCO và đặc biệt từ khi có Công ước 2003, quá trình nhận thức và hành động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam diễn ra rất nhanh, mạnh mẽ và đem lại những kết quả tích cực. Điều đó có cơ sở từ sự đổi mới tư duy ở Việt Nam, bắt đầu từ năm 1986. Chiến lược này đã làm thay đổi nhận thức và hoạt động thực tiễn của nhiều lĩnh vực trong đó có văn hóa.

Nhanh chóng học hỏi và kế thừa tri thức, kinh nghiệm bảo vệ di sản văn hóa của nhân loại, hoạt động bảo vệ di sản phi vật thể ở Việt Nam đã và đang ngày một phát triển. Năm 2001 Việt Nam đã có Luật Di sản văn hóa trong đó có một chương dành riêng cho việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể cùng với nhiều điều khoản có liên quan. Năm 2009, Luật Di sản Văn hóa đã được sửa đổi.

Nhiều nội dung về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được thay đổi và bổ sung. Một số khái niệm và quan điểm từ Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Luật sửa đổi một số điều của Luật Di sản Văn hóa năm 2009 một cách tương thích, sáng tạo và có cả sự “thỏa hiệp”.  Di sản phi vật thể là con người, là sự sống hiện tại cùng với không gian văn hoá, đồ vật liên quan là phạm vi điều chỉnh của bộ luật này. Chủ thể văn hóa là những người quyết định nhận dạng giá trị, chỉ ra biện pháp và cam kết bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Ứng xử sao cho phải?

Vấn đề quan trọng nhất và khó khăn nhất hiện nay đó là làm thế nào để cộng đồng thực hành và bảo vệ di sản như tinh thần của Công ước UNESCO 2003 “cần phải nỗ lực để đảm bảo khả năng tham gia tối đa của các cộng đồng, nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân đã sáng tạo, duy trì và chuyển giao loại hình di sản này và cần phải tích cực lôi kéo họ tham gia vào công tác quản lý”.

Ở Phú Thọ hiện nay, do sự phát triển mạnh mẽ việc sử dụng nguồn tài nguyên di sản vào mục đích du lịch sẽ là thách thức mà chúng ta phải đối mặt, nhất là bảo vệ các không gian tự nhiên và những địa điểm gắn với ký ức rất cần thiết cho việc thể hiện di sản văn hóa phi vật thể. Ví dụ, các không gian văn hóa liên quan đến "Tín ngưỡng thờ Hùng Vương" cần được giới thiệu một cách chuyên nghiệp và sâu sắc những nét đặc trưng của di sản văn hoá này.

Để đạt được điều đó, việc đào tạo một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp là rất quan trọng, từ những người tham gia các hoạt động nghiên cứu cho đến đội ngũ cán bộ, nhân viên phục vụ có kiến thức sâu rộng về văn hóa và du lịch, đặc biệt phải có kiến thức về việc bảo tồn di sản văn hoá, các quy tắc, chuẩn mực, mục tiêu và các yêu cầu trong việc thực hiện các công việc chuyên môn. Bên cạnh đó nên khuyến khích các cộng đồng tự quản lý di sản văn hoá của mình.

Do đó, rất cần thiết nâng cao nhận thức cho cộng đồng và khuyến khích họ quản lý những di sản đó cho thật tốt. Cần thực hiện ngay các hình thức du lịch văn hóa. Đánh giá những ảnh hưởng từ khách du lịch và quy định việc sử dụng khai thác di sản đối với ngành du lịch sẽ được ưu tiên hàng đầu. Ngành du lịch và các thiết chế văn hóa như bảo tàng, di tích, văn hóa cơ sở cần khuyến khích việc tham gia các hoạt động của cộng đồng địa phương trong việc lên kế hoạch quản lý di sản và các hoạt động gặp gỡ du khách. Việc tham dự của các thành viên trong các cộng đồng hay các tổ chức xã hội có liên quan đến cộng đồng đó sẽ là nhân tố cơ bản trong những nỗ lực chung bảo vệ di sản, đồng thời, cần tôn trọng những quy định chung và quy định riêng của mỗi cộng đồng. Cộng đồng đó phải tham gia vào việc lên kế hoạch, triển khai và giám sát các giai đoạn hoạt động để sử dụng di sản văn hoá cho mục đích du lịch. Thông qua đó sẽ tạo ra những giá trị lịch sử bền vững cho di sản văn hóa.

Di sản văn hóa là tiềm năng, động lực khi các chủ thể phát huy thích hợp với thời buổi kinh tế thị trường hôm nay. Nhà quản lý, nhà nghiên cứu phải giúp họ tìm ra những tiềm năng có thể phát huy được, giúp người dân biến tiềm năng văn hóa thành động lực phát triển…

(Chinhphu.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Cao Xuân Thu Ngọc 
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo