Cộng hòa Síp trông chờ kế hoạch B
Đã đăng vào 22/03/2013 lúc 10:44Hãng Reuters ngày 21-3 đưa tin, sau khi Quốc hội Síp bỏ phiếu bác bỏ đề xuất cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU), Chính phủ của Tổng thống Nicos Anastasides đã đệ trình một kế hoạch giải cứu mới nhằm tránh việc nước này rơi vào nguy cơ vỡ nợ. Quyết định được đưa ra sau khi Síp nhận thấy không thể trông chờ vào sự cứu trợ của Nga, quốc gia có quan hệ tài chính mật thiết với nước này.
Người dân Síp bất bình với đề xuất đóng thuế tiền gửi ngân hàng của chính phủ. |
Tự thân vận động
Chi tiết cuộc gặp giữa Bộ trưởng Tài chính Síp Michalis Sarris và các quan chức Nga tại Mátxcơva ngày 21-3 chưa tiết lộ nhưng nguồn tin từ Reuters cho biết, kết quả cuộc gặp không như mong đợi. Việc Síp không nhận được lời hứa hẹn cứu trợ từ Nga buộc nước này phải lập riêng một kế hoạch “giải cứu” mình.
Tối cùng ngày, các chính trị gia Síp đã đồng ý thiết lập một quỹ đầu tư trong khuôn khổ kế hoạch B nhằm đạt được thỏa thuận cứu trợ với các nhà lãnh đạo eurozone. Kế hoạch B nhằm gây dựng khoản ngân quỹ 5,8 tỷ euro (7,48 tỷ USD), số tiền mà trước đó dự kiến thu được qua việc áp thuế đối với tiền gửi ngân hàng nhưng đã bị Quốc hội Síp bác bỏ.
Theo Skynews, quỹ đầu tư lấy nguồn từ bất động sản, quốc hữu hóa các quỹ hưu trí và buộc các ngân hàng phải đóng cửa đến hết tuần này nhằm tránh nguy cơ sụp đổ hệ thống tài chính.
Cuộc khủng hoảng xảy ra từ ngày 16-3 sau khi Chính phủ Síp buộc phải đồng ý với thỏa thuận ngặt nghèo của 3 chủ nợ gồm EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) yêu cầu đánh thuế tất cả các khoản tiền gửi ngân hàng để đổi lại 10 tỷ EUR cho Nicosia, giúp quốc đảo này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ.
Việc Chính phủ Síp thông qua thỏa thuận này đã làm bùng nổ làn sóng giận dữ từ người dân. Hàng loạt máy ATM, ngân hàng buộc phải tạm đóng cửa do lượng người rút tiền ồ ạt. Các cuộc biểu tình diễn ra liên tục gây áp lực buộc Quốc hội Síp phải bỏ phiếu bác bỏ điều kiện cứu trợ của châu Âu.
Điều khoản của châu Âu đối với Síp đã làm dấy lên câu hỏi vì sao liên minh này lại đưa ra thỏa thuận giải cứu khác lạ nhất từ trước đến nay? Thông thường, các gói giải cứu thường đi kèm với điều kiện “thắt lưng buộc bụng” nhưng ở Síp lại là đánh thuế tiền gửi. Một số chuyên gia cho rằng điều này có thể vì bài thuốc “thắt lưng buộc bụng” đã hết thiêng. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc châu Âu kiên quyết đánh thuế là do lo ngại sự rửa tiền từ dòng tiền thuộc giới tư bản Nga đang lưu thông ở các ngân hàng Síp.
Châu Âu sẽ mềm dẻo?
Việc Quốc hội Síp bác bỏ đề xuất đánh thuế tiền gửi gây tranh cãi khiến quốc đảo Địa Trung Hải này không những rơi vào nguy cơ vỡ nợ mà còn bị buộc phải rời eurozone nếu EU, ECB và IMF từ chối giải ngân gói cứu trợ Síp. Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem, chủ tọa Hội nghị Bộ trưởng Tài chính eurozone, cho biết đề xuất cứu trợ cho Síp vẫn tồn tại chừng nào quốc đảo này đáp ứng các điều kiện mà các chủ nợ đã đặt ra. EU đã đưa ra thời hạn chót để Síp trả lời kế hoạch giải cứu vào ngày 25-3 tới.
Trước đó, EU cảnh báo họ sẽ không giải ngân gói cứu trợ 10 tỷ EUR cho Síp nếu những người gửi tiền ở nước này, bao gồm cả những người gửi tiền có trị giá nhỏ, không chia sẻ gánh nặng chi phí cứu trợ. ECB cũng dọa sẽ chấm dứt chương trình hỗ trợ tín dụng khẩn cấp cho các ngân hàng của Síp.
Mặc dù vậy, có khả năng các chủ nợ của Síp sẽ phải xem xét lại quan điểm của họ bởi nếu Nicosia bị vỡ nợ, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu có thể trầm trọng hơn và sự tồn vong của eurozone bị đe dọa do hệ thống ngân hàng khác trong liên minh tiền tệ này, nhất là Italia và Tây Ban Nha, đang gặp khó khăn về tài chính.
(SGGP)