Vùng tam giác Ninh Quới từng bước đi lên
Đã đăng vào 16/01/2012 lúc 17:28Để vùng tam giác Ninh Quới phát triển theo hướng toàn diện, tạo thế ổn định lâu dài, huyện Hồng Dân đã ký kết với trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu, ứng dụng một số mô hình, dự án có khả năng phát triển sản xuất. Đây là cơ hội để vùng tam giác Ninh Quới vực dậy tiềm năng.
Thương lái các tỉnh đến huyện Hồng Dân thu mua lúa. Ảnh: Q.H |
Vùng sản xuat tam giác Ninh Quới bao gồm các xã Ninh Quới, Ninh Quới A, thị trấn Ngan Dừa và một phần của xã Ninh Hòa, bao gồm 30 ấp với diện tích đất tự nhiên là 14.835ha. Trong đó, diện tích đất canh tác hơn 8.800ha, với dân số hơn 45.000 người. Được sự hỗ trợ của khoa Nông nghiệp trường Đại học Cần Thơ và Viện Lúa ĐBSCL, huyện đã tìm ra khâu đột phá chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng – vật nuôi bằng các giải pháp đồng bộ. Nhờ đó, lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản đã chuyển dịch khá mạnh mẽ.
Hiện nay, ở khu vực này có hơn 85% diện tích được nông dân sử dụng giống lúa chất lượng cao đưa vào sản xuất như: OM 4900; OM 6162; OM 6377. Những loại giống này bán ra thị trường giá cao hơn những loại giống lúa thường ở địa phương từ 500 – 1.000 đồng/kg. Hơn 90% nông dân áp dụng biện pháp sạ thưa, phương pháp “3 giảm – 3 tăng”. Toàn vùng đã đào mới và nạo vét 41 công trình thủy lợi – thủy nông nội đồng. Có khoảng 70% diện tích canh tác nằm trong khu vực đê bao khép kín. Nông dân ở khu vực này sản xuất với phương châm 2 vụ ăn chắc. Trong đó, vụ đông xuân được xem là vụ sản xuất chính, năng suất bình quân từ 7,5 – 8 tấn/ha. Ngoài ra, nông dân còn kết hợp sản xuất luân canh, xen canh các mô hình lúa – màu, lúa – cá… đem lại hiệu quả kinh tế cao…
Nét nổi bật là huyện đã tranh thủ với khoa Nông nghiệp trường Đại học Cần Thơ thực hiện dự án “Mô hình canh tác hiệu quả và bền vững” như: dự án quy trình sản xuất rượu gạo tại thị trấn Ngan Dừa, mô hình trồng nấm rơm cải tiến, mô hình trồng rau – màu theo hướng an toàn, mô hình tôm – lúa kết hợp với thả xen canh cua hoặc kết hợp với các loài thủy sản khác… Từ đó, cho thu nhập từ 75 – 100 triệu đồng/ha (tăng lợi nhuận từ 10 – 20 triệu đồng/ha so với những mô hình sản xuất truyền thống).
Ông Trần Văn Lập, hơn 60 tuổi, ngụ ấp Vàm, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân, cho biết: “Năm 2000 trở về trước, tuy sản xuất 3 vụ lúa/năm nhưng năng suất chỉ đạt từ 25 – 30 giạ/công. Hạt lúa làm ra cũng không đảm bảo chất lượng. Hệ thống kênh mương, thủy lợi – thủy nông nội đồng gần như chưa có. Từ khi huyện quy hoạch lại việc sản xuất đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân sản xuất, hiệu quả kinh tế đem lại khá cao, gấp 2 – 3 lần so với trước đây”. Nhiều hộ nông dân ở đây như anh Trần Văn Dễ, Huỳnh Văn Be đã mạnh dạn áp dụng mô hình sản xuất kết hợp với luân canh lúa – cá – màu, lúa – cá – heo cho thu nhập rất cao, trung bình lãi từ 100 – 150 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Bên cạnh việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất để nâng cao thu nhập cho nông dân, giai đoạn 2011 – 2015, Đảng bộ huyện Hồng Dân còn xác định hướng đi chủ yếu là sản xuất, sửa chữa công cụ phục vụ nông nghiệp, phát triển các làng nghề truyền thống và kêu gọi đầu tư vào cụm công nghiệp tập trung của huyện. Kết quả, đến nay, dự án xây dựng kho lương thực Ninh Quới sắp hoàn thành với diện tích gần 10.000m2, sức chứa gần 18.000 tấn gạo, tương đương với 35.000 tấn lúa.
Có thể khẳng định, chủ trương quy hoạch vùng sản xuất tam giác Ninh Quới là việc làm mang tính đột phá. Chủ trương này không những đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân, mà còn góp phần vực dậy tiềm năng sẵn có của toàn vùng, làm thay đổi sức sống mới ở một vùng quê. Bên cạnh đó, còn tạo thêm uy tín của huyện trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đối với những khu vực lân cận.
(Baobaclieu)