Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở các trường học: Cần thiết thực, dễ tiếp thu

Đã đăng vào 10/05/2012 lúc 8:29

Thời gian gần đây, với sự gia tăng không ngừng của các loại tội phạm ở lứa tuổi thanh thiếu niên đã khiến các cấp, các ngành phải suy nghĩ nhiều về cách tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PB-GDPL) cho lứa tuổi này. Với nhiều khẩu hiệu, nhiều hình thức tuyên truyền, PB-GDPL được thực hiện, nhưng vì sao tình hình vi phạm pháp luật càng gia tăng với độ tuổi ngày càng trẻ hóa? Câu hỏi này vẫn chưa có lời giải đáp!

 

 

Quang cảnh Hội nghị triển khai công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Ảnh: Trần Sơn

Lứa tuổi và sự phát triển tâm sinh lý chưa ổn định của những người trẻ tuổi dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Và trong thời đại cổng thông tin luôn rộng mở, ngoài phim ảnh nhan nhản ở khắp nơi thì còn đó mạng Internet, những trò chơi điện tử trực tuyến mang hơi hướng bạo lực… khiến thanh thiếu niên dễ tìm đến và “mê mẩn” hơn là những lý thuyết khô khan về giáo dục pháp luật.

 

Hiện nay, ngoài việc lồng ghép các kiến thức pháp luật vào các giờ học môn Giáo dục công dân, rất nhiều trường trung học đã thành lập câu lạc bộ (CLB) Tuổi trẻ phòng chống tội phạm trong trường học. Các CLB này được thành lập với phương châm là tạo sân chơi bổ ích cho giới trẻ, trong đó có lồng ghép các kiến thức pháp luật. Qua đó góp phần tuyên truyền pháp luật đến mọi người, nhất là các đối tượng thanh thiếu niên.

Tuy nhiên, đó chỉ là phương châm, lý thuyết. Còn trên thực tế, các CLB Tuổi trẻ phòng chống tội phạm cũng chỉ hoạt động cầm chừng, nhiều nơi chỉ là hình thức. Mặc dù toàn tỉnh có hơn 30 CLB Tuổi trẻ phòng chống tội phạm ở các trường học, nhưng chỉ một ít là hoạt động tương đối có hiệu quả. Qua khảo sát một số trường học có CLB, chúng tôi nhận thấy là các trường đều không “mặn mà” với CLB này. Tại một trường THPT, tuy có CLB nhưng lại không có điểm sinh hoạt cố định. Ngoài một bảng thông báo hoạt động chung của trường thì CLB chỉ có một thùng thư góp ý để ghi nhận các ý kiến của học sinh.

Ngoài vấn đề về kinh phí, chuyện áp lực học hành cũng góp phần làm cho các CLB Tuổi trẻ phòng chống tội phạm “chết” tại các trường học. Học sinh phải chạy theo các buổi học chính khóa, ngoại khóa, học thêm, luyện thi… thì làm gì còn thời gian để tham gia các CLB. Thêm vào đó, tuy nói là CLB để tuyên truyền pháp luật cho học sinh, nhưng các thành viên tham gia CLB lại không phải là học sinh mà là các thầy cô giáo, Bí thư Đoàn trường, các Bí thư chi đoàn lớp(?!).

Ngoài hoạt động yếu kém của các CLB trên, việc giáo dục pháp luật ở trường học vẫn chưa đi vào chiều sâu, chưa thật sự khiến học sinh thấy hứng thú, yêu thích, dẫn đến việc khó tiếp thu. Trong khi đó, các em học sinh (nhất là học sinh THPT) đã bắt đầu có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, nhận thức và nhiều thứ khác ngoài sách vở ở trường. Nếu tuyên truyền, PB-GDPL không chú ý đến những gì các em cần và thiết thực sẽ dẫn đến một tình trạng đáng lo ngại: các em chán ngán khi được dạy những vấn đề liên quan đến pháp luật. Đây sẽ là điều thật sự tai hại.

 

(Baobaclieu)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Cao Xuân Thu Ngọc 
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo