Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tôi không thoái thác, từ chối bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng, Nhà nước phân công

Đã đăng vào 15/11/2012 lúc 9:14

Sáng 14/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề về điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2012 và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

 

 

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Cần đặc biệt quan tâm kiềm chế lạm phát,
không để lạm phát quay trở lại.  Ảnh:chinhphu.vn

 

 

Bước vào phần chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp của các đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận được câu hỏi đầu tiên của đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận). Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương chất vấn về vấn đề tiếp cận vốn vay khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Báo cáo giải trình của Thủ tướng vừa rồi không đề cập đến vấn đề này. Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết, Chính phủ có giải pháp gì cụ thể và giải pháp nào là cơ bản nhất, động lực nào mạnh nhất để thay đổi mô hình tăng trưởng? Thủ tướng hãy coi đây là cam kết của Chính phủ.

 

Đề cập những diễn biến tại Hội nghị Trung ương 6 vừa qua và lời xin lỗi của Thủ tướng trong phiên khai mạc Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đặt vấn đề: Thủ tướng nghĩ gì khi mình nặng trách nhiệm với Đảng, nhẹ trách nhiệm với dân? Đại biểu này cũng đề nghị hướng tới văn hóa từ chức trong đội ngũ cán bộ để loại bỏ dần với những lời xin lỗi.

 

Từ phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Xây dựng về vấn đề thủy điện, đại biểu Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) đề nghị: Thủ tướng cho biết những giải pháp khắc phục những bất cập của thủy điện ?

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về những vấn đề nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Trong bối cảnh khó khăn chung, Chính phủ luôn theo sát, thấu hiểu, lo lắng và chia sẻ với doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp.

 

Chính phủ luôn trăn trở, tìm mọi biện pháp để tháo gỡ khó khăn vì lợi ích của doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Chính phủ đã đề ra nhiều cơ chế chính sách, nhiệm vụ, giải pháp và đã có kết quả nhất định.

 

Theo Thủ tướng, có thể khái quát lại thành mấy nhóm giải pháp: Giải pháp cơ bản thứ nhất, Chính phủ tập trung chỉ đạo để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế bằng được lạm phát, không để lạm phát quay trở lại; đồng thời duy trì tăng trưởng hợp lý. Giải pháp cơ bản thứ hai, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, triển khai hiệu quả tái cơ cấu các lĩnh vực: Đầu tư công, tập đoàn kinh tế, tái cơ cấu tài chính… Để khắc phục các hạn chế, yếu kém, Chính phủ đã triển khai các nhóm giải pháp như: Xây dựng thể chế, luật pháp; tăng cường nâng cao năng lực dự báo đánh giá tình hình; hoàn thiện bộ máy hành chính các cấp.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Giải pháp có ý nghĩa quyết định nhất, cơ bản nhất, bao trùm nhất là phải thực hiện đồng bộ, phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và thực hiện đồng bộ các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, trong đó coi trọng việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hành dân chủ, chăm lo lợi ích chính đáng của người dân; đảm bảo dân chủ thực sự là mục tiêu, động lực của sự phát triển đất nước”.

 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ: Khai mạc Quốc hội, với trọng trách là Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, tôi đã nhận trọng trách với tư cách của người đứng đầu Chính phủ trên tất cả các lĩnh vực; trong đó, có trọng trách trong việc lãnh đạo, điều hành các tập đoàn kinh tế. Tôi cũng đã hứa bằng mọi khả năng, trọng trách của mình, sẽ cùng Chính phủ giải quyết bằng một số nhóm giải pháp cụ thể, quyết liệt. Có thể nói, gần suốt cả cuộc đời theo Đảng, hoạt động cách mạng dưới sự lãnh đạo, quản lý trực tiếp của Đảng, tôi không thoái thoác, từ chối bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng, Nhà nước quyết định phân công, giao phó. Tôi sẽ tiếp tục và nghiêm túc thực hiện như đã làm trong suốt 51 năm qua.

Về thủy điện sông Tranh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, khi chủ trương khai thác thủy điện, Đảng, Chính phủ yêu cầu: Thứ nhất, phải đảm bảo an toàn hồ đập, tính mạng của nhân dân. Đây là yêu cầu cao nhất. Dù hiệu quả đến đâu nhưng không an toàn thì cũng không làm; thứ hai, công tác di dân và thứ ba  hiệu quả kinh tế – xã hội và môi trường. Trong quá trình triển khai, cũng có bất cập. Thủ tướng yêu cầu rà soát quy hoạch thủy điện trong cả nước, rà soát các công trình thủy điện đang vận hành; rà soát việc di dân…

 

Theo Thủ tướng, các chuyên gia trong nước, bộ, ngành đều khẳng định thủy điện Sông Tranh là an toàn. Nhưng để chắc chắn hơn, đảm bảo an toàn cho dân cần phải làm mấy việc: Không tích nước, lập tổ công tác ứng trực tại thủy điện Sông Tranh, thuê chuyên gia tư vấn hàng đầu quốc tế; tiếp tục tổ chức hội thảo lắng nghe ý kiến chuyên gia, công bố công khai thường xuyên cách ứng phó với động đất….

 

Kết thúc phần trả lời chất vấn trực tiếp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, những câu hỏi chưa được trả lời, Thủ tướng Chính phủ hứa sẽ trả lời và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

 

Trước đó, trong phần trình bày báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, tại Kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội đã gửi 175 phiếu chất vấn với 247 câu hỏi đến Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Trong đó, có 5 phiếu với 11 câu hỏi chất vấn dành riêng cho Thủ tướng. Thủ tướng đã uỷ nhiệm và yêu cầu các thành viên Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, trả lời bằng văn bản gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

 

Kết thúc phiên làm việc sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, sau 2,5 ngày làm việc, Quốc hội đã nghe đồng chí Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ, thay mặt các Bộ trưởng báo cáo rõ thêm kết quả thực hiện chất vấn của Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai và Kỳ họp thứ Ba. Quốc hội đã dành thời gian để tiến hành trực tiếp chất vấn 4 bộ trưởng và nghe Thủ tướng báo cáo, giải trình thêm; theo đó, trực tiếp trả lời các câu hỏi chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Toàn bộ phiên chất vấn của Quốc hội diễn ra một cách dân chủ, công khai, có sự theo dõi, giám sát của đồng bào, cử tri cả nước. Những câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội đặt ra hết sức thẳng thắn, xây dựng, đi vào trọng tâm những vấn đề lớn. Các câu hỏi rất phong phú và sắc sảo. Trả lời của các vị bộ trưởng, thành viên Chính phủ cũng đi vào nội dung các câu hỏi và đã giải đáp được hầu hết các vấn đề đặt ra, đưa ra được các kiến nghị cần thiết để tiếp tục giải quyết.

 

“Quốc hội ghi nhận những kết quả bước đầu của 9 thành viên Chính phủ đã có báo cáo gửi tới Quốc hội về việc tổ chức thực hiện những kết luận, nghị quyết của Quốc hội tại hai kỳ họp trước. Đề nghị các vị bộ trưởng, các thành viên Chính phủ, Chính phủ, các ngành hữu quan tiếp tục tổ chức kế hoạch thực hiện các chất vấn của đại biểu Quốc hội đã đặt ra một cách có kết quả trong thời gian tới” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao những cam kết của Thủ tướng Chính phủ, tinh thần trách nhiệm trước nhân dân của chính bản thân Thủ tướng và của tập thể Chính phủ trong việc khắc phục những tồn tại, yếu kém trong quản lý, điều hành. Quốc hội cũng đánh giá cao sự tích cực phấn đấu để thực hiện thành công những kế hoạch công tác của Chính phủ, trước mắt là phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2012 và có kế hoạch để hoàn thành chỉ tiêu, mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra cho năm 2013.

 

Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Phòng, chống khủng bố và Dự án Luật Giáo dục quốc phòng – an ninh./.

 

(Báo điện tử ĐCSVN)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Cao Xuân Thu Ngọc 
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo