Khởi công xây Trung tâm vũ trụ Việt Nam tại Hà Nội
Đã đăng vào 20/09/2012 lúc 10:08
Khi Trung tâm vũ trụ này được hoàn thành vào năm 2020, Việt Nam sẽ có Trung tâm Vũ trụ hiện đại hàng đầu Đông Nam Á.
Phát biểu tại buổi lễ, giáo sư, tiến sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đơn vị được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành thực hiện Chiến lược này cho biết, trong suốt quá trình chuẩn bị, Dự án “Trung tâm vũ trụ Việt Nam” đã nhận được sự chỉ đạo trực tiếp và ủng hộ rất cao của Đảng và Chính phủ.
Hai đơn vị trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam là Viện Công nghệ Vũ trụ và Trung tâm Vệ tinh Quốc gia, đã thực hiện Chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước về Công nghệ Vũ trụ và nhiều dự án có tầm quan trọng, đặc biệt là Dự án xây dựng “Trung tâm Vũ trụ Việt Nam” tại khu công nghệ cao Hòa Lạc. Việc xây dựng Trung tâm vũ trụ Việt Nam sẽ tạo cơ sở nòng cốt để triển khai thực hiện các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ của đất nước.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Yasuaki Tanizaki bày tỏ sự vui mừng trước việc Dự án xây dựng Trung tâm vũ trụ Việt Nam đã có bước khởi động đầu tiên. Ông cho biết: Nhật Bản là một đất nước luôn phải gánh chịu những tổn thất và hậu quả của thiên tai như động đất, sóng thần… Bởi vậy, Chính phủ Nhật Bản luôn mong muốn được giúp đỡ đất nước Việt Nam, quốc gia được đánh giá là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Biến đổi khí hậu toàn cầu, trong việc quản lý và cảnh báo thiên tai bằng vệ tinh quan sát trái đất.
Đại sứ Nhật Bản cho rằng việc xây dựng Trung tâm vũ trụ Việt Nam cũng đem lại sự phát triển hơn nữa cho Khu công nghệ cao Hòa lạc, một khu vực trọng điểm phát triển công nghệ cao của Việt Nam. Đây cũng là nơi nhiều công ty, doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn đầu tư.
Đến nay, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã có 3 công ty Nhật Bản đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất. Đại sứ cũng hy vọng việc triển khai xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, sẽ là bước tiến mới trong Chiến lược phát triển Công nghệ Vũ trụ của Việt Nam đến năm 2020.
Được xây dựng trên diện tích rộng gần 9 ha nằm trong khuôn viên Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam được đầu tư với tổng nguồn vốn 54,4 tỷ yen (tương đương gần 700 triệu USD), trong đó nguồn vồn ưu đãi ODA của Chính phủ Nhật Bản chiếm 46,5 tỷ yen và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 1.774 tỷ đồng. Dự án triển khai thực hiện từ năm 2011 đến năm 2020. Đơn vị triển khai thực hiện và tiếp nhận dự án trọng điểm quốc gia này là Trung tâm Vệ tinh Quốc gia trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Khi hoàn thành, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sẽ đảm trách những công việc quan trọng gồm: Làm chủ công nghệ, tự thiết kế, lắp ráp thử nghiệm, điều khiển vệ tinh nhỏ quan sát trái đất, lãnh thổ Việt Nam trong mọi điều kiện thời tiết bằng công nghệ rada hiện đại; Xây dựng và xử lý các dữ liệu vệ tinh phục vụ giám sát và cảnh báo sớm thiên tai, các thảm họa môi trường; Dự báo sớm sản lượng nông nghiệp, nguồn lợi hải sản, cập nhật hệ thống bản đồ điện tử cho quản lý và quy hoạch đất đai; nghiên cứu và phòng chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Dự án được đầu tư đồng bộ thành 3 phần: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị, Trung tâm lắp ráp, tích hợp thử nghiệm vệ tinh nhỏ, trạm thu nhận tín hiệu vệ tinh, trung tâm nghiên cứu triển khai, trung tâm giáo dục và đào tạo, bảo tàng vũ trụ, đài thiên văn; tiếp nhận và tự chế tạo 2 vệ tinh nhỏ quan sát trái đất; Đào tạo khoảng 350 nhà khoa học, chuyên gia quản lý có trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ./.