Học tiếng Khmer để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc

Đã đăng vào 22/11/2012 lúc 9:01

Phong trào dạy và học song ngữ Việt – Khmer những năm gần đây phát triển khá mạnh ở các trường học trong tỉnh. Trong đó, TP. Bạc Liêu là một điển hình. Việc đưa chương trình dạy môn tiếng Khmer vào trường học ở TP. Bạc Liêu không chỉ làm đa dạng ngôn ngữ mà còn giúp các em học sinh Khmer có điều kiện giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.

PHẤN KHỞI ĐƯỢC DẠY – HỌC TIẾNG KHMER

Thực hiện chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về việc đưa ngôn ngữ dân tộc thiểu số vào giảng dạy tại các trường học, từ năm 1995, trường Tiểu học Thuận Hòa 2 (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) đã đưa môn tiếng Khmer vào chương trình chính khóa. Điều đặc biệt nhất ở ngôi trường này là có trên 80% học sinh là dân tộc Khmer. Qua 17 năm đào tạo tiếng Khmer, ngôi trường đã trở thành cái nôi trong phong trào dạy và học song ngữ Việt – Khmer của thành phố.

 

 

Tiết học chữ Khmer ở trường Tiểu học Thuận Hòa 2. Ảnh: V.T

 

Để duy trì và phát triển môn tiếng Khmer trong năm học 2012 – 2013, nhà trường tiếp tục đưa vào giảng dạy cho 2 khối lớp 3 và 4 với hơn 215 học sinh theo học. Trường có 2 giáo viên phụ trách dạy tiếng Khmer, dạy mỗi lớp 12 tiết/tuần. Ông Trương Văn Hồ, Hiệu trưởng trường, cho biết: “Có thêm môn tiếng Khmer, cả thầy và trò đều nhiệt tình dạy và học. Khi ra trường, các em đều biết đọc và biết viết chữ Khmer. Nhiều phụ huynh và bà con trong xóm ấp thấy vậy cũng phấn khởi lắm!”.

 

Song, theo ông Hồ, mặc dù sự nhiệt tình dạy và học không thiếu, nhưng trang thiết bị và đồ dùng dạy học phục vụ cho môn tiếng Khmer còn rất thiếu thốn. Số đầu sách giáo khoa, tranh ảnh minh họa… không đủ cho học sinh học. Lý do, số dụng cụ này đều phải đăng ký mua từ Bộ GD-ĐT, trong khi số lượng phát hành thì hạn chế.

Em Sơn Thị Như, học sinh lớp 4/2, bày tỏ: “Nhờ học chữ Khmer trong trường từ rất sớm nên bây giờ em đã đọc chữ trôi chảy. Em sẽ có điều kiện tìm hiểu văn hóa, bản sắc dân tộc mình nhiều hơn qua sách, báo”.

Tuy nhiên, bất cập hiện nay trong công tác này là số tiết dạy môn tiếng Khmer theo quy định vẫn còn quá ít và các hoạt động ngoại khóa còn hạn chế nên hiệu quả chưa cao và chưa đồng đều. Thầy Thạch Thái – người có thâm niên dạy chữ Khmer ở trường, cho rằng: “Được dạy tiếng Khmer ở trường là niềm tự hào và vinh dự của bản thân. Vì thế, dù khó khăn, tôi vẫn cố gắng dạy tốt để các em giữ gìn được ngôn ngữ của dân tộc mình”. Để khắc phục khó khăn trên, nhà trường đã mở lớp dạy có lồng ghép trò chơi dân gian của người Khmer vào trong tiết học. Đối với giáo viên dạy chữ Khmer, hàng năm không chỉ được cấp sách giáo khoa, mà còn được đưa đi bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ ở cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc nhằm mang lại hiệu quả giáo dục cao hơn đối với môn học này.

GÓP PHẦN GIỮ GÌN BẢN SẮC VĂN HÓA

Trong chuyến về thăm và làm việc với tỉnh Bạc Liêu gần đây, ông Ksor Phước, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội đã biểu dương tỉnh Bạc Liêu trong việc đưa chương trình dạy chữ Khmer vào hệ thống các trường học. Ngoài việc học kiến thức phổ thông theo chương trình chuẩn của Bộ GD-ĐT, tỉnh rất quan tâm đến việc giáo dục tiếng dân tộc thiểu số, nhất là đầu tư chương trình sách giáo khoa mới. Ông Ksor Phước cho rằng, chủ trương đẩy mạnh giáo dục tiếng dân tộc thiểu số luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Đây là điều kiện tốt để đồng bào dân tộc thiểu số giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.

Theo Sở GD-ĐT, thực hiện chủ trương của Bộ GD-ĐT, học sinh tham gia học môn tiếng Khmer từ trước đến nay đều được cấp phát sách giáo khoa miễn phí. Và kể từ tháng 8/2010, ngoài chế độ lương chính, giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số còn được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc bằng 0,3% so với mức lương tối thiểu chung theo quy định tại Nghị định 82 ngày 15/7/2010 của Chính phủ. Đó là nguồn động viên rất lớn giúp cho phong trào dạy và học song ngữ Việt – Khmer trong trường học ở TP. Bạc Liêu cũng như toàn tỉnh luôn khởi sắc và phát triển.

 

(Baobaclieu)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Cao Xuân Thu Ngọc 
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo