Phát triển thương mại – dịch vụ: Để văn hóa trở thành động lực

Đã đăng vào 13/06/2013 lúc 9:53

Với vị trí là trung tâm hành chính của tỉnh, TP. Bạc Liêu được coi là trung tâm thương mại – dịch vụ, nơi cung cấp hàng hóa cho các địa phương trong và ngoài tỉnh. TP. Bạc Liêu cũng là điểm thu hút nhiều du khách đến tham quan, vui chơi, giải trí. Do vậy, việc xây dựng văn hóa thương mại không chỉ là nhu cầu tất yếu, mà còn là điều kiện không thể thiếu để TP. Bạc Liêu tạo vị thế, góp phần xây dựng hình ảnh về một Bạc Liêu hiếu khách – văn minh – lịch thiệp.

Cần xây dựng văn hóa bán hàng…

Ngay từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 01 và 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng TP. Bạc Liêu trở thành thành phố xanh – sạch – đẹp, văn minh và phát triển mạnh về du lịch… TP. Bạc Liêu đã nêu cao khẩu hiệu “hiếu khách – văn minh – lịch thiệp”. Nhất là khi Bí thư Tỉnh ủy – Võ Văn Dũng đề ra chủ trương “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa” thì càng làm sinh động thêm tư tưởng này. Trong khuôn khổ bài viết chỉ bàn về văn hóa thương mại – dịch vụ để làm rõ thêm vai trò và ý nghĩa của văn hóa đối với thực hiện chủ trương trên.

 

 

Khách du lịch mua khô mực tại khu du lịch Phật bà Nam Hải (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.D

Có thể nói, việc xây dựng văn hóa thương mại – dịch vụ trên địa bàn TP. Bạc Liêu hiện nay là rất cần thiết. Bởi thực trạng trong nhiều năm qua cho thấy, TP. Bạc Liêu tuy là trung tâm thương mại – dịch vụ nhưng vẫn chưa thể hiện được tính chuyên nghiệp và chưa phát huy được hiệu quả từ lĩnh vực này. Cụ thể là việc kinh doanh, mua bán hàng hóa ở các khu du lịch vẫn còn mang tính tự phát theo kiểu “đến hẹn lại lên”. Nghĩa là chưa hình thành được những điểm bán hàng quy mô, có thương hiệu và sẵn sàng phục vụ du khách, mà tồn tại dưới dạng “ăn theo” mùa lễ hội. Từ đó, vẫn còn hiện tượng chèo kéo khách, nói thách, tự kêu giá và chưa tạo được những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng.

 

Ngược lại, ở thị xã Châu Đốc (tỉnh An Giang), món mắm vốn trở thành đặc sản của địa phương được đăng ký thương hiệu và phục vụ du khách 24/24 giờ. Hoặc ở tỉnh Tây Ninh có bánh tráng Trảng Bàng, muối tôm được đóng gói trông thật bắt mắt và cũng được bày bàn ở các khu du lịch…

TP. Bạc Liêu có rất nhiều sản phẩm, đặc biệt là các loại đặc sản từ biển như: khô mực, khô cá kèo, ruốc khô, cua biển… nhưng lại được bày bán theo kiểu… chợ trời. Đơn cử như khô mực của Bạc Liêu rất ngon, nhưng lại không được đóng gói mà lại để trên một tấm nylon bán nên không được khách du lịch nước ngoài ưa chuộng. Vì một trong những tiêu chuẩn để khách du lịch lựa chọn hàng hóa chính là thương hiệu có xuất xứ, có bao bì, đóng gói, được kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm…

Qua đó cho thấy, khi kinh doanh thiếu chuyên nghiệp, giá trị hàng hóa sẽ giảm xuống rất nhiều, cũng như chưa thể hiện được văn hóa trong bán hàng. Vì văn hóa trong bán hàng không đơn thuần là chất lượng mà còn ở tính thẩm mỹ, hay nói cách khác là việc làm thể hiện sự tôn trọng đối với sản phẩm do chính mình tạo ra và ngay cả người tiêu dùng. Một khách “VIP” hay những người có văn hóa, ít ai lại ngồi chồm hổm để lựa hàng, hoặc đem tặng cái được gọi là đặc sản mà chẳng có bao bì đóng gói, được bày bán không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy, xây dựng văn hóa bán hàng, ngoài việc tiếp đón khách niềm nở, không nói thách… còn phải quan tâm đến tính thẩm mỹ của hàng hóa. Chắc chắn du khách rất vui lòng khi mua được những loại hàng hóa được bày bán ở những cửa hàng có thương hiệu, có bao bì, đóng gói một cách bắt mắt, thay vì kinh doanh theo kiểu truyền thống lâu nay. Đó cũng là việc làm thể hiện sự hiếu khách và văn minh thương mại.

…Và tạo lợi thế cạnh tranh

Bạc Liêu đi lên từ văn hóa, trong đó có phát triển mạnh về thương mại – du lịch. Đây là một việc làm rất khó trong điều kiện hạ tầng phát triển chưa đồng bộ và thiếu những sản phẩm du lịch mang tính điển hình. Do vậy, Bạc Liêu phải tạo cho mình lợi thế cạnh tranh riêng, mà lợi thế ấy không thể bắt đầu từ cơ sở vật chất, mà chính bằng văn hóa độc đáo của địa phương. Hay nói cách khác chính là bản sắc văn hóa tinh túy nhất của Bạc Liêu để văn hóa trở thành động lực. TP. Bạc Liêu tuy chưa có nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, nhưng sẽ thật sự cuốn hút du khách vì lòng hiếu khách và sự lịch thiệp. Điều đó sẽ được thể hiện bằng chữ tín trong kinh doanh, không tự hét giá, luôn làm vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi, để mỗi khi nhắc đến thương mại – dịch vụ du lịch của TP. Bạc Liêu thì du khách luôn xem đây là nơi mua sắm lý tưởng nhất.

Xây dựng nét đẹp văn hóa bán hàng cũng đồng nghĩa với việc TP. Bạc Liêu tạo nên cho mình một lợi thế cạnh tranh riêng, nhằm khắc phục những hạn chế về thương mại – dịch vụ của một thành phố trẻ. Muốn làm được điều này, TP. Bạc Liêu cần bắt tay ngay vào việc tổ chức lại các hệ thống dịch vụ, ngành hàng gắn với xây dựng văn hóa bán hàng, văn minh thương mại. Đồng thời, cần thành lập và nhân rộng hơn nữa các mô hình, câu lạc bộ tiểu thương bán hàng hiếu khách – văn minh – lịch thiệp như một số địa phương đã làm trong thời gian qua. Trong đó, cần quan tâm đến chất lượng và nội dung sinh hoạt, tránh tình trạng thành lập theo kiểu cho có phong trào, không phát huy được hiệu quả. Có vậy, văn hóa mới trở thành động lực và góp phần cho thương mại – dịch vụ ngày càng phát triển.

(Baobaclieu)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Lâm Hồ Sỹ
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo