Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phấn đấu đưa GDP tăng 10-11% trong năm 2013
Đã đăng vào 23/01/2013 lúc 7:07 Theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, năm 2013, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phấn đấu đưa mức tăng trưởng GDP từ 10 – 11%, tương đương năm 2012.
Để hoàn thành chỉ tiêu trên, ĐBSCL đầu tư 212.000 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, ưu tiên hoàn thiện hệ thống giao thông thủy bộ, cảng biển, cảng sông, cảng hàng không, hệ thống thủy lợi phục vụ trồng lúa, màu, cây ăn trái, nuôi thủy sản, dân sinh, phục vụ mở rộng sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến là thế mạnh hàng đầu của vùng. ĐBSCL đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành các dự án lớn như: khí- điện – đạm Cà Mau, nhà máy nhiệt điện Ô Môn nhằm cung cấp đủ điện cho sản xuất tại các trục công nghiệp: Long An-Tiền Giang-Cần Thơ; Cần Thơ-Sóc Trăng-Bạc Liêu-Cà Mau; Cần Thơ-An Giang-Kiên Giang.
ĐBSCL liên kết với thành phố Hồ Chí Minh, miền Đông Nam bộ tăng cường chế biến thủy sản, lương thực, thực phẩm, nâng lên tinh chế bằng giải pháp đổi mới công nghệ, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, thiết lập hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm đồng bộ và quản trị chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Các tỉnh ven biển đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến thủy hải sản, thức ăn nuôi gia súc, tôm cá. Các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ đẩy mạnh chế biến cá da trơn. Bến Tre chế biến dừa; Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ chế biến trái cây. Các tỉnh có nguồn nguyên liệu mía, dứa tập trung chế biến đường, dứa đóng hộp, nước quả cô đặc. Riêng Kiên Giang tập trung sản xuất xi măng, An Giang khai thác đá, cát xây dựng. Đồng Tháp phát triển công nghiệp gắn liền với đường Hồ Chí Minh và xuất hàng sang Campuchia. Cần Thơ phát triển công nghiệp nặng, công nghiệp công nghệ cao, cơ khí, sản xuất nông ngư cơ, hàng tiêu dùng xuất khẩu, các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, có giá trị gia tăng lớn… nhằm đưa giá trị công nghiệp chế biến năm 2013 đạt trên 180.000 tỉ đồng.
ĐBSCL phát triển nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, thâm canh dựa trên lợi thế của từng tiểu vùng; hình thành các vùng cây chuyên canh có năng suất, chất lượng cao, đặc biệt là lúa, cây ăn trái, cây công nghiệp ngắn ngày, trước hết là vùng rừng ngập mặn ven biển, Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu, bán đảo Cà Mau.
ĐBSCL đẩy mạnh đẩy mạnh đào tạo nghề và đào tạo cán bộ chuyên môn có trình độ cao bằng cách nâng cấp nhiều trường đại học, thành lập thêm một số trường cao đẳng, đẩy mạnh đào tạo cán bộ kỹ thuật, giải quyết tốt những vần đề bức xúc về xã hội; trong đó, ưu tiên giải quyết việc làm cho 400.000 lao động, đưa thêm hàng ngàn hộ vào định cư tại các cụm, tuyến dân cư vượt lũ./.
(Báo điện tử ĐCSVN)