Đổi thay trong cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số
Đã đăng vào 14/10/2014 lúc 10:51Những năm gần đây, thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng tập trung đông đồng bào sinh sống trong tỉnh luôn được các ngành chức năng ưu tiên nguồn vốn để đầu tư hạ tầng giao thông, các công trình thủy lợi, kéo lưới điện quốc gia để phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Nhờ vậy, cuộc sống của đại đa số đồng bào ngày càng có bước phát triển, hộ nghèo từng bước thoát nghèo một cách bền vững, số hộ khá giàu tăng lên.
Hiệp Thành là xã vùng ven của thành phố Bạc Liêu, được xếp vào danh mục xã bãi ngang ven biển, nằm trong chương trình mục tiêu ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng đặc biệt của Chính phủ. Cũng như một số nơi trong tỉnh, xã Hiệp Thành có 3 dân tộc Kinh, Hoa và Khmer sống đan xen trong các xóm, ấp, trong đó có hơn 500 hộ là đồng bào dân tộc Hoa và Khmer. Cuộc sống của đồng bào trong xã chủ yếu là chuyên canh rau màu và trồng cây ăn trái. Nhiều năm về trước, do chưa được đầu tư hạ tầng đồng bộ để phục vụ sản xuất, cộng với giao thông cách trở, giá cả đầu ra các sản phẩm nông sản bấp bênh nên số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây còn khá cao. Thế nhưng, một vài năm gần đây, nhất là từ khi được Nhà nước đầu tư công trình thuỷ lợi, hệ thống giao thông, kéo điện lưới quốc gia, chuyển giao khoa học kĩ thuật trong sản xuất cũng như được hỗ trợ vốn vay ưu đãi, nhiều hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số trong xã đã hăng hái mở rộng sản xuất, nhất là mô hình trồng xen canh rau màu dưới tán cây ăn trái, mô hình chuyên canh các loại rau màu theo thời vụ hiệu quả kinh tế khá cao.
Theo ông Thái Hán Trung, người dân tộc Hoa, ngụ ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành, trước đây khi chưa có điện lưới quốc gia, việc trồng rẫy của gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn, do hàng ngày phải gánh nước để tưới rau màu. Vì vậy, dù có đất rẫy nhiều cũng không dám mở rộng sản xuất. Những năm gần đây, có điện từ lưới quốc gia, lại được các ngành chức năng hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng nên ông làm rẫy rất thuận lợi, cuộc sống khấm khá hơn trước nhiều.
Hàng chục năm sống ở ấp Giồng Giữa, xã Hiệp Thành, Ông Trần Văn Ngàn người dân tộc Khmer đâu nghĩ rằng một ngày nào đó xóm ông có điện lưới quốc gia và đường bê tông thẳng tắp như hôm nay. Ông Ngàn cho biết, trước đây mỗi khi đến kỳ thu hoạch rau màu phải chở bằng xuồng ra đến lộ gần cả chục km để bán cho thương lái, còn bị ép giá nên làm rẫy quanh năm giỏi lắm cũng chỉ đủ ăn. Những năm gần đây đã khác trước nhiều, vừa có đường, lại vừa có điện, còn được cán bộ hướng dẫn kĩ thuật nên trồng rau bây giờ cho năng suất cao hơn trước, thu nhập cũng khá hơn, cuộc sống cũng không còn khó khăn.
Theo UBND xã Hiệp Thành, nhờ được hưởng các chương trình đầu tư về kết cấu hạ tầng, sự hỗ trực tiếp về cây, con giống cho sản xuất, cùng với sự phấn đấu của đồng bào dân tộc thiểu số nên thời gian qua số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số trong xã giảm rõ rệt, đặc biệt nhiều hộ trong số này đã thoát nghèo một cách bền vững. Mục tiêu mà xã đề ra là đến cuối năm nay sẽ phấn đấu đưa hộ nghèo trong xã xuống còn dưới 50 hộ và phấn đấu đến năm 2015 sẽ không còn hộ nghèo./.