Kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng
Đã đăng vào 06/09/2012 lúc 11:18Thông tin này được đưa ra tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, vừa diễn ra hôm qua (5/9).
Tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 nhằm đánh giá tính hình kinh tế xã hội từ đầu năm đến nay, dự báo cả năm và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2013, đồng thời thống nhất các biện pháp tập trung chỉ đạo và điều hành nền kinh tế trong thời gian tới.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định: Kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng qua cũng như dự báo 9 tháng tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đúng hướng khá toàn diện trên các lĩnh vực. Các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh vừa đúng, vừa trúng, giải quyết căn bản và cốt lõi các vấn đề đặt ra và đang phát huy hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (thứ hai từ trái) chủ trì phiên họp |
Nếu như tháng 6 và tháng 7 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm “âm” thì đến tháng 8 đã tăng 0,63% so với tháng trước và dự báo cả năm nay CPI khoảng 6-7%; điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng đã chủ động và linh hoạt dẫn dắt thị trường nên các mức lãi suất điều hành đã giảm nhanh với tổng mức giảm từ 4-5%/năm, phù hợp với diễn biến lạm phát, kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ;
Đầu tư công đạt kế hoạch đề ra; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành cũng chuyển biến tích cực qua từng tháng và đến tháng 8 đã tăng 4,1% so với tháng trước; kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay ước đạt 82 tỷ USD còn nhập siêu chỉ bằng 0,6% tổng kim ngạch xuất khẩu…vvv.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các thành viên Chính phủ cũng tập trung phân tích rõ khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế cần tập trung chỉ đạo quyết liệt. Nổi lên là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, nhất là tăng tín dụng thấp, đồng nghĩa với doanh nghiệp, nền kinh tế còn khó khăn và cản trở tốc độ tăng trưởng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Theo báo cáo, mỗi tháng 2%, từ nay đến cuối năm tổng dư nợ của nền kinh tế tăng khoảng 8% bằng phân nửa kế hoạch, con số này nói lên việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp khó khăn, thanh khoản của nền kinh tế khó khăn, tốc độ tăng trưởng chậm, các ngân hàng cần chú ý vấn đề này, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có khả năng sản xuất phục hồi”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng phân tích rõ thách thức đối với nền kinh tế và trong điều hành của Chính phủ liên quan đến xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng; thu chi ngân sách đạt thấp, nhất là nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu; nhập siêu tuy thấp nhưng không lành mạnh. Thủ tướng lưu ý nếu không quản lý tốt, cân đối đủ các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu… sẽ gây cú sốc đối với thị trường; mặc dù tăng trưởng Quý sau cao hơn Quý trước nhưng vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra, trong khi đó công nghiệp tăng chậm so với cùng kỳ…
Cùng với tập trung tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc nảy sinh, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách Chính phủ đã đề ra mới đạt được cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế xã hội trong cả năm nay. Trong đó Thủ tướng lưu ý tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh mà chủ yếu là tín dụng hướng vào nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa; kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 7%; tập trung giải ngân đầu tư công theo đúng kế hoạch đề ra…
Trên cơ sở ý kiến tại phiên họp và dự báo của các bộ, ngành chức năng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các thành viên Chính phủ đã đóng góp nhiều ý kiến xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ và các chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2013.
Mục tiêu tổng quát là tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; không để lạm phát cao trở lại; củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân đối với môi trường đầu tư kinh doanh và sự ổn định của nền kinh tế; phấn đấu tăng trưởng hợp lý khoảng 6%; quyết liệt đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng; tiếp tục bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; mở rộng quan hệ đối ngoại; giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội./.