Giải pháp COC cho biển Đông
Đã đăng vào 31/05/2012 lúc 9:41Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN diễn ra vào hai ngày 10 và 11-1 tại Campuchia đã chính thức khởi động việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.
COC được trông đợi sẽ thay thế Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) cũng như bản hướng dẫn thực thi DOC.
Tàu chiến USS Freedom của hải quân Mỹ – Ảnh: Reuters |
Một trong những lý do quan trọng mà các nước phải nghĩ đến một văn kiện tiến xa hơn DOC là vì DOC không phải là một điều ước quốc tế và không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý. Nó chỉ là thể hiện sự cam kết chính trị, ràng buộc các quốc gia về mặt đạo đức. Đồng thời nó cũng không có một cơ chế đảm bảo thực thi một cách chặt chẽ. Trong khi đó, COC lại là một công cụ pháp lý vững chắc đảm bảo ổn định, hòa bình trên biển Đông.
COC tiến bộ hơn DOC vì COC có giá trị pháp lý bắt buộc, nhưng như thế vẫn chưa đủ.
Hiến chương Liên Hiệp Quốc là một điều ước cơ bản, phổ quát trong luật quốc tế, có giá trị cao hơn các điều ước quốc tế khác. Hiến chương này nghiêm cấm việc sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực và yêu cầu giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình (điều 2.3, 2.4 và chương VI của hiến chương). Thế nhưng, bằng việc dùng vũ lực để chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và một phần Trường Sa năm 1988, Trung Quốc đã vi phạm rõ ràng những quy định này. Hành động bạo lực này của Trung Quốc lại không bị trừng phạt bởi một chế tài pháp lý nào.
Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển quốc tế (UNCLOS) là một công ước vô cùng quan trọng, hoàn toàn mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, hiện đã được 162 quốc gia phê chuẩn. Vậy mà những yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông hoàn toàn trái với những quy tắc cơ bản của công ước này. Vi phạm trắng trợn nhất của Trung Quốc đối với UNCLOS là nước này đã vẽ đường cơ sở thẳng xung quanh quần đảo Hoàng Sa và ra yêu sách về đường chín đoạn hình chữ U (đường lưỡi bò) chiếm hơn 80% diện tích trên biển Đông.
Thậm chí yêu sách trái cơ sở pháp lý một cách trắng trợn này lại còn được Trung Quốc đệ trình lên Liên Hiệp Quốc, khi họ gửi thư lên tổ chức này vào ngày 7-5-2009 để phản đối đăng ký thềm lục địa mở rộng của Việt Nam và Malaysia. Sự vô lý này của Trung Quốc lại không thể được đưa ra xét xử.
Những quy định cơ bản của luật quốc tế có giá trị bắt buộc cao như vậy mà Trung Quốc vẫn bỏ qua, thì không có gì để tin rằng Trung Quốc là một chủ thể đáng tin cậy trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế, và càng không đáng tin cậy khi nước này hành xử trên biển Đông, nơi mà Trung Quốc đã liên tục vi phạm luật pháp quốc tế và cũng là nơi Trung Quốc tuyên bố là “lợi ích cốt lõi” của họ. Do đó, dù là COC được ký trong tương lai có giá trị bắt buộc về mặt pháp lý, thì cũng chưa chắc gì COC đó sẽ được Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc.
Do vậy, để bảo đảm giá trị thi hành và được tuân thủ nghiêm chỉnh trong tương lai, COC cần có thêm hai điều kiện.
+ Cần có cơ chế để các bên có thể khởi kiện ra Tòa án công lý quốc tế trong trường hợp có tranh chấp liên quan đến việc giải thích hay thực thi COC. Trong quá trình đàm phán và ký kết COC, các quốc gia trong tranh chấp cần đưa vào văn kiện này một compromissory clause. Điều khoản này sẽ giúp bất kỳ quốc gia ký kết nào của COC cũng có quyền khởi kiện bên ký kết khác một khi bên ký kết khác đó không tuân thủ các quy định của COC.
+ Cần đưa COC ra đàm phán trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Việc đàm phán COC trong khuôn khổ ASEAN – Trung Quốc như hiện nay hẳn sẽ khó khả thi, bởi lẽ các nước ASEAN sẽ không đủ mạnh để gây áp lực với Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc phải chấp nhận nhiều điều khoản ràng buộc. Do vậy, để có thể đạt được một COC như thế, cần đàm phán văn kiện đó trong một khuôn khổ có sự tham gia hay xúc tác của Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc. Thượng đỉnh Đông Á là một khuôn khổ lý tưởng để thực hiện điều này. Những nước này và các nước khác trong khu vực rất quan ngại đến tình hình tranh chấp trên biển Đông, và có khi chính họ cũng là đối tượng bị chính Trung Quốc quấy nhiễu trên biển Đông.
Thượng đỉnh Đông Á hiện có 18 thành viên, bao gồm 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, và có thêm Mỹ, Nga kể từ tháng 11- 2011.
Thượng đỉnh Đông Á ra đời sau thất bại của Nhật trong vai trò đối trọng với Trung Quốc ở ASEAN+3 (ASEAN, Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc) nhằm xây dựng một khu vực mậu dịch tự do Đông Á không nằm dưới sự thống trị của Trung Quốc.
Đối với tranh chấp trên biển Đông, trong số những thành viên của thượng đỉnh Đông Á, Trung Quốc là một bên tranh chấp mạnh bạo nhất trên biển Đông. Còn một bên là các nước khác có quyền lợi thiết thân liên quan đến hòa bình và an ninh trên biển Đông. Riêng Mỹ là nước từng tuyên bố an ninh trên biển Đông là lợi ích quốc gia của mình.
Chỉ thông qua thượng đỉnh Đông Á, các bên liên quan mới có thể buộc Trung Quốc chấp nhận đưa vào COC những điều khoản, trong đó vừa đảm bảo giá trị ràng buộc về mặt pháp lý của COC, vừa có cơ chế để có thể khởi kiện ra Tòa án công lý quốc tế một khi có tranh chấp liên quan đến việc giải thích và thực thi COC trên biển Đông.
Hai đề xuất của Philippines Trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc cho biết COC không có khả năng giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển Đông. Tuy nhiên, COC sẽ trở thành hướng dẫn để các nước khu vực ứng xử cho đến khi các tranh chấp chủ quyền được giải quyết. Theo ông Thayer, ASEAN đang bị chia rẽ về hai đề xuất của Philippines đối với COC. Thứ nhất là tách các khu vực có tranh chấp ra khỏi khu vực không bị tranh chấp và xúc tiến phát triển, khai thác chung tại các khu vực đang có tranh chấp. Thứ hai là đưa cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS vào COC. Những nước phản đối hai đề xuất này cho rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận chúng. Giáo sư Thayer cho rằng nếu COC không có hai đề xuất này thì sẽ chỉ là một tuyên bố chính trị tự nguyện yếu ớt giống như DOC mà thôi.
|
(Tuoitre)