Phải bỏ bệnh “nghiện” thành tích tăng trưởng
Đã đăng vào 19/10/2011 lúc 15:26Một trong những mục tiêu quan trọng cho giai đoạn sắp tới là ưu tiên kiềm chế lạm phát, theo đó chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trình Quốc hội quyết định cho năm 2012 dự kiến từ 6-6,5%.
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định như vậy tại hội thảo “Triển vọng kinh tế thế giới và chính sách ứng phó của Việt Nam”, do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Ngân hàng Thế giới tổ chức ngày 18-10.
Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo – Ảnh: V.V.T |
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng tình hình kinh tế thế giới sắp tới còn nhiều khó khăn, do đó cần tập trung tái cơ cấu nền kinh tế với ba lựa chọn trước hết là: đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính. “Để quá trình tái cơ cấu có thể diễn ra, trước hết cần ổn định nền kinh tế… Trong đó, năm 2012 cần gạt bỏ căn bệnh nghiện thành tích tốc độ tăng trưởng” – ông Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi về việc cấu trúc lại hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính (theo hướng sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng thương mại) liệu có đặt ra chỉ tiêu về số lượng không, chẳng hạn giảm 1/2 hay giảm 1/3, ông Lê Xuân Nghĩa (phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia) nói ngắn gọn “không”.
Theo ông Nghĩa, trong cuộc làm việc của thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia thì thống đốc đã dùng một hình ảnh để nói lên điều đó như sau: “Vấn đề không phải là ngân hàng to hay ngân hàng nhỏ, mà ngân hàng to hay nhỏ đều phải khỏe, nghĩa là không có bệnh tật. Tốt nhất là vừa to vừa không bệnh tật. Nếu to mà đầy bệnh tật thì không hay bằng nhỏ mà không có bệnh gì”. Ông Nghĩa nói: “Vì vậy ở đây không coi vấn đề cắt giảm hoặc tìm cơ hội loại bỏ ngân hàng nhỏ là một tiêu chí của chương trình tái cơ cấu”.
Ông Võ Trí Thành (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) cho rằng việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng phải giải quyết được một số vấn đề lớn về mặt kỹ thuật, như: phải đảm bảo trong quá trình tái cấu trúc thì hệ thống ngân hàng vẫn hoạt động bình thường; cần làm rõ bên chịu trách nhiệm chi phí trong quá trình xử lý vấn đề nợ, tài sản xấu, đặc biệt liên quan đến bất động sản…
Ông Trần Xuân Giá (nguyên bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư) nói thông thường các nước vốn đầu tư đi qua ngân hàng chỉ chiếm dưới 50%, còn chúng ta là trên 90%, “lẽ ra hệ thống ngân hàng chỉ nên gánh 50 cân thì ở đây phải gánh đến 90 cân, như vậy tới đây cần mở ra các định chế tài chính khác ngoài ngân hàng”.
Theo tài liệu tại hội thảo, dự kiến chính sách tiền tệ trong thời gian tới vẫn theo hướng chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, ổn định nhằm nâng cao giá trị đồng tiền. Kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp, trước mắt trong năm 2012 dự kiến ở mức 14-16%, các năm tiếp theo đến năm 2015 sẽ điều chỉnh quanh mức như 2012. Kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng ở mức thấp, dự kiến năm 2012-2015 tăng trưởng bình quân 15-17%/năm. Điều chỉnh cơ cấu tín dụng và nâng cao hiệu quả tín dụng theo hướng tập trung vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, khu vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu…
Liên quan đến tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng nên tập trung ở khu vực dịch vụ công, hiện nay có thể tính đầu tập đoàn kinh tế không nhiều, nhưng tính các tổng công ty con và các công ty con thì con số không giảm đáng kể so với trước đây 5-10 năm. Với quyết tâm chính trị lần này, vấn đề căn bản là phải giảm được về mặt số lượng doanh nghiệp nhà nước thì mới mong cải tiến về chất lượng.
Về phương pháp tái cấu trúc, kinh nghiệm cho thấy trước hết là tái cấu trúc tài chính, làm rõ các vấn đề liên quan đến nợ, bảng cân đối tài sản; tiếp đó tái cấu trúc tổ chức, hoạt động và toàn bộ cơ chế quản lý… Cuối cùng là tăng cường công tác giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước.
(V.Thanh/Tuoitre)