TP. Bạc Liêu: Chưa phát hiện chất tạo nạc trong thịt heo
Đã đăng vào 22/03/2012 lúc 8:54Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin về một số cơ sở chăn nuôi heo sử dụng chất tạo nạc trong thịt heo. TP. Bạc Liêu là nơi tiêu thụ nhiều thịt heo nhất tỉnh, và thông tin cho heo ăn chất tạo nạc đã làm ảnh hưởng đến sức tiêu thụ thịt ở các chợ trên địa bàn.
Sức mua thịt heo giảm
Từ việc phát hiện một số hộ chăn nuôi ở tỉnh Đồng Nai và Bình Phước sử dụng chất tạo nạc trong heo thuộc nhóm Beta-Agonists đã làm người tiêu dùng quay lưng với thịt heo. Song, trên thực tế, thịt heo được phát hiện có chứa hormon tăng trưởng (còn gọi tăng trọng, chất kích nạc) chỉ rất ít, do các cơ sở chăn nuôi lén lút sử dụng, chứ không phải tất cả nguồn thịt heo bán trên thị trường đều có nhóm Beta-Agonists.
Cán bộ thú y TP. Bạc Liêu kiểm tra thịt heo bán ở chợ Xóm Mới (TP. Bạc Liêu). Ảnh: M.Đ |
Ngày 20/3, trao đổi với phóng viên Báo Bạc Liêu, ông Lê Văn Hùng, Phó chánh Thanh tra Sở NN&PTNT, cho biết: “Trước thông tin này, Thanh tra Sở NN&PTNT phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra chất tạo nạc thịt heo trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là TP. Bạc Liêu. Qua kiểm tra, không phát hiện trường hợp nào có chất tăng nạc trong thịt heo”.
Tuy các ngành chức năng tỉnh và TP. Bạc Liêu kiểm tra chưa phát hiện chất tạo nạc thịt heo, nhưng thông tin sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã khiến nhiều người tiêu dùng lo ngại. Hiện giá heo hơi trên địa bàn TP. Bạc Liêu liên tiếp giảm, từ mức 52.000 đồng/kg xuống còn 44.000 – 46.000 đồng/kg. Tại các chợ, sức tiêu thụ thịt heo giảm hẳn, giá cũng giảm từ 10.000 – 15.000 đồng/kg. Theo chị Phương, tiểu thương bán thịt heo ở chợ Xóm Mới (phường 1, TP. Bạc Liêu): “Do nghe thông tin heo ăn chất tạo nạc nên người tiêu dùng đã hạn chế sử dụng thịt. Gần một tuần nay, thịt heo bán chậm hơn so với trước đây”.
Không chỉ tiểu thương, mà người chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Giá heo hơi liên tục giảm làm người chăn nuôi không có lãi, thậm chí bị lỗ. Nếu cứ xảy ra tình trạng như vậy sẽ gây ảnh hưởng tới người chăn nuôi chân chính, buộc họ không nuôi heo và đến giữa năm chúng ta lại phải lo thiếu thịt, lo bình ổn giá.
Người tiêu dùng không nên quá lo
Theo cơ quan chức năng, các hoạt chất trong nhóm Beta-Agonists là chất nằm trong danh mục cấm nên chắc chắn có ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng. Tuy nhiên, với điều kiện là phải sử dụng với liều lượng nhiều thì mới nguy hại.
Thông tin về chất tạo nạc trong heo ở tỉnh Đồng Nai là có, nhưng chất này chiếm tỷ lệ rất thấp. Bạc Liêu hoàn toàn không nhập heo hơi ở tỉnh Đồng Nai nên người tiêu dùng không nên quá lo. Không phải tất cả thịt heo siêu nạc tiêu thụ trên thị trường hiện nay đều nhiễm chất cấm. Theo Trạm thú y TP. Bạc Liêu, toàn thành phố có tổng đàn heo là 13.000 con, đáp ứng từ 30 – 40% lượng thịt cung ứng cho thị trường trong tỉnh. Còn lại từ 60 – 70% lượng thịt nhập chủ yếu là ở các huyện Vĩnh Lợi và các tỉnh Sóc Trăng, Cần Thơ, Hậu Giang.
Theo khuyến cáo của ngành chức năng, khi đi chợ, các bà nội trợ cũng có thể tự phân biệt được loại thịt nào được nuôi theo cách thông thường, loại thịt nào sử dụng thức ăn tăng trọng bằng việc quan sát màu sắc và đặc điểm thịt. Trong đó, người tiêu dùng có thể tránh mua những loại thịt heo có mông và vai nở to, bắp thịt cuộn lên một cách khác thường. Còn thịt đã qua thái cắt thì có thể phân biệt bằng quan sát tỷ lệ nạc trên miếng thịt. Theo đó, thịt sử dụng chất tăng trọng có tỷ lệ nạc quá nhiều, màu hơi sậm, nạc gần như dính vào da. Trong khi thịt heo nuôi cho thức ăn thông thường có màu hồng tươi, phần mỡ khá nhiều.
(Baobaclieu)