Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Đã đăng vào 21/03/2012 lúc 14:35
Ngày 20/3, tại trụ sở Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác triển khai Cuộc vận động năm 2012.
Năm 2011, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, doanh nghiệp đã nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về mục đích, ý nghĩa Cuộc vận động. Ban Chỉ đạo các cấp đã chủ động tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền, đoàn thể tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Cuộc vận động với các hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp tình hình thực tế ở địa phương, đơn vị. Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp đã nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện Cuộc vận động… Thông qua Cuộc vận động, từng bước hình thành nét đẹp văn hóa trong sản xuất và sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt, dần xóa bỏ tâm lý sính hàng ngoại trong một bộ phận nhân dân. Theo số liệu nghiên cứu mới đây của Công ty Nielsen về xu hướng tiêu dùng, có đến 90% người tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ lựa chọn hàng Việt; Thành phố Hà Nội là 83%… Cuộc vận động đã đóng góp không nhỏ vào việc nâng tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước. Đây là kết quả đáng khích lệ của nền kinh tế trong điều kiện suy thoái kinh tế toàn cầu. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Cuộc vận động vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm. Nhận thức của không ít cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị – xã hội các cấp còn hạn chế, bất cập, từ đó buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Các cơ chế, chính sách, giải pháp trong quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy sản xuất, phân phối lưu thông và tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh cho hàng hóa thương hiệu Việt đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng chưa thật tốt. Đặc biệt là công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng gian lận thương mại, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh, an toàn thực phẩm… gây băn khoăn, lo lắng trong nhân dân và ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức biên tập tài liệu tuyên truyền về Cuộc vận động còn chậm, chưa định hướng nội dung tuyên truyền… Tại buổi giao ban, các đại biểu cũng cho rằng, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là cơ hội để khẳng định thương hiệu của nền kinh tế và những tiềm năng, lợi thế của đất nước, từ sản xuất đến tiêu dùng. Các đại biểu cũng xác định, việc xóa bỏ tâm lý sính hàng ngoại là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều phía cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng… Phát biểu tại buổi giao ban, đồng chí Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động khẳng định: Cuộc vận động đã tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức sản xuất và tiêu dùng của người Việt Nam. Cuộc vận động không chỉ góp phần đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trên mọi lĩnh vực của nền kinh tế mà còn đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của đất nước, góp phần thúc đẩy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc trong mỗi người dân Việt Nam. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch Huỳnh Đảm đề nghị, sau hội nghị giao ban, các thành viên của Ban Chỉ đạo tập trung xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, không ngừng nâng cao nhận thức của mỗi cấp, mỗi ngành trong hệ thống chính trị, phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng đặc biệt của mình. Bên cạnh đó, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong thực hiện Cuộc vận động, gương mẫu đi đầu trong mua sắm, ưu tiên sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt. Rà soát, bổ sung và xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu Việt; hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá, đặc biệt là doanh nghiệp dịch vụ phân phối đưa hàng về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa… Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cũng lưu ý các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cần phối hợp mạnh mẽ hơn nữa với các cơ quan thông tấn, báo chí để đưa công tác tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động lên tầm cao mới. Đồng thời tăng cường công tác quản lý thị trường, đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, hàng gian lận thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ… Sau buổi giao ban, Ban Chỉ đạo sẽ tổ chức 4 đoàn kiểm tra việc thực hiện Cuộc vận động tại một số địa phương, đơn vị, Tập đoàn, Tổng Công ty trên địa bàn cả nước./. |
||
(Báo điện tử ĐCSVN) |