Kính “chặn bức xạ máy tính” chỉ loè người cả tin

Đã đăng vào 06/03/2012 lúc 10:29

Một loại kính mắt được quảng cáo là có thể ngăn cản các loại tia UV có hại đang trở thành tâm điểm chú ý của dân văn phòng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khó có một loại kính mắt nào có thể ngăn chặn được bức xạ của máy tính, thiết bị điện tử.

Kính "vạn năng"

 
Trên các trang bán hàng qua mạng, hàng loạt các loại kính được quảng cáo là chống tia bức xạ, không mỏi mắt nhức mắt, tiếp xúc với máy tính bao lâu tùy thích… được rao bán nhan nhản. Với giá khoảng vài triệu đồng/chiếc, những chiếc kính này được cho là có tác dụng "vạn năng", chống được tất cả các loại tia có hại cho mắt.
Kính mắt không ngăn được bức xạ máy tính - ảnh minh hoạ
Kính mắt không ngăn được bức xạ máy tính – ảnh minh hoạ

KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, khó có loại kính nào có thể ngăn được hết bức xạ từ máy tính. Diện phát xạ của máy tính thường lớn, phát xạ theo hình sin. Do đó, chỉ một đôi kính mắt thì không ngăn chặn được sóng của bức xạ này. Hơn nữa, nếu không bị các tật về mắt mà sử dụng kính thì sẽ rất mỏi mệt, dù có là loại kính siêu nhẹ.

 
Vì thế, khuyến cáo đưa ra là nên sử dụng màn hình ngăn bức xạ cho máy tính hơn là đeo kính ngăn bức xạ khi ngồi trước máy tính. Đối với màn hình máy tính, cứ bật màn hình lên là phát ra các tia bức xạ. Nguồn gốc gây ra bức xạ của máy tính khác với điện thoại di động. Tín hiệu trên màn hình được hình thành từ những tia điện tử, khi tia đó phát sáng là tạo ra bức xạ điện từ. Đối với máy tính màn hình phẳng, bức xạ phát ra trong khoảng 90cm.

Theo TS Vũ Bằng, Công ty Cổ phần Nghiên cứu môi trường tia đất bảo vệ sức khoẻ, chỉ có thể ngăn chặn bức xạ từ máy tính bằng các vật liệu hấp thụ bức xạ trong phạm vi của máy tính. Các vật liệu  này chắc chắn không thể "trộn" vào nguyên liệu để làm ra kính mắt được.

chỉ có thể ngăn chặn bức xạ từ máy tính bằng các vật liệu hấp thụ bức xạ trong phạm vi của máy tính.
Sử dụng màn hình ngăn bức xạ cho máy tính hơn đeo kính ngăn bức xạ.

"Né" tia bức xạ không khó

 
Để tránh bức xạ của máy tính, theo KS Nguyễn Huy Bạo, nên chỉnh vừa vặn độ sáng của màn hình bởi độ sáng của màn hình càng lớn thì tia bức xạ điện từ càng mạnh. Nhưng cũng không nên chỉnh màn hình quá tối sẽ gây ra cận thị và mệt mỏi cho mắt. Trồng hoặc để mấy chậu hoa thủy tiên hoặc chậu cây xương rồng ở bên cạnh máy tính, vì hoa thuỷ tiên có tác dụng "hấp thụ" tia bức xạ. Điều đáng chú ý là máy tính càng cũ thì bức xạ càng lớn.
Các chuyên gia cho rằng, mọi người thường lo lắng về những tia bức xạ độc hại từ màn hình máy tính nhưng thực sự thì lượng bức xạ này thường thấp hơn mức tối đa cho phép. Màn hình nên được đặt cách mắt 50 – 60cm và tâm của màn hình nên đặt thấp hơn tầm mắt từ 10 – 20cm vì mắt của chúng ta chỉ làm việc thoải mái khi chúng ta liếc nhẹ xuống khi đọc sách cũng như khi làm việc gần. Nếu màn hình thấp hơn hoặc cao hơn vị trí này sẽ làm cho ta hay bị mỏi cổ gáy và vai. Nếu buộc phải đeo kính thì nên dùng loại tròng có chống tia phản xạ (tròng chống loé) vì sẽ làm giảm bớt lượng ánh sáng phản xạ từ 2 bề mặt kính đeo gây mệt mỏi thị giác. Kính đeo mắt phù hợp sẽ giúp chúng ta rất nhiều khi sử dụng máy tính. Nó giúp ta tránh khói nhức mỏi mắt, đau đầu mỏi gáy, và mỏi cổ…

TS Vũ Văn Bằng cũng cho biết, ảnh hưởng của bức xạ máy tính dễ thấy nhất là người sẽ rất mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu nếu tiếp xúc quá nhiều với máy tính, điện thoại hay xem ti vi trong thời gian dài. Mức độ phát xạ có hại được tính theo thứ tự giảm dần là điện thoại di động, máy tính, ti vi. Cái hại tích lũy này thì chỉ sau 5 – 10 năm sẽ biểu hiện, có thể sinh ra những bệnh nghiêm trọng.

Khi dùng máy tính, tốt hơn hết bạn nên lắp tấm màn hình bảo vệ để giảm nhẹ nguy hại của tia bức xạ, trong phòng cũng không nên đặt những vật mang tính kim loại, để tránh hình thành nên sóng điện từ liên tiếp phát đi phát lại.
 
(Bee)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Cao Xuân Thu Ngọc 
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo