Tăng giá viện phí: Không được thu thêm tiền của bệnh nhân
Đã đăng vào 15/02/2012 lúc 9:49Theo BHXH Việt Nam, khi áp dụng khung giá viện phí mới thì chi phí khám chữa bệnh sẽ tăng thêm 26%.
Tuy nhiên, các bệnh viện (BV) sẽ không được thu thêm tiền của người bệnh dưới bất kỳ một hình thức nào. Ngoài ra, còn nhiều quy định mới liên quan đến tăng viện phí vừa được ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam thông báo chiều 14/2.
Thưa ông, Bộ Y tế luôn nói đến tăng viện phí sẽ đảm bảo công bằng cho người bệnh, ông có thể cho biết rõ hơn về việc này, đặc biệt đối với bệnh nhân BHYT?
– Việc tăng viện phí lần này có một trong số các mục tiêu là giảm bớt khó khăn cho các BV, làm sao để khi cung cấp dịch vụ y tế các BV vẫn thu lại được đủ chi phí đã bỏ ra. Ở chiều ngược lại, việc tăng viện phí cũng sẽ đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, không gây áp lực cho họ. Phía BHXH Việt Nam đã đề nghị các BV ở tất cả các tuyến không được thu thêm bất cứ một khoản nào của người bệnh dưới bất kỳ hình thức nào.
Nhưng làm sao người bệnh biết được mình bị thu thêm viện phí trái nguyên tắc? Đâu là nơi để bệnh nhân phản ánh sai phạm khi phát hiện BV cố tình "móc túi" mình, thưa ông?
– Trước hết, bệnh nhân phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH để bảo vệ quyền lợi của chính mình, phản ánh cho giám định viên tại các cơ sở y tế. Khi đó, giám định viên sẽ có trách nhiệm can thiệp với BV, đồng thời báo cáo lại cơ quan chủ quản, tức là BHXH Việt Nam. Tùy vào mức độ sai phạm (nếu có), chúng tôi sẽ can thiệp nhằm đảm bảo quyền lợi tối đa cho người bệnh. Rất đơn giản để người bệnh biết được thế nào là thu thêm, thế nào là không. Chỉ cần người bệnh chú ý, xem xét mức giá trong Bảng giá dịch vụ thường được công khai tại các cơ sở y tế. Ví dụ, mức giá công khai cho 1 dịch vụ A là 40 triệu đồng thì bệnh nhân đúng tuyến sẽ được BHYT chi trả cho 80% chi phí khám chữa bệnh, người bệnh chỉ phải cùng chi trả 20%, tức là người bệnh chỉ phải nộp thêm 8 triệu đồng. Nếu bệnh nhân thấy BV yêu cầu nộp tới 15 triệu đồng thì đó là sai và cần tìm đến giám định viên BHYT để yêu cầu bảo vệ quyền lợi.
Cùng với việc tăng viện phí, thì mức đóng BHYT sẽ được đề xuất lên 5% lương cơ bản (hiện nay là 4,5%)?
– Để đảm bảo nguồn lực chi trả, khi kinh phí dự phòng không đủ, chúng tôi sẽ đề nghị Chính phủ nâng mức đóng BHYT lên 5% lương (Luật Bảo hiểm cho phép tăng lên 6% lương). Tuy nhiên, từ nay đến hết năm 2012 sẽ chưa điều chỉnh mức tăng này. Sang năm 2013, BHXH Việt Nam sẽ cân nhắc tiếp, nhưng quan điểm của chúng tôi, dù muốn tăng hay không cũng phải đảm bảo nguồn tài chính chi trả cho BV.
Theo mức giá viện phí mới, bệnh nhân phải nằm giường ghép chỉ phải trả 50% tiền giường, thế bệnh nhân nằm giường xếp, hay nằm ở hành lang thì có phải trả tiền giường không, thưa ông?
– Tăng viện phí là một trong những biện pháp hướng tới giảm tải BV, hướng tới công bằng cho người bệnh, khi đó bệnh nhân không phải nằm hành lang. Tuy nhiên, việc giảm tải cần phải có giải pháp đồng bộ, phải có lộ trình. Trước mắt, nhiều BV xác định sẽ vẫn phải nằm ghép. Bộ Y tế cũng đã tính toán rất minh bạch khoản này, nếu phải nằm giường ghép, hành lang, cũng chỉ mất một phần tiền giường. Tiền giường không đơn giản chỉ là tiền nằm trên chiếc giường đó, mà đó cũng là một bệnh án, sử dụng đủ các dịch vụ, chi phí khác của BV.
Xin cảm ơn ông!
Chấp thuận chủ trương tăng giá viện phí mới Chính phủ đã chấp thuận với chủ trương tăng giá viện phí mới do liên bộ Y tế – Tài chính – LĐTB&XH đề xuất. Theo đó sẽ tăng giá khoảng 400 dịch vụ y tế. Cuối tháng 2, đầu tháng 3/2012, Bộ Y tế sẽ làm việc với các Bộ liên quan để ban hành thông tư điều chỉnh giá các dịch vụ y tế. Theo thông báo mới đây của Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế cũng cần tính toán với Bộ Tài chính để đảm bảo cân đối Quỹ BHYT. Đối với nhóm người nghèo, diện gia đình chính sách vẫn duy trì đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT. Trong trường hợp mức đồng chi trả lớn, cần nghiên cứu để có biện pháp hỗ trợ của Nhà nước, giúp các nhóm này giảm bớt khó khăn. Dự kiến giữa tháng 4 mức viện phí mới này sẽ được áp dụng. |
(Kinh tế & Đô thị)