CÔNG TỬ BẠC LIÊU – SỰ THẬT VÀ GIAI THOẠI (kỳ 20)
Đã đăng vào 25/11/2011 lúc 10:22Trần gia có một người rể, chồng cô Sáu Đông, em ruột Trần Trinh Huy, làm cách mạng, nhưng Ba Huy không dám xem đó là chiếc phao cứu cánh cho họ Trần, bởi nhiều duyên cớ. Người con rể đó của Trần Trinh Trạch tên là Phan Kim Cân. Cân là một con người đặc biệt, khi Ủy ban Hành chánh kháng chiến thành lập, Cân được Việt Minh giao làm Ủy viên Tài chánh Ngân khố tỉnh Bạc Liêu. Phan Kim Cân vốn xuất thân từ một gia thế nổi tiếng tỉnh Bạc Liêu, là cháu nội của Bá hộ Bì, tên giấy tờ là Phan Hộ Biết. Phan Hộ Biết vừa là đại điền chủ, vừa là “Vua lúa gạo”, “Vua muối” tỉnh Bạc Liêu. Tất cả những sở ruộng muối từ Vĩnh Châu đến Gành Hào xưa kia vốn là sở hữu của Phan Hộ Biết – đó là cái thuở người ta gọi Bạc Liêu là tỉnh muối. Phan Kim Cân là “dân cậu”, có tên trong danh sách của nhóm Công tử Bạc Liêu. Cân ăn chơi cũng vào hàng “cao thủ võ lâm”. Có một giai thoại do Phan Kim Khánh, con ruột của ông kể như sau: Một bữa, Cân cưỡi ngựa thong dong vào thăm điền Vĩnh Hưng, đến một bờ sông gặp một cô gái đang rửa chân, khi cô gái ngẩng mặt lên thì hồn Cân thẫn thờ, tứ chi tê liệt, đến đỗi buông cương ngựa hồi nào không hay. Cân thảng thốt: Làm sao mà ở cái xứ “quê mùa” này lại có một nàng con gái đẹp như thế ? (Sau này, Phan Kim Cân mới biết đó là con gái của Bá hộ Bành Tòng Mậu – một điền chủ khá lớn ở vùng này). Cân liền quày ngựa về Bạc Liêu, lấy ca nô, xách theo súng chạy vào, nhào lên bờ cõng cô gái xuống ca nô dong thẳng về Bạc Liêu. Nhà ông Bá hộ Bành Tòng Mậu, rồi cả điền, đánh trống, mõ nổi lên, trai đinh rượt theo Phan Kim Cân, nhưng không đuổi kịp. Sau đó, họ kiện quan và tung tin rằng con gái họ bị Phan Kim Cân – một tên côn đồ cướp mất. Thế nhưng sau đó, người con gái này ở với Cân có con, được Cân hết mực thương yêu, cho làm vợ hai, thì gia đình ông Bá hộ Bành Tòng Mậu nguôi giận dần dần.
Phan Kim Cân ăn chơi là thế nhưng trong sách “Bạc Liêu xưa và nay” của Huỳnh Minh cho rằng nhóm Công tử Bạc Liêu ai cũng đáng khen, bởi Cân giàu có, xuất thân từ tầng lớp thượng lưu nhưng Cân trọng nghĩa khinh tài, ai hoạn nạn, Cân cũng ra tay giúp, đặc biệt là những cán bộ cách mạng thì được Cân cưu mang, chăm sóc đặc biệt. Khi chí sĩ Nguyễn An Ninh đến Bạc Liêu thì được Cân mời về nhà hậu đãi và giúp đỡ đủ điều.
Ngay từ năm 1936, Cân đã có cảm tình với cách mạng và hoạt động trong một đoàn thể do Việt Minh vận động thành lập, rồi sau đó chính thức tham gia Việt Minh. Khi Bạc Liêu bị Pháp chiếm đóng, Cân đã rũ bỏ vàng son để theo cách mạng ra bưng biền trường kỳ kháng chiến. Khi lực lượng cách mạng xuống tàu tập kết ra Bắc, Phan Kim Cân đã đưa con trai mình là Phan Kim Sơn đi theo đoàn quân ấy.
Trần Trinh Huy không dám xem Cân là một chiếc phao của dòng họ Trần Trinh bởi còn mấy lẽ như sau: Phan Kim Cân vốn có bà con, gọi là bà Phan Thị Muồi – vợ Trần Trinh Trạch – là cô ruột, thế nên giữa Cân và Trần Trinh Huy là bà con cô cậu. Và tất nhiên, Phan Kim Cân và Trần Thị Đông, em ruột Ba Huy cũng là bà con ruột. Thế mà Cân lại yêu bà Sáu Đông và sau này, bà Đông là vợ của Cân. Có nhiều lần, Trần Trinh Huy và Trần Trinh Khương đón đường định hành hung, hỏi tội “loạn luân” của Phan Kim Cân, thế nhưng họ chẳng làm gì được Cân bởi Cân đi đâu cũng mang một con chó bẹc-giê rất to và rất khôn. Mối tình ngang trái ấy đã không được Trần gia chấp nhận.
Thứ hai, ông Phan Hộ Biết là cha vợ của Trần Trinh Trạch, bằng thủ đoạn cho vay, dần dần Trần Trinh Trạch đã chiếm gần hết toàn bộ tài sản của Phan Hộ Biết như ruộng muối, ghe chài, các sở điền… khiến cho cha ruột của Phan Kim Cân không còn thừa hưởng tài sản ấy được bao nhiêu… Chính vì lẽ đó, nên giữa họ Trần và Phan Kim Cân không được thân thiện.
(Baobaclieu)