CÔNG TỬ BẠC LIÊU – SỰ THẬT VÀ GIAI THOẠI (kỳ 19)

Đã đăng vào 24/11/2011 lúc 10:05

Năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời. Từ năm 1935 – 1945, Đảng Cộng sản phát triển khá mạnh ở địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Là đảng của những người lao động, của lớp tá điền nghèo khổ, Đảng chủ trương chống ngoại xâm và cởi ách thực dân phong kiến. Lúc bấy giờ, nông dân ở Bạc Liêu vô cùng cực khổ, Nhật hất cẳng Pháp, nhảy vào thôn tính nước ta. Nếu ở ngoài Bắc, nạn đói làm chết hàng triệu người, thì ở Bạc Liêu, Nhật bắt nông dân 5 – 6 gia đình phải xài chung một con dao. Có nhiều gia đình đói khổ phải ăn cám hoặc đào củ hủ chuối mà ăn cho đỡ đói. Còn bọn địa chủ thì vẫn tiếp tục ăn chơi, lúa vẫn đầy ắp trong các lẫm lúa ở những đồn điền. Trước tình hình đó, Đảng bộ địa phương chủ trương và lãnh đạo tá điền vùng lên phá các lẫm lúa để cứu đói, rồi tranh thủ, khống chế bọn địa chủ phải xóa tô, giảm tức cho tá điền từ 25 – 70%. Có những địa chủ ác ôn còn bị bắt thối tô cho tá điền. Trong vụ mùa năm 1952 – 1953, tại huyện Giá Rai, địa chủ đã thối tô cho nông dân 24.290 giạ lúa. Mặt khác, chính quyền cách mạng đã tịch thu đất địa chủ tạm cấp cho dân nghèo. Đến năm 1946, toàn tỉnh Bạc Liêu đã có 95% nông dân được cấp đất, kể cả vùng nội ô thị xã. Như được khơi gợi đúng cái mạch khát vọng ngàn đời là được làm chủ mảnh ruộng, thửa vườn, lập tức, đại bộ phận tá điền cùng khổ đã đứng lên. Tại Giá Rai, một nông dân đã vác dao chém bay đầu mụ địa chủ Hòa Khện vì trước đó 2 ngày mụ đã bất chấp chủ trương của Việt Minh vào “vét nồi giũ ống” tá điền ở Long Điền mấy ngàn giạ lúa. Đó là nhát dao của kẻ suốt đời bị đày đọa, vùng lên.

Tại nhà lầu ở điền Bàu Sàng của Trần Trinh Huy (trước đó, khi Nhật hất cẳng Pháp tiến vào Bạc Liêu, Trần Trinh Huy cho gia đình “lưu” tài vật quý giá của nhà lớn ở Bạc Liêu chở mấy ghe lườn to vào chất đầy nhà lầu Bàu Sàng), tá điền nổi lên phá lẫm lúa, đập phá tài vật trong nhà rồi đốt nhà lầu. Những người tham gia trận đập phá nhà lầu bây giờ còn sống kể: “Toàn là đồ quý, nào tô tộ bịt bạc của Pháp, rồi bàn ghế danh mộc, tủ cẩn xà cừ…”. Thời đó, tá điền ăn mặc rất khổ, toàn là quần áo bô áo bố, họ đã xông vào nhà lầu, xé lấy bao nệm mang về may quần áo, còn ruột nệm thảy ra, bông gòn đổ đầy sân rộng của nhà lầu, cao hàng mét.

Phần lớn điền đất của Ba Huy, cho tới năm 1945, chính quyền Việt Minh đã tạm cấp cho tá điền. Lúc bấy giờ, uy vũ của Trần gia đã suy giảm rõ rệt. Trần Trinh Trạch – qua đời. Trần gia còn lại 3 người con trai, Trần Trinh Đinh là con trai lớn, sau khi bị phải nộp thuế (thuế nhà máy Hậu Giang) cho cách mạng thì “lính kín” (mật thám Pháp) phát hiện được. Hoảng quá, Trần Trinh Đinh đã cao bay xa chạy lên Sài Gòn, sau đó thì không về Bạc Liêu nữa. Còn Trần Trinh Khương, tên thường gọi là Tám Bò, thì đem gia quyến theo Pháp và định cư sống đến hết đời bên Pháp. Trần gia còn lại một người duy nhất là Công tử Bạc Liêu – Trần Trinh Huy. Thế nhưng, trước tình hình Việt Minh ngày một lớn mạnh, trước khí thế nổi dậy như tức nước vỡ bờ của lớp tá điền, Ba Huy đã nhận ra Trần gia đã đến hồi suy sụp.

(Baobaclieu)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Cao Xuân Thu Ngọc 
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo