Nga nắm vai trò quyết định trong khủng hoảng Syria

Đã đăng vào 27/05/2013 lúc 9:09

Theo mạng tin Oil price ngày 25/5, sau cuộc chiến tranh Iraq, chính sách đối ngoại của Mỹ đã trong một vòng xoắn ốc đi xuống: Washington bị bất ngờ trước "Mùa Xuân Arập" và cường quốc này ngày càng tê liệt và kém hiệu quả. Sự đi xuống này của Mỹ thể hiện rõ nhất trong vấn đề Syria.

 
Tại thời điểm hiện tại, khó có thể cho rằng kịch bản Syria sẽ kết thúc với kết quả thuận lợi cho phía Mỹ. Ngược lại, nhiều khả năng đó có thể sẽ là điều Mỹ không trông đợi, hoặc thậm chí sẽ là một kết quả không phải do Washington quyết định, mà là do Qatar và Arập Xêút – hai nước đang ủng hộ các lực lượng phiến quân Syria – và Nga – đang kiên quyết ủng hộ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad – chi phối.
 
Trong bối cảnh sân khấu quyền lực địa chính trị đang thay đổi, Tổng thống al-Assad đã đưa ra một tuyên bố công khai với một tờ báo Argentina rằng sẽ không có đối thoại với phe "đối lập" bởi tại Syria không có một phe đối lập thống nhất để chính phủ có thể đối thoại.
 
Liệu ông Assad có thể thương thuyết với ai: nhóm cực đoan al-Nusra – được cho rằng có khả năng kiểm soát nhất trong số các lực lượng phiến quân khác nhau, hay một trong những đại diện của Quân đội Syria Tự do (FSA), với các nhà môi giới quyền lực tiềm tàng đang liên tục thay đổi, hay với Hội đồng Dân tộc Syria?

Sẽ không có thỏa thuận ngừng bắn tại Syria, trừ với các điều khoản của ông Assad, và hội nghị thượng đỉnh hòa bình sắp tới do Mỹ và Nga tài trợ tại Geneva sẽ không có kết quả gì, bất chấp họ đưa ra văn kiện gì.
 
Liệu Mỹ có còn muốn một sự thay đổi chế độ tại Syria nếu kết quả của sự thay đổi này sẽ rõ ràng là một chính phủ có quan hệ với al-Qaeda? Washington vẫn chưa chắc chắn và tiếp tục dao động, trong khi các quốc gia khác đang đóng vai trò tiên phong và trung tâm. Trong khi đó, Nga đã biết "chiều gió thổi" và hiểu rằng các cuộc đàm phán tại Geneva sẽ "chết yểu".
 
Mátxcơva đang đánh cược nghiêm túc hơn vào ông Assad và quyết định triển khai thêm tàu chiến và tên lửa chống hạm ở phía Đông Địa Trung Hải, không tính đến một thương vụ bán tên lửa đất đối hạm và tên lửa phòng không cho chế độ Syria.
 
Điều đó có nghĩa rằng sẽ không có thỏa thuận ngừng bắn và không có việc áp đặt một khu vực cấm bay. Đây là một thông điệp rõ ràng với các quốc gia phương Tây và thành viên của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) rằng các cuộc không kích vào các căn cứ của Tổng thống Assad sẽ không được dung thứ.
 
Qatar đang rất muốn có một đường ống dẫn khí đốt từ mỏ khí đốt North Pars của nước này đi qua Syria, và hiện Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất kỳ vọng vào việc Qatar có được đường ống này. Còn đối với Nga, hỗ trợ quân sự hào phóng của nước này có thể góp phần đảm bảo quyền thăm dò và khai thác sinh lợi tại phần của Syria tại Lòng chảo Cận Đông, nếu cuối cùng ông Assad vẫn trụ vững.

Các cuộc bầu cử tại Syria dự kiến diễn ra vào năm 2014 và Nga đang ủng hộ các cuộc bầu cử này như một con đường dẫn đến một tiến trình chuyển tiếp hòa bình.
 
Không phải chỉ riêng ông Assad nghĩ rằng phương Tây và Ixraen muốn một cuộc xung đột kéo dài tại Syria, mà quân nổi dậy ở Syria cũng ngày càng tiến gần đến kết luận này do sự hỗ trợ "lúc có lúc không" mà họ nhận được từ những quốc gia mà họ gọi là đồng minh.
 
Giới phân tích cho rằng quốc gia có lợi duy nhất trong cuộc khủng hoảng ở Syria là Nga. Mátxcơva đóng vai trò như một nhà môi giới quyền lực hiệu quả duy nhất tại Syria và không cần nhượng bộ sức ép của Mỹ trong vấn đề này./.

 

(Vietnam+)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Cao Xuân Thu Ngọc 
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo