Lập trung tâm điều phối quốc gia về hiến mô tạng
Đã đăng vào 18/11/2011 lúc 10:12Điều 36 Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác cũng quy định, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người có nhiệm vụ tiếp nhận và xử lý thông tin về việc hiến, thay đổi hoặc hủy bỏ việc hiến mô, bộ phận cơ thể người; quản lý danh sách chờ ghép mô, bộ phận cơ thể người của quốc gia; điều phối việc lấy, ghép, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển mô, bộ phận cơ thể người…
Bên cạnh đó trung tâm còn quản lý việc cấp thẻ hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác; quản lý các thông tin liên quan đến người hiến, người được ghép mô, bộ phận cơ thể người; điều phối về hiến, lấy và ghép mô, bộ phận cơ thể người giữa các ngân hàng mô và các cơ sở y tế trong phạm vi cả nước.
Chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng theo các chuyên gia y tế, cả nước đang có hàng chục nghìn bệnh nhân mòn mỏi chờ được ghép tạng (tim, gan, thận…). Để có thể đáp ứng nhu cầu này, chỉ có thể trông chờ vào nguồn tạng từ người chết não. Tuy nhiên, số lượng người được ghép vẫn rất ít. Tại bệnh viện Việt Đức trong năm 2010 có hơn 1.000 trường hợp chết não nhưng chỉ có 4 trường hợp hiến tạng.
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, ở Bệnh viện Việt Đức hiện nay có mấy trăm người đang chờ ghép thận, vài chục người đang chờ ghép gan và ghép tim nhưng vì không có nguồn hiến tạng nên nhiều người đã mòn mỏi chờ đợi mãi rồi mất.
Trung tâm Hiến tạng của Bệnh viện Việt Đức – trung tâm hàng đầu của cả nước về ghép nội tạng đã ghép được 74 tạng, trong đó có 1 ca ghép tim, 3 ghép gan (2 gan của nguời chết não), hơn 70 người đã được ghép thận thận (8 thận của người chết não). Tuy nhiên, chỉ có 4 người chết não trong hàng trăm người đuợc tư vấn cho tạng.
Ông Quyết cho hay, nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore… đã lấy được rất nhiều tạng từ nhiều người hiến để cứu người. Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam vấn đề hiến mô, tạng vẫn còn rất khiên tốn./.