Bế mạc Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos: Không có giải pháp đột phá
Đã đăng vào 28/01/2013 lúc 11:22Sau 5 ngày làm việc, Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở khu nghỉ dưỡng Davos Thụy Sĩ đã bế mạc ngày 27-1 với cảnh báo còn rất nhiều việc cần làm để ổn định và phục hồi nền kinh tế thế giới. Viễn cảnh về sự phục hồi kinh tế thế giới còn rất mong manh và phụ thuộc nhiều vào việc giới lãnh đạo cấp cao của các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, EU, Nhật Bản có đưa ra được những quyết định đúng đắn.
Hội nghị năm nay cũng không tránh khỏi các cuộc biểu tình phản đối của người dân. |
Lạc quan dè dặt
Với chủ đề “Năng động và thích ứng”, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2013 đã được đánh dấu bởi tinh thần lạc quan một cách thận trọng về kinh tế thế giới phục hồi, khi dấy lên câu hỏi liệu cuộc khủng hoảng nợ công khu vực đồng euro (Eurozone) đã qua giai đoạn tồi tệ nhất? Trong thời gian diễn ra hội nghị, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã công bố báo cáo mới nhất về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2013, dự đoán kinh tế thế giới có thể đạt tăng trưởng 3,5% so với mức tăng trưởng 3,2% của năm 2012, trong khi tăng trưởng của các nước Eurozone sẽ giảm 0,2% thay vì tăng 0,2% như dự báo trước đó. Theo IMF, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2-2,1% năm 2013 và 3% trong năm 2014. Với kinh tế Nhật Bản, IMF dự báo nước này sẽ tăng trưởng 1,2% trong năm 2013. Trong khi đó, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là 8,2% trong năm nay và Ấn Độ 5,9%.
Giới chuyên môn khuyến cáo đà phục hồi diễn ra trên nhiều cấp độ, với mức tăng trưởng trung bình hằng năm 1% tại các nền kinh tế phát triển và trung bình 5% tại các thị trường mới nổi. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế thế giới vào khoảng 2,3% trong năm 2012 và 2,4% vào năm 2013, sau đó lên 3,1% và 3,3% trong năm 2014 và 2015.
Tại hội nghị, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde đã hối thúc các nhà lãnh đạo thế giới không nên chủ quan sau khi Eurozone đạt được thỏa thuận thành lập Hệ thống chung giám sát các ngân hàng, chính quyền Mỹ tránh được “vách đá tài chính” và 17 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu vẫn phải từng bước ngăn không cho những xáo trộn, rắc rối ở các ngân hàng trở thành gánh nặng cho chính phủ. Còn Giám đốc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi cho rằng, khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể phục hồi vào nửa cuối của năm 2013 và chính sách tiền tệ nới lỏng của ECB đang giúp khu vực đồng euro trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Tuy nhiên, Chủ tịch ECB cũng lưu ý, nền kinh tế châu Âu vẫn còn nhiều bất ổn, các tín hiệu tích cực trên thị trường tài chính chưa tác động nhiều tới nền kinh tế. Sự hồi phục vẫn chậm chạp và vấn đề thất nghiệp chưa thể sớm giải quyết”.
Tranh cãi xung quanh chính sách tiền tệ
Tại hội nghị lần này, các chính sách tiền tệ của các nước lớn vẫn là tâm điểm của các cuộc tranh cãi. Đề cập vấn đề tiền tệ, các đại biểu cho rằng trong ngắn hạn, đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc vẫn chưa có khả năng thay thế đồng USD, trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế. Các đại biểu Mỹ tiếp tục cáo buộc Bắc Kinh thao túng đồng nội tệ, tuy đã cải cách cơ chế tỷ giá hối đoái song vẫn định giá quá thấp đồng NDT khiến hàng xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn, dẫn tới thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ với Trung Quốc.
Những chính sách quyết liệt mà Nhật Bản mới tiến hành trong thời gian qua để kích thích nền kinh tế trì trệ của mình bằng cách tăng gấp đôi mục tiêu lạm phát lên mức 2% cũng bị chỉ trích. Nhiều đại biểu cho rằng những thay đổi mạnh bạo về chính sách của Ngân hàng trung ương Nhật có thể gây ra việc giảm giá trị đồng yên để cạnh tranh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế và Chính sách Tài chánh của Nhật Bản Akira Amari đã bênh vực những mục tiêu lạm phát và phủ nhận sự hiện hữu của một chính sách có tính toán nhằm giảm giá đồng yen. Ông nói trọng tâm của chính sách mới là chấm dứt giảm phát và cho rằng thị trường mới quyết định hối suất tiền tệ.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos ngày 26-1, nhà đầu tư, tỷ phú George Soros, người đặt cược hàng tỷ USD vào các thị trường chứng khoán, khẳng định “một thứ bong bóng tín dụng” đã hình thành nguy cơ và đây là một “vấn đề lớn chưa được giải quyết”. Theo ông Soros, lẽ ra có thể rút các khoản tín dụng bổ sung (được các chính phủ bơm vào) khi nền kinh tế vận hành, nhưng việc này đã không được thực hiện. Do đó, hình thành một nỗi sợ hãi rằng việc này có thể dẫn đến lạm phát. Ông cảnh báo nỗi sợ hãi này đang đặc biệt mạnh mẽ ở Đức.
Những gì thế giới có thể mong đợi tại hội nghị lần này là sự trao đổi quan điểm giữa các nhà lãnh đạo nhằm đem lại một hành động cụ thể. Song, hội nghị đã kết thúc với những cảnh báo mới mà không có giải pháp hay hành động cụ thể nào. Do vậy, kết quả vẫn còn chờ thời gian.
(SGGPO)