CÔNG TỬ BẠC LIÊU – SỰ THẬT VÀ GIAI THOẠI (kỳ 9)

Đã đăng vào 09/11/2011 lúc 9:40

Ông Trạch có 7 người con gồm: Trần Trinh Đinh, sinh ngày 26/10/1896; Trần Trinh Huy, sinh ngày 27/6/1900; Trần Thị Huệ, sinh ngày 22/6/1902; Trần Thị Thu, sinh ngày 15/1/1904; Trần Thị Đông, sinh ngày 4/1/1906; Trần Thị Dày, sinh ngày 30/6/1911; Trần Trinh Khương (Tám Bò), sinh ngày 1/11/1914.

Nếu ba người con trai của Trần Trinh Trạch phong lưu, hào phóng nổi tiếng thì ngược lại, ông Trạch cả đời chỉ chí thú chăm bẵm lo gầy dựng tiền tài và quyền lực. Ông Trạch chỉ có một vợ và sống với vợ rất thủy chung. Không nghe ai nói gì đến thói gió trăng ong bướm. Có lần ông Trạch lên Sài Gòn tìm Trần Trinh Huy, vì Huy ăn cắp tiền của ông đi chơi, Ba Huy đã tổ chức cho một cô đào rất đẹp hòng đánh bẫy ông già để ông sập bẫy mà tiếp tục moi tiền… Thế nhưng, Ba Huy đã thất bại. Ông Trạch có thói quen mặc bộ đồ mỏng màu trắng, áo như “áo túi” của phụ nữ vào thập niên 50 trở về trước. Ông sống rất cần kiệm. Đặc biệt, bà Phan Thị Muồi – vợ ông lại càng cần kiệm hơn. Bà như ông Thần Tài giữ của nhà họ Trần, suốt ngày bắt ghế bố nằm ngay cửa cái. Con mắt không thể mở như người bình thường mà khi nhìn ai, phải lấy tay vạch mi mắt lên. Bà không bao giờ được ăn thịt mỡ vì ăn vào sẽ ỉa chảy. Bữa cơm của một mệnh phụ nổi tiếng ấy chỉ là ba khía, mắm chưng suốt năm này tháng nọ.

Tất cả ruộng đất của Trần Trinh Trạch gồm 74 sở điền với 110.000ha đất trồng lúa và gần 100.000ha đất muối, sau Cách mạng tháng Tám, chính quyền nhân dân đã tịch thu cấp cho tá điền đến 90%. Suốt thời gian 9 năm kháng Pháp, dòng họ Trần Trinh bị thất thu nặng nề. Thế nhưng đến thời kỳ Mỹ ngụy, chính quyền thực dân mới bằng thủ đoạn chiêu dụ nông dân đã ban hành “Sắc luật 03 – người cày có ruộng”, thế là dòng họ Trần bán đất truất hữu hết chỉ chừa lại 1.000 công ở Cái Dầy để làm đất hương hỏa. Nghe nói lần bán đất này đã mang lại cho nhà họ Trần Trinh một khoản tiền khổng lồ, con cháu họ Trần đã mang số tiền trên gởi nhà băng rồi chia nhau phần lời.

Trần Trinh Trạch qua đời đã phân chia quyền thừa kế rõ ràng. Tài sản ông để lại gồm 3 phần: Điền thổ; bất động sản và tiền trong ngân khố; phần hương hỏa… trong tờ lập hương hỏa, Ty trưởng bảo thủ điền thổ Bạc Liêu ký ngày 10/2/1955, thể hiện như sau: “Phần hương hỏa này sẽ giao cho mỗi người trong số năm người kế nghiệp còn sanh tiền luân phiên nhau thâu hưởng huê lợi đặng lo tu bổ mộ phần ông bà và phụng tự mỗi người là ba năm, bắt đầu là con trai trưởng nam”. Về điền thổ, viên quản thủ điền thổ Bạc Liêu lập “dự di nhượng” như sau: “Căn cứ vào tông chí đề ngày 31/11/1953, do hương chức làng Vĩnh Lợi chứng thực và trước bạ Phòng điền thổ Bạc Liêu ngày 7/12/1953… thì ông Trần Trinh Trạch lúc sanh tiền, điền trú tại Vĩnh Lợi, Bạc Liêu, từ trần ngày 14/3/1943 đã để cho 7 người con kế thừa ông trong tất cả tài sản quyền lợi…”.

Chiếu theo 2 văn tự này, thì Trần Trinh Trạch đã cho tất cả 7 người con của mình được quyền kế thừa toàn bộ tài sản, riêng phần hương hỏa chỉ dành cho 5 người, bởi một người đã chết và một người đã ngụ cư ở Pháp) theo cách: mỗi người được hưởng huê lợi để cúng kiến 3 năm, luân phiên nhau bắt đầu từ con trai trưởng là Trần Trinh Đinh. Người đứng ra điều hành việc phân chia là ông Hen Ri (người Pháp) vốn là quản gia thân tín nhất của Hội đồng Trạch. Ông Hen Ri được hưởng 10% trên lợi tức do việc kinh doanh hằng sản của cụ cố Trần Trinh Trạch mang lại. Đồng thời, ông lại được hưởng 10% khi phân chia quyền thừa kế cho các con ông Trạch không bằng lòng và vì thế số tiền truất hữu điền địa vào thời kỳ Mỹ – ngụy, họ đã chủ trương không rút ra khỏi ngân khố vì sợ ông Hen Ri hưởng 10%. Ông Hen Ri về Pháp sau giải phòng năm 1975, vì được lãnh sự Pháp can thiệp. Ông Hen Ri có vợ Việt, là cháu của Trần Trinh Trạch.

Trần Trinh Trạch qua đời vào năm 1943, lúc mà tình hình chính trị rất bất lợi cho giai cấp điền chủ Bạc Liêu, lúc mà ông không còn quyền uy và tiền bạc đã bắt đầu suy giảm. Thế nhưng, cái đám tang của ông to đến cỡ thành một giai thoại, những người lớn tuổi ở Bạc Liêu hãy còn nhớ rõ. Nhà nước Pháp cử một đội lính lê dương súng ống nai nịt chỉnh tề, đưa ông Trạch từ Sài Gòn về và dẫn đầu đám tang đưa ông ra tận huyệt – gọi là đưa người có Ngũ đẳng Bội tinh đến nơi an nghỉ cuối cùng. Dòng họ Trần Trinh chủ trương không thu tiền phúng điếu và tá điền đến dự đưa tang và để tang được cho 1 cắc tương đương với gần 1 giạ lúa. Tá điền tận Vĩnh Hưng, Bàu Sàng cũng được huy động ra để che rạp và phục dịch. Lúc đó, sông Bạc Liêu hãy còn nhỏ, nên cái sân trước mặt nhà lớn to lắm. Và người ta đã che cái rạp to đến mấy công đất từ mặt tiền nhà lớn đến giáp bờ sông Bạc Liêu. Đám tang được quàn 7 ngày 7 đêm. Ai đến ăn uống cũng được. Dân đi chợ không quen biết gì cũng ghé ăn cơm đám ma. Đặc biệt là đám người ăn xin tận Sóc Trăng xa xôi cũng kéo đến “ăn dầm nằm dề”, coi như họ đã được no nê suốt 7 ngày đêm. Khi đưa tang, thân bằng quyến thuộc, bạn bè và tá điền đi thành một đoàn dài 5 cây số (cái đầu đã đến khu mộ mà cái đuôi còn ở nhà lớn) với xe cộ rầm rầm và hàng trăm tấm giản lẫn tràng hoa. Ba dàn nhạc: Tìa lào cấu (Hoa), Ngũ âm (Khmer) và nhạc đạo tỳ (của người Việt) trỗi lên nghe vui hơn buồn. Có thể nói, đó là một đám tang lớn nhất tính từ khi Bạc Liêu có người chết đến giờ.

Đó là toàn bộ những nét lớn về gia thế của dòng họ Trần Trinh – một đại điền chủ giàu nức tiếng Nam kỳ vào thập niên 40 trở về đầu thế kỷ.

Chính nơi đây đã sản sinh ra một con người cũng cực kỳ nổi tiếng về thói ăn chơi, một người “ngon” nhất Nam bộ… Đó là Công tử Bạc Liêu – Trần Trinh Huy.

(Baobaclieu)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Cao Xuân Thu Ngọc 
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo