Tổng thống Nga Putin đến Israel và Jordan:Tháo ngòi căng thẳng Trung Đông?
Đã đăng vào 26/06/2012 lúc 9:13Ngày 25-6, Tổng thống Nga Putin bắt đầu thăm chính thức Israel và Jordan. Chủ đề chính của chuyến thăm là khủng hoảng Syria, chương trình hạt nhân của Iran, tiến trình hòa bình Israel – Palestine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (bìa trái) và Tổng thống Israel Shimon Peres (giữa) tại TP Netanya, Israel – Ảnh: AFP |
AFP cho biết chiều cùng ngày, ông Putin đã thảo luận với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Shimon Peres. Sau đó, ông đến Bờ Tây hội kiến với lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas về triển vọng tìm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Israel – Palestine. Tổng thống Nga Putin sẽ bay sang Jordan gặp Quốc vương Abdullah Al-Husein II trong hôm nay.
Syria, Iran trên bàn nghị sự
“Chuyến đi của Tổng thống Putin nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Trung Đông đối với Matxcơva và tăng cường hơn nữa vị trí của Nga ở khu vực này. Chủ đề Syria và tình hình xung quanh Iran được thảo luận chi tiết trong các cuộc gặp song phương”- RIA Novosti dẫn lời trợ lý chính sách ngoại giao cấp cao của ông Putin, Yury Ushakov, cho biết.
Matxcơva và phương Tây bất đồng về Syria khi điện Kremlin luôn phủ quyết mọi biện pháp trừng phạt đối với nước này. Một số chuyên gia cho rằng chuyến đi của ông Putin nhằm thăm dò phản ứng của Israel và Jordan về thông tin tàu hải quân của Nga có thể xuất hiện ở Syria. Trước đó, quân đội Mỹ cho rằng Nga đang chuẩn bị triển khai ba tàu chiến đến vùng biển ngoài khơi Syria.
Theo RIA Novosti, Nga đang đẩy mạnh một cuộc thảo luận quốc tế về Syria và sẵn sàng làm việc với Jordan cũng như Liên minh châu Âu (EU), Iran và Iraq. Song giới chuyên gia cho rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ ra đi, dù cộng đồng quốc tế đang kêu gọi ông từ chức. Liệu lần này Tổng thống Putin có thể tháo ngòi căng thẳng ở Syria hay không là một vấn đề then chốt.
“Chuyến đi này rõ ràng có liên quan đến các sự kiện đang dồn dập ở Syria đã kéo dài 15 tháng qua. Không biết những con bài tẩy của ông Putin là gì, nhưng sự thật là ông ấy đã lên tiếng” – trang tin France 24 dẫn lời chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu khoa học của Nga Alexander Filonik nói. Sứ mệnh của ông Putin trong chuyến đi này còn là tìm tiếng nói chung với Israel và Jordan, hai nước có cùng đường biên giới với Syria và đang bị tác động bởi tình hình bạo lực ở Syria.
Jordan đã tăng cường kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn người của Tổng thống Bashar al-Assad cũng như hàng chục ngàn người Syria vượt biên giới vào vương quốc này. “Ông Putin sẽ tìm cách thuyết phục các nước Trung Đông ủng hộ ông Assad. Ông Putin muốn tìm đối tác ở đây bằng một số cam kết trong chuyến công du này” – chuyên gia chính trị thuộc Trung tâm Carnegie ở Matxcơva Alexei Malashenko nhận định.
Cả Israel và Nga đã đồng ý rằng vũ khí hạt nhân của Iran là mối đe dọa đối với Israel và thế giới. Báo Jerusalem Post dẫn lời thủtướng Israel Benjamin Netanyahu yêu cầu Tehran dừng toàn bộ chương trình làm giàu uranium và chuyển toàn bộ chương trình này ra khỏi Iran cũng như dỡ bỏ mọi cơ sở hạt nhân bí mật của mình. Israel và nhiều nước khác cho rằng chương trình hạt nhân của Iran đang che đậy việc nước này sản xuất vũ khí hạt nhân, và Mỹ là quốc gia dẫn đầu trong việc đẩy mạnh trừng phạt đối với quốc gia Hồi giáo này.
NATO họp bàn ứng phó Syria
Trong lúc Matxcơva đang tìm cách tháo ngòi căng thẳng thì Syria một lần nữa trở thành đề tài nóng ở cuộc họp NATO, diễn ra trong hôm nay. Theo Reuters, Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu NATO triệu tập cuộc họp khẩn cấp để thống nhất biện pháp trả đũa Tổng thống Syria Bashar al-Assad, về việc nước này hôm 22-6 đã bắn rơi máy bay do thám RF-4 Phantom của Thổ Nhĩ Kỳ trong không phận quốc tế mà không đưa ra bất kỳ cảnh báo nào. Trước đó, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thảo luận về vấn đề này.
Phương Tây một lần nữa lại dồn dập kêu gọi có hành động mạnh mẽ hơn với Syria. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chỉ trích cuộc tấn công của Syria là trơ tráo và không thể chấp nhận được. Washington sẽ hợp tác chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ để thúc đẩy quá trình chuyển giao quyền lực ở Syria. Các ngoại trưởng EU cũng đã đưa chuyện “máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn hạ” ra bàn thảo ở Luxembourg hôm 25-6. Cùng lúc, Anh cho biết sẽ sẵn sàng ủng hộ một hành động mạnh hơn đối với Syria ở Liên Hiệp Quốc.
Không khí căng thẳng đã khiến Bắc Kinh phải lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế và bình tĩnh phản ứng với Syria. “Trung Quốc đã nhận được các thông tin liên quan và đang theo dõi sát sao diễn biến vụ việc. Tình hình hiện nay trong khu vực đang hết sức phức tạp và nhạy cảm. Chúng tôi hi vọng các bên liên quan thể hiện thái độ bình tĩnh, kiềm chế và thông qua các kênh ngoại giao để đi đến một giải pháp thích hợp, tránh làm căng thẳng leo thang” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân kêu gọi.
(Tuoitre)