Sau tháng 4.2012 sẽ trình thực hiện cải cách tiền lương
Đã đăng vào 11/11/2011 lúc 9:16Trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết hiện Bộ đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án cải cách tiền lương để báo cáo Chính phủ trình Hội nghị Trung ương 5 khóa XI vào tháng 4.2012.
Sẽ có cơ chế lương riêng từng khu vực
Trong nội dung trả lời chất vấn Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi về giải pháp mà Bộ đã tham mưu cho Chính phủ để giải quyết tình trạng tiền lương cán bộ, công chức, viên chức quá thấp hiện nay, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, Bộ đang phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng đề án cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2012 – 2020 để báo cáo Chính phủ trình Hội nghị Trung ương 5 khóa XI của Đảng vào tháng 4.2012.
|
Bộ trưởng đồng thời cho biết định hướng xây dựng cải cách tiền lương thời gian tới, như tách bạch rõ tiền lương của cán bộ, công chức do ngân sách nhà nước (NSNN) đảm bảo và tính trong chi quản lý hành chính Nhà nước.
Tương tự, tiền lương của lực lượng vũ trang do NSNN bảo đảm và tính trong chi quốc phòng, an ninh…; tiền lương đối với người lao động trong DN được thực hiện theo cơ chế riêng và tính trong giá thành sản phẩm của DN.
Lương hưu của người nghỉ hưu trước năm 1995 và trợ cấp ưu đãi người có công do NSNN bảo đảm và tính trong chi NSNN cho an sinh và phúc lợi xã hội. Lương hưu của người nghỉ hưu từ năm 1995 trở về sau do Quỹ Bảo hiểm xã hội bảo đảm.
Ông Bình cũng khẳng định “cải cách chính sách tiền lương phải tiến tới bảo đảm cho cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang sống được bằng tiền lương ở mức trung bình khá trong xã hội; gắn cải cách tiền lương với cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, góp phần phòng chống tham nhũng, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước”.
Đáng chú ý, theo Bộ trưởng, sau khi có kết luận của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền triển khai thực hiện các nội dung của Đề án cho phù hợp với tình hình kinh tế xã hội (KT-XH) của đất nước.
Tuy nhiên, để đảm bảo tiền lương thực tế của cán bộ, công chức, viên chức, Bộ trưởng cho rằng cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc nền kinh tế, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, thực hiện tốt chương trình phát triển KT-XH 2011 – 2015 và các mục tiêu KT-XH giai đoạn 10 năm tới.
Bổ sung biên chế công chức hằng năm là “yêu cầu khách quan”
Bộ Nội vụ khẳng định việc bổ sung biên chế công chức hằng năm theo đề nghị của Bộ, ngành, địa phương là một yêu cầu khách quan.
Cũng theo nội dung trả lời chất vấn của Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi về lý do vì sao chúng ta liên tục đầu tư cho CNTT, nâng cao điều kiện làm việc với mục tiêu cải cách hành chính giảm nhẹ biên chế nhưng thực chất biên chế không giảm mà vẫn tăng cao? Giải pháp đảm bảo biên chế hợp lý nhằm tạo cơ sở cho cải cách chính sách tiền lương?
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết: Trong những năm qua, việc tăng biên chế chủ yếu để tăng cường quản lý Nhà nước về môi trường, đất đai, biển và hải đảo; thi đua, khen thưởng; dân tộc, tôn giáo; du lịch; ngoại vụ; dân số, kế hoạch hóa gia đình; quản lý thị trường…
Ngoài ra, những địa phương có Nghị định của Chính phủ về thành lập mới đơn vị hành chính cấp huyện cũng cần bổ sung, điều chỉnh biên chế để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
“Như vậy, việc bổ sung biên chế công chức hằng năm theo đề nghị của Bộ, ngành và địa phương là một yêu cầu khách quan, do nhu cầu công việc thực tế đòi hỏi trong điều kiện KT-XH ngày càng phát triển toàn diện, sâu rộng, phức tạp và đẩy mạnh hội nhập quốc tế”, ông Bình khẳng định.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng cam kết trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ cùng với các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức theo luật cán bộ, công chức; qua đó xác định biên chế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi và đối tượng quản lý trong từng cơ quan Nhà nước, nhằm tạo cơ sở cho cải cách tiền lương có tính khả thi, đem lại hiệu quả trong thực tế.
(Thanhnien)