Quy định mới về tổ chức, hoạt động của ĐH tư thục
Đã đăng vào 14/11/2011 lúc 8:42Đây là một trong những điểm mới của Quyết định 63/2011/QĐ-TTg được ban hành ngày 10/11 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục ban hành kèm theo Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Quyết định 63/2011/QĐ-TTg, việc cho phép thành lập, cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ, sáp nhật, chia, tách, giải thể trường đại học tư thục thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng giống như Quyết định 61/2009/QĐ-TTg, Quyết định 63/2011/QĐ-TTg quy định việc đầu tư thành lập trường đại học tư thục phải có ít nhất 3 thành viên (tổ chức hoặc cá nhân) tham gia góp vốn điều lệ, trong đó mức góp vốn của mỗi thành viên tối đa là 51% so với vốn điều lệ của trường đó.
Tuy nhiên, Quyết định 63/2011/QĐ-TTg không hạn chế số lượng trường mà mỗi thành viên được tham gia góp vốn điều lệ, còn tại Quyết định 61/2009/QĐ-TTg thì mỗi thành viên chỉ được tham gia góp vốn điều lệ ở không quá 2 trường đại học, cao đẳng tư thục.
Ngoài ra, Quyết định mới cũng nêu rõ, Hiệu trưởng, các Phó Hiệu trưởng trường đại học tư thục phải là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục và Điều lệ trường đại học; không là công chức, viên chức trong biên chế nhà nước; không quá 70 tuổi tính đến ngày ban hành quyết định công nhận Hiệu trưởng của cấp có thẩm quyền (đối với Hiệu trưởng) hoặc khi được bổ nhiệm (đối với Phó Hiệu trưởng). Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo và nghiên cứu khoa học phải có tiêu chuẩn như đối với Hiệu trưởng.
Về cơ quan ra quyết định công nhận Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường đại học tư thục, nếu như Quyết định 61/2009/QĐ-TTg quy định là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Quyết định 63/2011/QĐ-TTg sửa đổi thành Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở ra quyết định công nhận./.