CÔNG TỬ BẠC LIÊU – SỰ THẬT VÀ GIAI THOẠI (kỳ 12)

Đã đăng vào 12/11/2011 lúc 17:28

Vào thập niên 30 của thế kỷ 20, các sở điền mà Trần Trinh Huy thường lui tới là Bàu Sàng, Vĩnh Hưng. Sở điền Vĩnh Hưng có diện tích 3.400 công, còn sở điền Bàu Sàng thì rộng hơn, đến 36.000 công. Vì thế, Trần Trinh Trạch đã cất một ngôi biệt thự kiểu Pháp rất kiên cố tại đây (bị cháy năm 1945, hiện còn nền tọa lạc tại xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Lợi) mà tá điền thường gọi là nhà lầu.

Tại các sở điền này, Trần Trinh Trạch đã đặt quy chế như sau: Cho tá điền thuê ruộng theo kiểu khoán gọn hoặc mướn tá điền về làm ruộng thuê ăn công nhật. Thời ấy, tá điền ở đây phổ biến chấp nhận phương cách thứ nhất. Ruộng tốt thì cho thuê 1,5 giạ một công, ruộng xấu thì 1 giạ.

Tá điền đến mướn ruộng được nhà lầu cho vay lúa giống và lúa ăn, cho mướn trâu để làm mùa và cho vay tiền để gặt hái, giỗ chạp… Coi như họ thực hiện một quy trình đầu tư khép kín. Hễ nhận của nhà lầu 10 đồng thì rồi mùa trả 17,5 đồng, 10 giạ lúa thì trả 15 giạ, còn nhận một đôi trâu thì trả 70 giạ lúa. Sở điền nào Trần gia cũng nuôi mấy chục đến mấy trăm đôi trâu để cho mướn. Xong mùa thì mướn con em tá điền giữ với 50 giạ lúa và 2 bộ đồ vải thô một năm. Có những người con gái giữ trâu từ thời để chỏm đến khi lấy chồng, ngày xuất giá cứ kỳ cọ mãi mà da thịt vẫn còn mùi hôi trâu.

Tại điền Bàu Sàng, đời nông dân là những kiếp đời nghèo hèn cơ cực trải ra trên cánh đồng ngập úng lưu niên. Đó là những mùa cấy của tháng 8 mưa dầm đến thúi đất, người ta ra đồng từ khuya lơ khuya lắc đến đỏ đèn, bàn chân bàn tay thúi móng. Niềm vui là những câu hò vạn cấy vang xa trên cánh đồng lễnh loãng nước vào những sáng tinh mơ và nó cứ tẻ nhạt dần đi theo ngày tháng. Đến mùa gặt, đồng ruộng vui hơn một chút, dân gặt mướn từ miệt Tiền Giang đổ xuống bằng ghe, họ ở nhà này tốp 5 – 10 người, gặt xong thì đi nhà khác. Sau một ngày gặt mướn, khách và chủ nhà bù khú với nhau, hứng chí nữa thì ra bờ sông, kẻ trên, người dưới hò đối đáp. Những mùa ruộng với các loại giống Ba Túc, Nàng Phệch, Trắng Lớn, Tầm Giuộc… kéo rất dài thời gian, gieo mạ tháng 5 âm lịch, cấy tháng 8 âm lịch và cho đến tháng 11 âm lịch mới gặt. Tháng 12 ngố lúa, đạp rơm rồi đong lúa ruộng cho nhà lầu thì Tết nhứt gần kề. Có người làm cả ngàn giạ lúa nhưng khi đong lúa cho chủ ruộng xong thì hạ 4 tấm ván ngựa xuống ví không đầy. Sau cái Tết quê tẻ nhạt, với bàn thờ gia tiên lèo tèo mấy đòn bánh tét và một buổi cơm đạm bạc cúng chiều 30 là tá điền lại đến nhà lầu để vay tiền, vay lúa. Cứ thế, một vòng nghèo khó ắp lẫm quấn lấy đời tá điền. Cả xóm dùng chung cái giếng làng rồi dịch bệnh sốt rét, dịch tả… xảy ra. Dân nghèo đi rước thầy pháp về chữa bệnh. Thầy pháp nhiều hơn thầy lang, cũng như thầy nghề võ, thầy đờn ca nhiều hơn thầy dạy chữ. Thế cho nên, con cháu tá điền đa số không được học hành, không được tiếp cận ánh sáng văn minh.

Giữa cái không gian quê mùa hiu hắt, giữa cái xã hội tăm tối, lạc hậu…, Trần Trinh Huy xuất hiện một cách “sáng rực” và xa lạ. Khác hơn các “dân cậu” của Bạc Liêu là trang phục bà ba lụa soan trắng, Trần Trinh Huy trong com lê: quần tây, áo sơ mi, đội nón nỉ, đi giày da, lưng giắt đồng hồ quả mít Ăng-lê. Thỉnh thoảng, “cậu Ba” đi từ Bạc Liêu vào Bàu Sàng bằng ghe hầu. Ghe hầu là loại ghe trên mui có chạm hình rồng, phụng; trong ghe có sạp gụ, có bàn đèn để hút á phiện và uống trà. Ghe có mướn bạn chèo ghe. Hầu hết các phú hộ và điền chủ ngày xưa đều có ghe này và là phương tiện di chuyển phổ biến ngày xưa của nhà quyền quý. Nhiều ông Bá hộ đi thu lúa ruộng chở theo vợ hai, vợ ba.

Con người Trần Trinh Huy vừa kết hợp cả “dân cậu” lẫn “dân Tây”. Cái “dân Tây” của Trần Trinh Huy là được tiếp cận một nền văn minh ăn chơi đi trước đời sống của con người điền Bàu Sàng mấy chục năm, cho nên phong thái của ông, cách ăn chơi của ông đã làm cho cộng đồng tối tăm này ngỡ ngàng, vì thế nó dễ khắc sâu trong trí nhớ, dễ cho người ta thêu dệt nên những giai thoại. Ba Huy đến Bàu Sàng thường vào hai dịp: cúng rằm tháng bảy và lễ Kỳ yên. Những tá điền còn sống kể rằng, họ thường chạy theo kinh rạch ngoằn ngoèo để xem ghe hầu của Ba Huy vào. Thường thì “cậu Ba” chở theo đào hát hoặc tình nhân vào nhà lầu để trụy lạc vài ba ngày. Ông đi xem sổ sách điền đất mà giống như đi chơi. Vào dịp rằm tháng bảy, Ba Huy tổ chức thí giàn thật lớn. Đồ cúng gồm bánh, trái cây, gà vịt… bày đầy sân nhà lầu. Lại thêm thí gạo bằng thẻ. Không phải chỉ có trẻ con, mà cả người lớn trong điền Bàu Sàng đi giựt giàn ở nhà lầu như đi hội. Trên ban công nhà lầu, cô Hai Lưỡng (Trần Thị Lưỡng – con gái vợ chính thức với Ba Huy, sau có chồng là Nguyễn Duy Quang, Thư ký riêng của hoàng đế Bảo Đại, lúc đó mới 12 – 13 tuổi nhưng tất cả tá điền từ già đến trẻ phải gọi là cô Hai) đứng kế một cần xé bạc cắc loại 1 – 2 xu. Khi cuộc giựt giàn diễn ra rồi đánh lộn với nhau… Những người của nhà lầu, trong đó có Ba Huy, đắc chí cười vang.

Mùa hạn, Trần Trinh Huy gom tá điền lại, bắt họ vác đất đắp cái bàu sen rộng mấy công thành cái nền thật to, cách nhà lầu một cây số rồi cho cất lên 5 căn phố để cho người thân thích thuê bán hàng xén, nhưng đến khi sau tết thì khoảng sân to này được Trần Trinh Huy tổ chức lễ cúng Kỳ yên. Với đầu óc “dân Tây”, Ba Huy cũng là một người biết tổ chức, làm nên những lễ hội lớn tới cỡ chưa từng xảy ra ở Bàu Sàng, mở chợ phiên kéo dài hàng tháng trời, nghĩa là nó kéo dài suốt mùa cúng Kỳ yên. Ba Huy bảo: “Tháng giêng là tháng ăn chơi”. Ba Huy rước về ba gánh hát gồm có hát Việt, hát Khmer và hát Tàu. Tiếng nhạc ngũ âm, tiếng trống chầu, tiếng đàn nhị cứ réo rắt, ò e vang động một góc trời. Dân ở nhiều làng lân cận ùn ùn kéo đến đông nghịch, làm cho sân lễ như nứt ra. Chợ phiên lại có nhiều hàng quán mở ra bày bán thức ăn, vải vóc, hàng xén… lẫn cái sòng bài cào, hốt me, xí ngầu…

Mở màn buổi lễ, nhà lầu làm heo nấu cỗ dọn lên rất nhiều mâm rượu thịt, Ba Huy đứng làm chánh chủ lễ cúng “đất đai dương trạch”, “sơn thần thổ địa”, “cô hồn các đảng”… theo thông lệ của lễ cúng Kỳ yên để tạ ơn việc phù hộ cho quốc thái dân an. Cúng xong, nhà lầu mời hết thảy tá điền ăn nhậu…

Sau đó, Ba Huy tổ chức nhiều trò chơi, ta có, Tây có, như: thí võ đài, các trò chơi dân gian, đặc biệt là “đấu xảo sắc đẹp” và treo giải thưởng hẳn hoi. Giải thưởng có khi bằng tiền, có khi bằng hiện vật như: lúa, vàng và các nông phẩm khác… Những tá điền hiện còn sống ở Bàu Sàng nhớ rất rõ những trò chơi dân gian đó là: nhảy cà ròn (nhảy bao bây giờ), nghĩa là cho chân vào một chiếc bao bố rồi nhảy đến đích để lấy tặng phẩm; hay thả 2 – 3 con vịt xuống ao thật to rồi những người dự thi lặn xuống bắt; hoặc treo tiền trên ngọn cau được bôi trơn bằng mỡ, ai trèo lên được thì lấy…

Hễ hát bộ thì Ba Huy cầm chầu, còn các cuộc thi thì “cậu Ba” làm chánh chủ khảo. Ba Huy lăn xả vào các cuộc chơi, chứng tỏ rằng cái máu ham vui của Công tử Bạc Liêu rất đậm đặc. Chỉ có điều, sau lễ cúng Kỳ yên với những trò chơi nửa Tây nửa ta đó thì tá điền nghèo lại nghèo thêm và người ngợm thêm đổ đốn. Những thú vui chưa từng biết đã kích động họ, xui khiến họ lao vào ăn nhậu, cờ bạc. Có người làm mướn suốt năm tích lũy bỗng trắng tay khi lễ Kỳ yên kết thúc. Thế là lại đi vay tiền của nhà lầu để rồi nợ nần ắp lẫm. Vậy cho nên, ngoài cái ham vui, chắc Trần Trinh Huy còn thâm ý?

Nói cho công bằng, do tánh ham vui, phóng khoáng nên Ba Huy rất rộng rãi. Tá điền không nghe thấy ông đòi nợ ai bao giờ. Ai nghèo quá, năn nỉ, ông còn bớt lúa ruộng. Cho nên tá điền Bàu Sàng ít ai oán ghét Ba Huy…

(Baobaclieu)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Minh Sang 
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo