Phương Tây tăng cường cấm vận Iran
Đã đăng vào 23/11/2011 lúc 14:36Mỹ, Anh và Canada vừa công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với ngành dầu khí và ngân hàng của Iran. Tehran khẳng định cấm vận chỉ là “trò chơi mà cả hai bên cùng thua”.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng tài chính Timothy Geithner công bố các biện pháp trừng phạt Iran – Ảnh: Reuters |
Mỹ đã áp đặt những biện pháp trừng phạt mới đối với Iran, tập trung vào lĩnh vực ngân hàng và dầu khí, đồng thời cảnh báo mọi người trên thế giới đang làm ăn, giao dịch với nước này.
“Iran đã chọn con đường tự cô lập với thế giới” – Tổng thống Mỹ Obama khẳng định và nhắc lại năm 2009, vào đầu nhiệm kỳ của mình, ông đã đề nghị một cuộc đối thoại với nước này.
Bộ trưởng tài chính Mỹ Timothy Geithner, trong một cuộc họp báo cùng Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, cũng khẳng định Iran là một “nguy cơ đáng lo ngại của nạn rửa tiền”, một bước nhằm cấm các ngân hàng nước ngoài đang làm ăn tại Mỹ giao dịch với Iran. “Các cơ sở tài chính của thế giới cần suy nghĩ nghiêm chỉnh về những nguy cơ sẽ gặp phải khi giao dịch với Iran” – ông T. Geithner nhấn mạnh. Dù vậy, Mỹ chưa nhắm tới Ngân hàng Trung ương Iran.
Anh loan báo đã cắt đứt mọi liên hệ giữa các tổ chức tài chính của mình với các ngân hàng Iran. Canada cho biết cũng đã cấm mọi giao dịch với Iran.
Cọng rơm có thể làm gãy lưng lạc đà?
Báo New York Times cho biết Liên minh châu Âu (EU) nhiều khả năng sẽ đạt một thỏa thuận trừng phạt Iran, bao gồm việc đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với 190 cá nhân và tổ chức Iran. EU cũng sẽ áp dụng các biện pháp cấm vận nhắm vào ngành hàng hải Iran. Pháp kêu gọi các cường quốc trên thế giới đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Iran và ngừng mua dầu thô của nước này nhằm thuyết phục Iran từ bỏ chương trình hạt nhân quân sự. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định sẽ còn nhiều quốc gia công bố lệnh cấm vận mới đối với Tehran “trong những ngày tới”.
Đáp trả lại, như Hãng tin FARS cho biết, ngày 22-11 chính quyền Iran đã lên án các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây. “Những hành động này là hành vi gây hấn của Mỹ, Anh, Canada đối với người dân Iran. Chúng đáng bị lên án”- người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast tuyên bố và khẳng định lệnh cấm vận mới của phương Tây sẽ không ảnh hưởng gì lớn đến nền kinh tế Iran. “Đó chỉ là hình thức tuyên truyền và tâm lý chiến”.
Nga cũng chỉ trích các biện pháp trừng phạt mới là “bất hợp pháp” và “không thể chấp nhận được”. RIA Novosti dẫn lời Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh đòn trừng phạt sẽ cản trở nỗ lực đưa Tehran trở lại bàn đàm phán.
Giới quan sát nhận định các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây sẽ không ngăn cản được Tehran tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân. “Liệu đây có phải là cọng rơm có thể làm gãy lưng lạc đà? – AFP dẫn sự so sánh của chuyên gia George Perkovich, giám đốc chương trình chính sách hạt nhân của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Mỹ) – Câu trả lời chắc chắn là không”.
Đôi bên cùng thua
Bộ trưởng thương mại Iran Mehdi Ghazanfari thừa nhận nền kinh tế Iran đang gặp khó khăn. Đòn trừng phạt mới lại nhắm vào ngành hóa dầu, nguồn thu lớn thứ hai của Tehran. Dầu thô là nguồn thu lớn nhất của Iran, lên đến 80 tỉ USD/năm. Bộ trưởng Ghazanfari cảnh báo các biện pháp cấm vận là “trò chơi mà cả đôi bên cùng thua”. Iran sản xuất 3,5 triệu thùng dầu/ngày. Khoảng 30% dầu thô của Iran được xuất sang châu Âu, phần còn lại là sang Trung Quốc và Ấn Độ. Bất cứ trục trặc nào đối với nguồn cung dầu khí từ Iran cũng có thể đẩy giá dầu tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, nhất là khi Mỹ và châu Âu đang lao đao vì suy thoái và khủng hoảng nợ.
Tuy nhiên, như Al Jazeera cho biết, Bộ trưởng dầu thô Iran Rostam Qaesemi lại cảnh báo Tehran sẵn sàng “sử dụng dầu như một công cụ chính trị”. Điều đó có nghĩa là Iran sẵn sàng ngừng xuất khẩu dầu để trả đũa phương Tây nếu bị ép quá mức hoặc bị tấn công quân sự. Nhiều chuyên gia tài chính dự báo giá dầu sẽ lập tức tăng vọt lên 150 USD/thùng. Một số nhà kinh tế cho rằng có thể bù đắp lượng dầu Iran bằng năng lực sản xuất dư thừa của các nước vùng Vịnh như Saudi Arabia, Kuwait, Bahrain, Qatar, UAE và Oman. Tuy nhiên, nếu bị Israel hoặc Mỹ tấn công, Iran vẫn còn có thể ra đòn thứ hai là đóng cửa eo biển Hormuz, nơi qua lại của 40% lượng dầu giao dịch toàn cầu. Trong trường hợp này, kinh tế Iran sẽ thiệt hại nặng vì mất nguồn thu dầu khí, nhưng kinh tế thế giới sẽ chao đảo vì giá dầu tăng. Iran – phương Tây, cả đôi bên sẽ đều tổn thất!
(Tuoitre)