Phát triển giao thông nông thôn: Nhân tố đột phá để phát triển kinh tế – xã hội

Đã đăng vào 18/02/2012 lúc 16:37

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã vận động nhân dân đóng góp tiền và ngày công lao động làm lộ giao thông nông thôn (GTNT). Đến thời điểm này, đường GTNT đã đạt chỉ tiêu ấp liền ấp, xã liền xã. Tuy nhiên, chất lượng các công trình này mỗi nơi lại mỗi khác…

 

 

Năm 2011, Bộ GT-VT đã đặt chất lượng các công trình giao thông lên hàng đầu và triển khai hàng loạt các giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Năm 2012, Bộ GT-VT tiếp tục chọn là “Năm chất lượng công trình”. Điều đó thể hiện một quyết tâm cao trong mục tiêu đảm bảo chất lượng các công trình giao thông!

Niềm vui từ những công trình

Đã thành thông lệ, một trong những hoạt động đầu năm của các huyện là ra quân làm GTNT. Trước, trong và sau Tết, nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức ra quân làm GTNT mùa khô. Tuy nhiên, sau Tết, sinh khí lao động mới thật sự sôi nổi. Có nơi chính quyền địa phương huy động hàng trăm người làm GTNT. Người dân góp công, góp của để cùng Nhà nước làm những tuyến đường với mong muốn việc đi lại được thuận tiện hơn.

 

 

* Xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi) ra quân làm GTNT.

* Xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình) nâng cấp và mở rộng lộ GTNT theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

* Đường GTNT xã Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân) bị nứt do nền đường yếu và thi công không đảm bảo chất lượng. Ảnh: M.Đ

Với sinh khí chung ấy, phong trào ra quân cao điểm làm GTNT, thủy lợi – thủy nông nội đồng ở huyện Hồng Dân đã diễn ra rầm rộ ngay từ những ngày đầu năm. UBND huyện xác định, năm 2012 sẽ là năm bức xúc nhất về công tác GTNT của địa phương. Hồng Dân là một huyện nghèo nên nguồn vốn dành cho GTNT hàng năm là không đáng kể. Bên cạnh đó, hệ thống cầu, đường yếu kém dẫn đến tình trạng giao thông đường bộ luôn không theo kịp nhu cầu phát triển của xã hội. Ông Trương Hồng Châu, Phó phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện, cho biết: “Cuối tháng 1/2012, huyện đã thực hiện xong giai đoạn 1 cao điểm làm GTNT. Phong trào diễn ra sôi nổi, rộng khắp, được nhân dân ủng hộ tích cực”. Kết thúc cao điểm đợt 1, mỗi xã, thị trấn ở huyện Hồng Dân đã làm được từ 5 – 8 công trình với gần 150km đường được phát quang, hơn 90km đường được duy tu sửa chữa, gần 50km lộ đất đen nâng cấp… Tuy nhiên, các công trình này có kinh phí đầu tư rất ít, chủ yếu là huy động nhân dân cùng đóng góp sức lao động. Chị Danh Thị Hiền, xã Ninh Hòa cho biết: “Đường GTNT sạch sẽ, đi lại thuận tiện hơn, con em chúng tôi đi học dễ dàng. Ra quân làm giao thông ai cũng hưởng ứng nhiệt tình”.

 

Cũng trong năm 2012, huyện Đông Hải sẽ đầu tư xây dựng 28 hạng mục công trình cầu, đường với tổng nguồn vốn trên 217 tỷ đồng; duy tu, sửa chữa, nâng cấp 5 tuyến đường khác. Các xã, thị trấn cũng sẽ đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, làm mới 44 tuyến đường và xây 64 cây cầu, ước tính nguồn vốn khoảng 7,2 tỷ đồng. Huyện sẽ huy động từ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, huyện và huy động vốn đóng góp của nhân dân (huy động dân đóng góp khoảng 4,5 tỷ đồng); địa phương sẽ vận động nhân dân sinh sống dọc theo các tuyến đường hiến đất, góp ngày công lao động và tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công.

Chất lượng công trình GTNT: Nơi có, nơi không?!

Điển hình trong phong trào làm GTNT đạt chất lượng phải kể đến ấp Thống Nhất (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình). Trên cơ sở thống nhất chủ trương của Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, hàng năm, xã phát động phong trào làm GTNT với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Trong quá trình triển khai, địa phương đã công khai dự toán từng công trình (phần Nhà nước hỗ trợ, phần đóng góp của nhân dân). Sau đó, các ấp tổ chức họp dân để công bố mức vận động. Các ban, tổ quản lý xây dựng được thành lập, riêng ban giám sát cộng đồng ấp có trách nhiệm giám sát các công trình xây dựng. Nhân dân cử đại diện cùng với Ban giám sát cộng đồng giám sát thi công. Trên thực tế, triển khai làm đường GTNT, khâu khó nhất vẫn là vận động sức dân. Ông Nguyễn Văn Quân, Bí thư chi bộ ấp Thống Nhất, cho rằng: “Trong khi đời sống người dân vẫn còn khó khăn thì mình phải đặt vấn đề đúng với nhu cầu, nguyện vọng của dân. Bên cạnh đó, một nguyên tắc cơ bản khi làm đường GTNT là phải công khai, minh bạch tài chính. Khi người dân vừa là người góp tiền, góp công lại vừa giám sát, quản lý quá trình xây dựng thì tất nhiên công trình giao thông đó đảm bảo chất lượng”. Với cách làm ấy, các công trình GTNT ở ấp Thống Nhất đều đạt chất lượng!

Song, bên cạnh những địa phương làm tốt, vẫn còn một số nơi còn xem nhẹ chất lượng các công trình GTNT! Nhiều công trình sau khi thi công một thời gian ngắn đã xuống cấp! Đơn cử như một số tuyến đường trải nhựa trên địa bàn xã Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân), sau khi hoàn thành chưa được bao lâu thì bị nứt, lún sạt. Còn ở một số nơi, lộ bê-tông sau vài tháng thi công thì bị bể, người dân đi lại rất khó khăn!

Chất lượng công trình là tiêu chí hàng đầu để đánh giá hiệu quả đầu tư các công trình, đặc biệt là các dự án giao thông có vốn đầu tư cao và có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, tình trạng các công trình giao thông nói chung khi mới đưa vào sử dụng đã xuất hiện hư hỏng, gây bức xúc cho xã hội.

Để giao thông đi trước một bước

Giai đoạn 1997 – 2011, Bạc Liêu đã xây dựng 2.440km đường GTNT, 5.401 cây cầu các loại với tổng chiều dài 61,875km (trong đó có 3.212 cây cầu cơ bản và bán cơ bản, còn lại là cầu gỗ). Tổng nguồn vốn đầu tư cho GTNT là 943 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước đầu tư 431 tỷ đồng (chiếm 45,8%), huy động dân 336 tỷ đồng (chiếm 35,5%); còn hơn 176 tỷ đồng huy động từ các nguồn vốn khác.

Trong chuyến công tác tại Bạc Liêu mới đây, Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng khẳng định: “Với điều kiện hạ tầng của tỉnh Bạc Liêu hiện nay, muốn phát triển, giao thông phải đi trước một bước”. Qua đó cho thấy, phát triển giao thông có ý nghĩa rất quan trọng. Nhất là cơ sở hạ tầng GTNT có vai trò quyết định trong sự phát triển kinh tế – xã hội của địa bàn nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là một trong những tiêu chí để xây dựng nông thôn mới. Ông Huỳnh Thanh Du, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình), cho biết: “Hiện nay, các công trình GTNT trên địa bàn xã đều thực hiện theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Một số ấp cũng đã mở rộng các tuyến lộ bê-tông nhằm đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới”.

Các địa phương đã và đang bắt tay vào xây dựng nông thôn mới. Nhà nước đầu tư và nhân dân tự nguyện đóng góp làm giao thông để vực dậy, phát triển nông thôn. Vì thế, công tác làm GTNT thiết nghĩ cần được các địa phương tính toán thực hiện trước một bước so với các tiêu chí khác. Giao thông phát triển sẽ là động lực để phát triển kinh tế và đạt các chỉ tiêu khác trong 19 tiêu chí. Phải lấy GTNT làm tiền đề để các địa phương xây dựng nông thôn mới, xác định phát triển GTNT là nhân tố đột phá để phát triển kinh tế – xã hội.

 

(Baobaclieu)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Cao Xuân Thu Ngọc 
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo