Khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động dự trữ quốc gia
Đã đăng vào 12/04/2012 lúc 10:01Trong phiên họp sáng 11- 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Dự trữ quốc gia. Dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 3 tới. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp.
Báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho biết, sau 8 năm thực hiện, Pháp lệnh Dự trữ quốc gia đã bộc lộ một số hạn chế, không theo kịp với những diễn biến thực tiễn cơ chế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa. Pháp lệnh mới chỉ quy định nguồn lực dự trữ quốc gia hình thành từ ngân sách nhà nước, chưa có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động dự trữ quốc gia như xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, kho chứa, cung ứng, bảo quản hàng hóa dự trữ quốc gia, nghiên cứu ứng dụng công nghệ bảo quản. Quy định về bố trí chi ngân sách cho dự trữ quốc gia cũng như cơ chế quản lý, điều hành Quỹ Dự trữ quốc gia có nhiều điểm bất hợp lý, đơn cử như phương thức mua bán chưa bảo đảm tính kịp thời, gây khó khăn trong việc luân phiên đổi hàng dự trữ quốc gia hàng năm…
Dự trữ gạo chờ xuất khẩu |
Đại diện cơ quan thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhận định, bên cạnh những tiến bộ đáng ghi nhận so với Pháp lệnh hiện hành, dự thảo Luật vẫn cần được tiếp tục hoàn thiện một số vấn đề theo hướng cụ thể hóa và minh bạch hơn nữa cơ chế khuyến khích xã hội hóa, các thành phần kinh tế tham gia hoạt động dự trữ quốc gia; điều kiện, trường hợp, trình tự thủ tục, chế độ trách nhiệm trong nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia; tiêu chí xác định doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện nhận hợp đồng bảo quản hàng dự trữ quốc gia …
Về mặt hàng thuộc diện điều chỉnh trong dự trữ quốc gia, theo dự thảo, bao gồm các loại vật tư hàng hóa thiết yếu và tiền. Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị không quy định dự trữ quốc gia bằng tiền, mà chỉ nên dự trữ bằng hàng hóa, vật tư thiết yếu. Cũng có ý kiến cho rằng, để tăng cường tiềm lực dự trữ quốc gia cần xem xét bổ sung dự trữ vàng và khoáng sản, ông Hiển cho biết.
Về thẩm quyền nhập, xuất hàng, dự thảo quy định Thủ tướng có quyền quyết định việc nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia. Cơ quan thẩm tra cho rằng để tránh tình trạng tập trung quá nhiều trách nhiệm cá nhân cho Thủ tướng, đề nghị việc nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia ở quy mô lớn, có phạm vi ảnh hưởng rộng nhưng không quá cấp bách thì cần được tập thể Chính phủ xem xét, quyết định.
Liên quan đến tổng mức dự trữ quốc gia, dự thảo quy định: tổng mức dự trữ quốc gia tăng dần hàng năm. Theo Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách, việc tăng dần tổng mức dự trữ quốc gia là cần thiết, nhưng không nên quy định hàng năm vì còn phụ thuộc vào khả năng cân đối ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ… Cũng có ý kiến đề nghị xác định quy mô tổng mức dự trữ quốc gia bằng tỷ lệ nhất định so với GDP.
Đồng tình với quan điểm của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói thêm: Chiến lược Dự trữ quốc gia trong dài hạn phải do Quốc hội quyết định, Chính phủ từ đó mà điều hành cụ thể. Nếu coi đây là lĩnh vực đặc thù, cần có những quy đinh đặc thù về kiểm toán, thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại tố cáo thì phải quy định trong luật này, nếu không thì chỉ cần dẫn chiếu các luật hiện hành.
Về dự trữ bằng tiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nêu ý kiến nếu dự trữ tiền thì phải dự trữ bằng ngoại tệ mạnh.
(SGGP)