Huyện Phước Long: Phát triển nông nghiệp – thủy sản theo hướng hiệu quả và bền vững

Đã đăng vào 26/12/2011 lúc 16:48

Những năm qua, huyện Phước Long đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp, cách làm sáng tạo, mang tính đột phát nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển đồng bộ, hợp lý trên cả 2 vùng sản xuất mặn – ngọt. Những chủ trương, giải pháp phù hợp đã góp phần đưa nền sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản ở huyện Phước Long đạt được nhiều kết quả phấn khởi.

Đối với vùng ngọt ổn định, huyện đã quy hoạch thành từng tiểu vùng, bố trí các mô hình sản xuất kết hợp đạt giá trị kinh tế từ 70 – 100 triệu đồng/ha/năm. Đồng thời tăng cường chuyển giao ứng dụng khoa học – kỹ thuật mới vào sản xuất; khuyến khích nông dân đầu tư máy móc thiết bị, nhất là công nghệ thu hoạch, góp phần giảm chi phí, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất. Năm 2011, với tổng diện tích đất gieo trồng 38.198ha, năng suất lúa bình quân đạt 5,2 tấn/ha, tổng sản lượng lương thực gần 199.000 tấn, tăng trên 38.400 tấn so với năm 2010 (kể cả hoa màu quy ra lúa).

Còn ở vùng chuyển đổi, với quan điểm chỉ đạo phát triển sản xuất bền vững và nâng cao hiệu quả trên cùng một đơn vị diện tích đất sản xuất, huyện đã khuyến khích phát triển mạnh các mô hình tôm – lúa và mô hình nuôi tôm xen canh kết hợp như tôm – cua, tôm – cá. Năm 2011, với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên 76.900ha, tổng sản lượng nuôi trồng và đánh bắt tự nhiên đạt gần 22.000 tấn, tăng trên 1.400 tấn so với năm 2010 (bao gồm tôm, cua, cá).

Để vực dậy tiềm năng, nâng cao giá trị kinh tế trên cả 2 vùng sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của huyện và thực hiện kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2015, ngành NN&PTNT huyện đã tham mưu Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các ngành, các địa phương của huyện sớm hoàn thành công tác quy hoạch sử dụng đất sản xuất; khai thác có hiệu quả tiềm năng lao động, đất đai. Khẩn trương xây dựng đề án các tiểu vùng chuyên canh; khuyến cáo nông dân phát triển các loại nông – thủy sản hàng hóa có tính chủ lực; xúc tiến xây dựng thương hiệu các loại sản phẩm hàng hóa có lợi thế của huyện; đặc biệt là tích cực chú trọng phát triển con tôm – cây lúa. Hình thành các tiểu vùng sản xuất hàng hóa, đầu tư xây dựng các tiểu vùng sản xuất đạt từ 70 – 100 triệu đồng/ha/năm; khuyến cáo nông dân từng bước cơ giới hóa các khâu trong sản xuất; chọn loại giống lúa chất lượng cao để canh tác và canh tác theo quy trình VietGAP để nâng cao giá trị hạt gạo trên thị trường.

 

 

Nông dân huyện Phước Long thu hoạch lúa chất lượng cao. Ảnh: K.T

Theo ông Trần Quốc Hùng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Long: “Để phát huy và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, năm 2011, ngành Nông nghiệp huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động nông dân vùng ngọt ổn định tiếp tục thực hiện tốt mô hình lúa – màu, lúa – cá, chuyên màu, phát triển chăn nuôi gia súc – gia cầm, động vật hoang dã. Đồng thời, khuyến khích nông dân áp dụng quy trình kỹ thuật “1 phải – 5 giảm”, “3 giảm – 3 tăng”, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM. Đối với vùng chuyển đổi, khuyến cáo nông dân quan tâm thực hiện tốt mô hình tôm – lúa, tôm – cua, chuyên tôm, nuôi tôm càng xanh xen canh trong ruộng lúa mùa. Tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng, cá sấu, ba ba, trăn, rắn”. Ngoài ra, huyện cần quan tâm đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất tôm giống tại địa bàn huyện và liên kết với các cơ sở cung cấp giống sạch bệnh để đáp ứng tốt nhu cầu nguồn giống cho nông dân. Song song đó, phát triển các cơ sở thu mua thủy sản nguyên liệu, kết hợp hài hòa giữa phát triển sản xuất hiệu quả, bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

 

Cùng với các giải pháp về phát triển sản xuất nông nghiệp – thủy sản, năm 2011, ngành Nông nghiệp huyện cũng đã xây dựng phương án từng bước thực hiện việc kiên cố hóa hệ thống kênh mương; hình thành các tổ hợp tác sản xuất ở nông thôn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh phong trào sản xuất thâm canh tăng vụ, phát triển nông thôn mới gắn với khu dân cư tập trung. Tuy nhiên, để thực hiện đạt mục tiêu kiên cố hóa hệ thống kênh mương thủy nông nội đồng nói riêng, phát triển nông nghiệp – thủy sản nói chung, thì nguồn vốn đầu tư quá lớn, trong khi đó, vốn nội lực của huyện có hạn. Do đó, để góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch xây dựng Phước Long trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2015, ngoài việc phát huy tối đa nội lực, huyện rất cần sự quan tâm hỗ trợ tích cực từ Trung ương và tỉnh, cũng như sự giúp đỡ của các sở, ban ngành cấp tỉnh.

Quốc Vũ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Lâm Hồ Sỹ
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo