Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển ĐBSCL: Bạc Liêu mời gọi đầu tư và xúc tiến thương mại

Đã đăng vào 03/05/2012 lúc 17:21

Nằm trong khuôn khổ Triển lãm hội chợ “Thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển vùng ĐBSCL” diễn ra tại TP. Cần Thơ (gồm 480 đơn vị, doanh nghiệp tham gia với 1.200 gian hàng của các bộ, ngành Trung ương, TP. HCM và các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL), Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển ĐBSCL. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Bạc Liêu gặp gỡ, tiếp xúc với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Đồng thời là dịp để các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và kêu gọi xúc tiến đầu tư…

 

Đồng chí Võ Văn Dũng (bìa phải), Bí thư Tỉnh ủy thăm một số gian hàng trưng bày của các tỉnh tại Triển lãm hội chợ “Thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển vùng ĐBSCL”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Lê Minh Chiến (bên phải) thăm gian hàng muối Bạc Liêu. Ảnh: M.Đ


Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển ĐBSCL đã giới thiệu tiềm năng, thế mạnh vùng ĐBSCL, chiến lược, cơ chế, chính sách về liên kết cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, đào tạo nguồn nhân lực, giải pháp ứng phó đối với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên nước, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào vùng ĐBSCL. Đây cũng là cơ hội cho các nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà đầu tư, nông dân và các tổ chức tín dụng gặp gỡ, trao đổi để tăng cường liên kết, xúc tiến đầu tư nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của chính sách tín dụng nông thôn.

Tiềm năng, thế mạnh của vùng ĐBSCL trong giai đoạn mới vẫn là nông nghiệp và nguồn nhân lực dồi dào. ĐBSCL có diện tích tự nhiên khoảng 4 triệu héc-ta, trong đó có 1,68 triệu héc-ta đất phèn (chiếm 44%), 1,16 triệu héc-ta đất phù sa (chiếm 30%). Đất mặn ven biển có 0,7 triệu héc-ta (chiếm 18%), rừng ngập mặn và các loại đất khác chiếm 8%… Điều kiện khí hậu ôn hòa kết hợp với nguồn đất phù sa màu mỡ đã giúp ĐBSCL trở thành vựa lúa, thủy sản và vựa trái cây lớn nhất nước.

Định hướng phát triển giai đoạn 2011 – 2020 là tiếp tục xây dựng vùng ĐBSCL trở thành vùng kinh tế, vùng sản xuất lương thực, thủy hải sản trọng điểm của cả nước. ĐBSCL phấn đấu giai đoạn 2011 – 2020, GDP tăng bình quân 12%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/năm. Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã phối hợp với Bộ Kế hoạch – Đầu tư, các tỉnh, thành phố trong vùng chọn lựa 178 dự án đầu tư trọng điểm của vùng, với tổng vốn kêu gọi đầu tư hơn 171 ngàn tỷ đồng và hơn 1,5 tỷ USD. Trong đó, Bạc Liêu có 14 dự án trọng điểm mời gọi đầu tư giai đoạn 2012 – 2015 thuộc các lĩnh vực: đầu tư khu dân cư, khu đô thị mới (3 dự án), văn hóa – du lịch (2 dự án), đầu tư kết cấu hạ tầng (5 dự án), y tế (2 dự án), phục vụ nông nghiệp (2 dự án).

Tham gia hội nghị, Bạc Liêu tập trung kêu gọi đầu tư vào những dự án động lực mang tính đột phá về công nghiệp, phát triển du lịch và cải thiện môi trường đầu tư. Hiện tỉnh đang tích cực mời gọi đầu tư đối với 14 dự án trọng điểm như Cảng cá Gành Hào, Trung tâm nhiệt điện Cái Cùng, hạ tầng khu kinh tế Gành Hào, xây dựng cầu Bạc Liêu 4 và đường ra đê biển Đông, đầu tư các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Để khai thác nội lực và thu hút ngoại lực nhằm tạo ra nguồn lực tổng hợp thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển của tỉnh, Bạc Liêu luôn mở rộng cửa để đón các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào Bạc Liêu với phương châm đôi bên cùng có lợi. Đồng thời giúp Bạc Liêu đánh thức và khai thác những tiềm năng vốn có. Để thực hiện vấn đề này, tỉnh đã tăng cường cải cách thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp để tiếp tục nâng cao chỉ số cạnh tranh. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư nhằm huy động các nguồn lực của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và các tập đoàn kinh tế.

Các sản phẩm đặc trưng được triển lãm, trưng bày tại Triển lãm hội chợ “Thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển vùng ĐBSCL” như gạo Một bụi đỏ, gạo Tài nguyên, muối Bạc Liêu, các mặt hàng thủy sản như tôm, cua, cá… là cơ hội quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trên các lĩnh vực. Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ và ưu đãi đầu tư, các dự án mời gọi đầu tư… tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trong tỉnh gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, liên kết sản xuất và kinh doanh nhằm mời gọi đầu tư và xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Ông Trương Tấn Mười, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại – du lịch tỉnh, cho biết: “Thông qua Triển lãm hội chợ “Thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển vùng ĐBSCL”, chúng ta đã giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của Bạc Liêu. Đồng thời thông qua Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển ĐBSCL, Bạc Liêu kêu gọi các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư vào địa phương. Đây là dịp để tỉnh tiếp cận với các doanh nghiêp và mời gọi họ về Bạc Liêu đầu tư. Qua đó, giúp tỉnh có điều kiện khai thác những tiềm năng, phát triển kinh tế”.

 

 

(Baobaclieu)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Cao Xuân Thu Ngọc 
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo