CÔNG TỬ BẠC LIÊU – SỰ THẬT VÀ GIAI THOẠI (kỳ 22)
Đã đăng vào 29/11/2011 lúc 10:02Đầu năm 1946, giặc Pháp quay trở lại Bạc Liêu. Ngày 4/1, chúng tiến từ Sóc Trăng xuống bằng đường bộ. Ngày 27/1, chúng theo đường thủy từ Cổ Cò vào Bạc Liêu đến cầu Cả Phượng thì bị quân ta chặn đánh, nhưng do quân ta vũ khí thô sơ, lực lượng mỏng nên Pháp chiếm được thị xã Bạc Liêu. Từ đó giai cấp địa chủ Bạc Liêu lại hy vọng. Một số người ngóc đầu dậy bằng việc thu tô nợ của tá điền mà trước đây đã được Việt Minh giải phóng. Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy cũng có những hành động tương tự. Đầu tiên, người của Trần gia vào sở điền Bàu Sàng lục xét, thu gom tất cả những gì mà tá điền lấy từ nhà lầu hồi năm 1945, kể cả việc tấm nệm mà tá điền xé ra may quần áo cho con mặc. Rồi đòi tá điền trả lúa nợ, lúa vay.
Việc này có phải chủ trương của Công tử Bạc Liêu hay không, chúng ta hãy nghe ông Hai Hùng, 87 tuổi, trước là tằng khạo thân tín của Ba Huy, nay còn sống ngụ tại phường 7, thị xã Bạc Liêu kể:
Nhiều lần đi vô các sở điền hoặc đi đờn ca tài tử, cậu Ba Huy hay kêu tôi theo như một kẻ tâm phúc. Dạo đó, vào cuối năm 1946, cậu Ba tự lái xe xuống đậu ở đầu cầu Sập rồi kêu người nhắn tôi ra. Lúc này, cậu Ba đã 46 tuổi nhưng trông còn trẻ lắm. Và mặc dù lúa ruộng, lúa vay chẳng còn thu được bao nhiêu nhưng phong độ cậu Ba không xuống dốc chút nào. Vẫn quần Tây, áo sơ mi sang trọng, đầu đội nón nỉ, chân đi giày bóng lộn. Tôi ra gặp rồi dẫn cậu Ba về nhà. Tôi qua nhà ông già bắt con cá lóc khoảng một ký rưỡi đem đi bó lá chuối nướng rơm, rồi phi mỡ hành lên để đãi cậu Ba. Cậu Ba ăn thoải mái ngon lành, thỉnh thoảng lại nới dây nịt ra vì bụng ngày càng căng. Cậu Ba ăn hết cả con cá lóc rồi nói:
– Mầy nấu đồ ăn ngon hơn cao lầu ở Chợ Lớn.
Ăn xong bữa, cậu Ba buồn buồn nói với tôi:
– Bữa nay cậu Ba kêu thằng Hai mầy lại để nói chuyện. Tá điền bây giờ nó dựa vào Việt Minh nên giựt lúa ruộng, lúa vay của cậu Ba gần hết. Mầy là kẻ tâm phúc của nhà lớn nên cậu Ba tính giao cho mầy làm tằng khạo ở điền Cá Rô. Nếu mầy thu được cậu Ba cho tiền…
Nghe xong, tôi “thần hồn nát thần tính” rồi lắp bắp:
– Con lạy cậu Ba, con của con đông quá, lỡ có bề gì tụi nó khổ lắm. Tá điền bây giờ nó giết tằng khạo như cơm bữa. Mong cậu Ba thương con.
Cậu Ba vốn là người dễ tính, nghe tôi từ chối cũng không nói gì rồi ra xe về nhà lớn.
Câu chuyện của ông Hai Hùng cho ta thấy Trần Trinh Huy cũng quyết tâm phục hồi địa vị của mình. Và câu chuyện sau đây càng chứng minh cái quyết tâm ấy. Trần Trinh Huy đã mướn hai trung đội lính mã tà đi trước, người nhà của Ba Huy đi sau, đi đến đâu thì thu lúa ruộng, lúa vay đến đó.
Trước những hành vi của Công tử Bạc Liêu và trước việc Pháp quay lại, sợ một số đại điền chủ “vô dân Tây” hợp tác lại với giặc Pháp, chính quyền địa phương đã bắt Trần Trinh Huy và một số địa chủ giam hai tháng, để giáo dục không được hợp tác với Pháp. Sau khi được thả ra, Công tử Bạc Liêu dong tuốt lên Sài Gòn, chỉ để lại một số quản điền trông coi cơ ngơi.
(Baobaclieu)