CÔNG TỬ BẠC LIÊU – SỰ THẬT VÀ GIAI THOẠI (kỳ 18)
Đã đăng vào 23/11/2011 lúc 10:02Lúc bấy giờ, trong giới làng chơi nổi lên một nhân vật, đó là Phước Georges. Phước người Mỹ Tho, con trai ông Đốc phủ sứ tên Sảng. Gia thế của Phước cũng cực kỳ quyền uy và giàu có ở miệt Tiền Giang. Phước từng du học bên Pháp và vô dân Tây (nhập quốc tịch Pháp). Khi qua Tây học, Phước chỉ ăn chơi và sai một người thân tín học thay thế mình, người đó sau này thành Đốc phủ sứ. Phước rất rộng rãi, có thứ gì dù quý giá đến mấy hễ ai dám xin thì Phước dám cho và là một con người ăn chơi nổi tiếng đương thời. Phước lập ra gánh hát cải lương Phước Chương nổi tiếng và chọn cô đào tài sắc vẹn toàn là cô Phùng Há (bây giờ là Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há), làm đào chánh. Vợ Phước sau này là danh ca Sáu Ngọc Sương nổi tiếng một thời. Phước chết vào năm 1954 vì bệnh. Giới ăn chơi lúc bấy giờ đặt cho Phước là Bạch Công tử (vì da trắng) để phân biệt với Hắc Công tử Trần Trinh Huy. Và họ còn cho rằng, đệ nhất phong lưu ở Sài Gòn lục tỉnh chỉ có hai người, Bạch Công tử hùng cứ ở Mỹ Tho và Hắc Công tử ở Bạc Liêu. Chính lời đồn đại này đã làm cho hai Công tử trở nên kỳ phùng địch thủ. Họ kết giao với nhau nhưng đồng thời lại “vờn” nhau, chơi khăm nhau, xem ai đáng mặt anh hào.
Bạch Công tử cũng là một kẻ có máu mê cờ bạc, đã từng la cà ở Đại thế giới và các sòng bài ở Chợ Lớn. Vì thế, ông ta cũng quen biết cô Ba Trà và sắc đẹp như bùa mê ngãi lú của cô Ba Trà cũng đã từng làm xao xuyến tâm hồn Bạch Công tử. Tác giả Nguyễn Thiện viết:
“Đang lúc cô Ba Trà thua bài sạch túi, ông trưởng giả lớn tuổi chưa kịp cung phụng tiền bạc tiếp để vừa lòng mỹ nhân, Bạch công tử lù lù lái xe lại nhà cô Ba Trà rủ xuống Cần Thơ ăn cá cháy và đánh bài gỡ gạc.
Hai người vừa xuống đến quán Bungalow ở Cần Thơ, máy xe chưa nguội thì chiếc Sport tám máy của Hắc Công tử cũng vừa trờ tới, thắng cái két… Cả hai lâm vào cảnh khó xử, việc chiếm được mỹ nhân chỉ còn cậy vào tài chinh phục của bản thân mình. Cả ba cùng đưa nhau vào khách sạn. Bạch Công tử lột chiếc cà rá hột xoàn trị giá 3.000 đồng vào thời đó để trên bàn trước khi vào phòng tắm. Lúc trở ra, thấy cô Ba Trà đeo thử nó trên tay, Bạch Công tử liền lên tiếng tặng luôn…”. “Sau đó, Hắc Công tử đã mua tặng cô Ba Trà một chiếc nhẫn trị giá gấp đôi…”.
Hắc Công tử tốn không biết bao nhiêu tiền của lo cho cô Ba Trà đánh bạc. Ông tỏ ra là một người cực kỳ phong lưu, tao nhã và vô cùng hào phóng… Do đó, trong cuộc tình tay ba ấy, Công tử Bạc Liêu là người chiến thắng.
Một bận, gánh hát cải lương Phước Chương của Bạch Công tử về Sóc Trăng hát. Bạch Công tử liền mời Hắc Công tử lên xem. Vãn hát, Bạch Công tử tổ chức ăn nhậu với Hắc Công tử, nghe đồn sòng nhậu có cả Nghệ sĩ Phùng Há và cô Ba Trà. Đang nhậu, một người nào đó (có người đồn là nghệ sĩ Phùng Há) đánh rơi một đồ vật dưới gầm bàn rồi cúi xuống mò tìm trong bóng tối. Thấy vậy, Bạch Công tử liền móc tờ giấy con công (5 đồng) đốt làm đuốc soi cho tìm vật đánh rơi. Với ý chơi khăm và cũng để “giật le” trước hai người đẹp, Hắc Công tử liền bật hột quẹt đốt tờ giấy bộ lư (100 đồng) cũng để làm đuốc (thuở ấy ai mà có tờ giấy bạc bộ lư là đã bị “lính kín” theo dõi). Sáng hôm sau, cả châu thành Sóc Trăng đồn ầm lên rằng “Công tử Bạc Liêu đốt tiền”, và nó lan mãi ra thành một giai thoại đến ngày nay.
Bị bẽ mặt, nhưng Bạch Công tử không dám nói gì, bởi có hai người đẹp trước mặt, ông ta liền nói nhỏ với Hắc Công tử:
– Nếu “moa” muốn thi thố chứng tỏ anh hào, thì “toa” và “moa” mỗi người cân một ký đậu xanh, một ký đường rồi dùng tiền làm củi đốt nấu chè…
Đường đường là một trang nam nhi mã thượng há phải sợ ai, Hắc Công tử liền nghênh chiến.
Tương truyền cuộc thi ấy diễn ra tại nhà lớn của Trần gia, nằm cạnh bờ sông Bạc Liêu. Để xứng danh Công tử Bạc Liêu là một người phong lưu, Trần Trinh Huy đã cho trang hoàng nhà lớn với đèn hoa rực rỡ, rồi trải thảm từ đại sảnh ra tận cầu tàu bờ sông. Sau đó, ông huy động rất nhiều con gái đẹp mà Ba Huy tuyển được từ các cuộc “đấu xảo sắc đẹp” ở các sở điền về, rồi bố trí cầm hoa đứng dọc lối đi từ cầu tàu cho tới cửa nhà lớn để đón Bạch Công tử.
Hồi đó, đường xe từ Sài Gòn xuống Bạc Liêu đã thông thương nhưng Bạch Công tử không đi xe mà đi ghe hầu từ sông Hậu xuống Bãi Xàu, Cổ Cò, Vàm Lẽo để vào châu thành Bạc Liêu. Bạch Công tử lên bờ với một người hầu đi sau lưng quảy một bao cà roòn tiền giấy.
Sau đó, tại đại sảnh nhà lớn của Trần gia, cả hai công tử của hai miệt Mỹ Tho và Bạc Liêu “vờn” nhau để giành một thứ danh tiếng hão bằng cách đốt tiền nấu chè. Cái thứ lửa của tiền giấy thì rất kém nhiệt, nó cứ cháy liu riu, vì thế họ nấu chè rất lâu trong sự căng thẳng của rất nhiều người chứng kiến. Trán ai cũng rịn mồ hôi hột, nhất là những người trong gia đình họ Trần. Cuối cùng, cái gì sẽ đến cũng đã đến, nồi chè của Bạch Công tử sôi trước, Hắc Công tử đành thua cuộc. Nhưng Ba Huy nói rằng ông ta thua trong danh dự, thực tế nó đã tạo ra một kỳ tích cho ông về danh tiếng quăng tiền qua cửa sổ.
Tuy thế, Trần Trinh Huy cũng để sự ấm ức trong lòng và chờ dịp trả thù. Và cái dịp trả thù ấy đã đến. Đó là lúc Bạch Công tử mời Hắc Công từ lên Sài Gòn chơi. Bạch Công tử có một bà vợ bé rất đẹp, Ba Huy quyết chơi khăm. Sau mấy ngày la cà ăn nhậu ở các vũ trường, đánh bạc ở Đại thế giới… Ba Huy lập kế, bảo tài xế riêng của mình viết mạo lá thư của người nhà nói rằng: “Ông già đau nặng, về gấp…”, rồi mang đến trước mặt cả hai Công tử để báo tin. Vịn vô cớ ấy, trước mặt Bạch Công tử, Ba Huy làm ra vẻ lo lắng rồi nói:
– “Toa” ở lại chơi chờ “moa”, “moa” về xem ông già ra sao rồi lên liền, chúng ta tiếp tục cuộc vui.
Cả tin, Bạch Công tử đồng ý.
Trần Trinh Huy về đến Mỹ Tho, chẳng biết òn ỉ, tò tí thế nào mà rước được vợ của Bạch Công tử đi chơi. Ba Huy nói với tài xế: “Mày chạy tuốt xuống Sóc Trăng cho tao, chớ ở Cần Thơ chơi thế nào thằng Phước Georges nó cũng tìm gặp…”.
Sau mấy ngày chờ đợi không thấy Ba Huy lên, Bạch Công tử liền bắn tin theo đò Ưng Ký về Bạc Liêu và biết được Trần Trinh Huy chưa về thì bán tín bán nghi, sau đó thì giật mình, lao về Mỹ Tho xem cô vợ bé… Cuối cùng, Bạch Công tử mới biết rằng mình bị cắm sừng. Ông hộc tốc lao xuống Cần Thơ, rồi xuống Sóc Trăng tìm và bắt gặp cô vợ bé của mình và Hắc Công tử trong… khách sạn Đông Kinh.
Bạch Công tử vô cùng tức giận liền móc súng sáu ra.
Hắc Công tử cũng không phải tay vừa nên cũng móc súng. Thế nhưng, cả hai đều là những con người từng qua tay không biết bao nhiêu đàn bà…, vì thế, họ cùng suy nghĩ: Trượng phu như ta chẳng lẽ phải bại liệt thân danh dưới tay một con đàn bà? Thế là sau đó họ cùng buông súng. Nghe nói đêm ấy, Bạch Công tử đã giao vợ luôn cho Hắc Công tử.
Những giai thoại như đốt tiền làm đuốc, đốt tiền nấu chè trên đây đã tồn tại song hành với danh hiệu Công tử Bạc Liêu 6 – 7 thập niên qua. Hễ ai nhắc đến Công tử Bạc Liêu là lập tức nhớ ngay đến giai thoại này. Nó tồn tại để minh họa cho thói ăn chơi quăng tiền qua cửa sổ của Công tử Bạc Liêu. Cho nên, nó là một thực thể máu thịt với cụm từ Công tử Bạc Liêu, giống như nếu không có nó thì không có danh hiệu Công tử Bạc Liêu nổi tiếng. Thế nhưng, có dư luận cho rằng, đây là những giai thoại không có thật. Vậy nó thực hư thế nào? Xin mời bạn đọc nghe một câu chuyện dưới đây (tất nhiên đây cũng chỉ là ý kiến tham khảo).
Có lần, một người cháu gọi Trần Trinh Huy bằng cậu ruột đã nói với người viết tập sách này:
“Khoảng đầu năm 1960, tôi lên Sài Gòn ghé nhà chơi, cậu Ba Huy cho tôi 200 đồng rồi bảo tài xế:
– Tư Lùn, mầy lấy xe coi nó thích đi chỗ nào thì chở nó đi chơi.
Tối về, thấy cậu rảnh rỗi, tôi hỏi:
– Thiên hạ đồn, thời trẻ, cậu ăn chơi quăng tiền ra cửa sổ bằng cách đốt tiền làm đuốc, đốt tiền nấu chè… có không cậu Ba?
Cậu Ba tôi bảo:
– Họ nói tầm phào. Có tiền, tao qua Nhật, chơi con gái Nhật chứ tội gì đem đốt(?)”…
(Baobaclieu)